Hết thời “tín dụng đen”
Kể từ đầu năm cho đến nay, Bộ Công an đã liên tục điều tra và triệt phá các vụ án liên quan đến tội phạm rửa tiền và tín dụng đen. Đồng thời tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ để giúp phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm ngay từ khi mới manh nha họat động.
Trong Báo cáo gửi các ĐBQH tại phiên họp thứ 14, Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát và xử lý hàng loạt đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Cụ thể là đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1038 vụ/2025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng liên tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để nhằm hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xác thực thông tin nhân thân của khách hàng vay vốn. Từ đó phần nào giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh hồ sơ vay; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, rửa tiền.
Tuy nhiên do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số mà hiện nay các hoạt động rửa tiền và tín dụng đen bắt đầu xuất hiện những biến tướng “xấu xí”. Theo đó, trong khoảng thời gian cuối tháng 11, công an TPHCM đã phát hiện một số công ty luật, công ty tài chính có hành vi “đòi nợ thuê” thông qua môi trường mạng. Theo đó phương thức thu hồi nợ của nhân viên công ty này là khi khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty; lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng.
Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Trong đó, với nhóm nợ trên 180 ngày (chia thành 2 nhóm A, B), các nhân viên sẽ được yêu cầu dùng điện thoại di động nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới. Hoặc lợi dụng mạng xã hội để khủng bố người vay bằng cách cắt ghép hình ảnh vu khống đăng trên các trang mạng xã hội hoặc gửi cho người thân, đồng nghiệp của người nợ, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ. Mỗi nhân viên nếu đòi được nợ sẽ được hưởng từ 25-30% trên tổng số nợ của khách hàng.
Qua sự việc trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không vay tiền từ các tổ chức “tín dụng đen”, các đối tượng cho vay lãi nặng, các tổ chức ngoài xã hội, tránh để lộ lọt thông tin và hình ảnh cá nhân.
Đồng thời Bộ cũng kiến nghị với các cơ quan ban ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, ngân hàng thương mại trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Cùng với đó là hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, để phục vụ cho các nhu cầu cấp bách chính đáng của người dân.
Minh Thanh