+
Aa
-
like
comment

Hé lộ những góc khuất chấn động về Tịnh Thất Bồng Lai

15/12/2021 15:34

Xung quanh vụ việc ở “Tịnh Thất Bồng Lai” đã được các cơ quan chức năng tỉnh Long An xử lý theo trình tự pháp luật từ cuối năm 2020. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cũng đã lên tiếng khẳng định “Tịnh Thất Bồng Lai” không phải là cơ sở Phật giáo.

Sự việc nóng lại khi trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đăng tải thông tin khơi lại vụ việc này, bắt đầu từ việc Lê Thanh Minh Tùng tự nhận là con trai tố cha mình là ông Lê Tùng Vân cùng một số người ở “Tịnh Thất Bồng Lai”…

bl 1.jpg -0
Ông Lê Tùng Vân và những người trong hộ gia đình bà Cao Thị Cúc làm việc với cơ quan chức năng.

Mượn danh cơ sở tôn giáo để trục lợi

Ông Lê Tùng Vân, sinh năm 1932 tại tỉnh An Giang. Sau giải phóng miền Nam, ông rời quê lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, sinh sống và đăng ký hộ khẩu thường trú phường 10, quận 6. Năm 1990, ông Vân xin một khu đất ruộng ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh để lập ra Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức và tự phong là giám đốc. Thông qua một số đầu mối, ông Vân giới thiệu nơi đây là “ngôi nhà chung”, đón những trẻ mồ côi, người già lang thang cơ nhỡ về chăm sóc và nhanh chóng thu hút được những người hảo tâm đến ủng hộ.

Qua kiểm tra thực tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh kết luận cơ sở này hoạt động bất hợp pháp với hàng loạt sai phạm: không đăng ký tạm trú cho những người lưu trú, không làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định của pháp luật và có dấu hiệu trục lợi.  Đến năm 2007, do hoạt động không đúng theo quy định pháp luật nên UBND huyện Bình Chánh có quyết định chấm dứt hoạt động đối với cơ sở Thánh Đức.

bl 3.png -0
Cơ quan Công an nhiều lần làm việc với những người trong hộ gia đình bà Cúc về việc làm mất an ninh trật tự.

Sau khi Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức bị xóa sổ, ông Vân khăn gói đi đến tất cả các địa phương ở miền Đông, miền Tây Nam bộ tìm “đối tác” để hợp tác và đến năm 2015, khi được bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đồng ý hoán chuyển nhà mình thành nơi nuôi trẻ mồ côi và làm từ thiện, ông Vân đã dọn về đây cư ngụ.

Bà Cao Thị Cúc sinh năm 1960 tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm 2014, bà rời quê tìm đến xã Hòa Khánh Tây mua lại nhà, đất rộng gần 2.000 m2, sửa chữa lại làm điểm tu tại gia. Năm 2015, khi hợp tác với ông Vân thì cả hai cùng bỏ tiền sửa chữa, mở rộng rồi chuyển đổi thành cơ sở nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ với cái tên “Tịnh Thất Bồng Lai” mà không xin phép cơ quan chức năng. Sau đó ông Lê Tùng Vân bê nguyên “công thức cũ” từ thời còn hoạt động trái phép ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh về áp dụng tại đây, nhưng tinh vi hơn bằng cách tung các clip và hình ảnh hoạt động lên các trang mạng xã hội để thu hút các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đến ủng hộ. Ngoài ra ông Vân còn mạo nhận mình là “Thầy ông nội”, “Thích Tâm Đức”, cho rằng “Tịnh Thất Bồng Lai” là chùa để liên tục thâu nạp đệ tử, mỗi khi livestream hình ảnh tự mình cạo đầu cho người tu hành…

Cơ sở này đã nhiều lần bị nhắc nhở về những hoạt động trái phép, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, Công an huyện Đức Hòa phối hợp với các phòng nghiệp vụ và các ban ngành chức năng địa phương vào cuộc và kết quả xác minh cho thấy, đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Chính quyền xác minh, tại “Tịnh thất Bồng Lai” có 8 đứa trẻ. Trong đó có 6 đứa trẻ có tổng cộng 3 người mẹ ruột đang sinh sống cùng, trong giấy tờ, phần tên cha để trống. Thực tế khi làm việc với cơ quan chức năng, những người mẹ này có tường trình, vì lý do cá nhân nên không cho các bé biết mình là mẹ ruột, dù đang chung sống một nhà.

Đáng nói hơn, phần lớn những người sinh sống ở đây lại có quan hệ huyết thống, là con ruột, cháu ruột của ông Lê Tùng Vân. Chính quyền tỉnh đang tiếp tục xác minh, làm rõ về những mối quan hệ huyết thống, thân phận những đứa trẻ ở nơi này. Chính vì sống chung nhà nhưng không nhận là mẹ – con, cha – con, ông – cháu nên bao năm qua “Tịnh thất Bồng Lai” nhận rất nhiều khoản hỗ trợ từ thiện của bà con trong, ngoài nước dành cho những đứa trẻ mang danh mồ côi.

Địa điểm này cũng đã lợi dụng danh nghĩa cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tâm linh nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân. Mặc dù trước đó luôn mạo nhận là “Thầy ông nội”, thầy “Thích Tâm Đức” và “Bồng Lai” là chùa, nhưng khi đối mặt với cơ quan chức năng,  ông Lê Tùng Vân đã nói rằng: “Đây không phải là cơ sở tôn giáo…”.

bl 4.jpg -0
Địa điểm gọi là “Tịnh Thất Bồng Lai”.

Do bị các cơ quan ngôn luận lên tiếng về những hoạt động sai trái, cộng đồng mạng và nhiều phật tử lên án, tẩy chay nên cuối năm 2020, ông Vân còn cho đổi tên “Tịnh Thất Bồng Lai” thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Tại thời điểm này, Hòa thượng Thích Minh Thiện – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An khẳng định: “Tịnh Thất Bồng Lai” không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đó không phải là tu sĩ Phật giáo, chỉ mượn danh xưng của cơ sở Phật giáo, lợi dụng hình thức tu sỹ Phật giáo, lợi dụng hình thức cơ sở của Giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi dạy trẻ mồ côi làm từ thiện, lừa gạt lòng tin của tín đồ Phật giáo để trục lợi”.

Ông Nguyễn Văn Mưng – Trưởng ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ tỉnh Long An cho biết, hộ gia đình bà Cúc chỉ là hộ gia đình nhà ở, không phải là cơ sở tôn giáo. Việc ông Lê Tùng Vân tự phong cho mình là hòa thượng, đồng thời giới thiệu trên mạng xã hội là “Thầy ông nội” hoặc thầy “Thích Tâm Đức” và gọi “Tịnh Thất Bồng Lai” là chùa cũng chỉ là việc cá nhân, không được Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận.

Từ sự việc này có những đối tượng phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng để nói xấu chính quyền. Đến khi nhiều báo, đài thông tin về hoạt động của các cá nhân ở “Tịnh Thất Bồng Lai” vi phạm quy định của pháp luật, với chiêu trò lợi dụng tôn giáo, lợi dụng nuôi trẻ mồ côi để trục lợi, gắn mác tu hành nhưng lại sinh hoạt, sinh sống như những người bình thường thì nhiều người đã hiểu rõ bản chất, hoạt động của nhóm “Tịnh Thất Bồng Lai” nên đã lên án, tẩy chay.

Chống đối và vu khống cơ quan Công an khi thực thi nhiệm vụ

Theo thông tin từ Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, trong các ngày 9-9 và 5-10-2019, Công an xã Hòa Khánh Tây đã tiếp nhận “Đơn xin giải quyết” của vợ chồng ông Võ Văn Thắng, bà Đoàn Thị Tuyết Mai, trú tại 15/2 đường 20, KP1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh về việc con gái bà là Võ Thị Diễm My bỏ nhà ra đi vào ngày 7-9-2019. Qua xác minh, được biết Diễm My có quen biết với Lê Thanh Huyền Trân, sinh năm 2002, ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và được cô Trân mời đến hộ bà Cao Thị Cúc chơi rồi không về nên ngày 25-9-2019, Công an xã Hòa Khánh Tây tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện thấy Võ Thị Diễm My tạm trú tại đây.

bl5.jpg -0
Hoạt động bên trong hộ gia đình bà Cao Thị Cúc.

Ngày 10-10-2019, ông Thắng tiếp tục gửi đơn đến Công an huyện Đức Hòa tố cáo nhóm người tại hộ bà Cúc đã dụ dỗ, bắt giữ con gái ông. Trong lúc Công an huyện đang xác minh thì vào ngày 24-10-2019, vợ chồng ông Thắng cùng hơn chục người trong gia đình đến hộ bà Cúc tìm con gái. Tại đây, hai bên đã có lời qua tiếng lại, xô đẩy nhau. Ông Thắng không tìm được cô My và vụ việc chỉ được vãn hồi khi Công an huyện Đức Hòa có mặt tại hiện trường để giải quyết. Ngay ngày hôm sau, bà Cúc đã gửi đơn lên Công an huyện Đức Hòa tố cáo nhóm người của ông Thắng cố ý gây thương tích, xâm phạm gia cư bất hợp pháp dẫn đến việc bà bị mất gần 300 triệu đồng. Mười ngày sau, ông Lê Tùng Vân gọi điện yêu cầu ông Võ Văn Thắng xuống để cho gặp cô Diễm My (con ông Thắng), nhưng yêu cầu phải hứa là không được đưa cô Diễm My về. Sau buổi gặp mặt, nhóm người trong hộ bà Cúc đã tổ chức quay video đối thoại trực tiếp với cô My, yêu cầu cô khẳng định rằng nhóm này không lừa gạt, dụ dỗ cô đến đây. Sau đó, đoạn video đã được đăng tải lên mạng.

Để làm rõ nội dung trong các đơn tố cáo giữa bà Cúc với vợ chồng ông Thắng và ngược lại, ngày 12-12-2019, Công an huyện Đức Hòa mời bà Cao Thị Cúc và cô Võ Thị Diễm My với vợ chồng ông Võ Văn Thắng lên làm việc. Khi cơ quan Công an yêu cầu bà Cúc giao cô Võ Thị Diễm My cho gia đình ông Thắng đưa về nhà để điều trị bệnh thì bà Cúc cùng 6 người trong hộ đã có hành vi gây rối, quay phim, chụp ảnh và lu loa rằng Công an huyện đã bắt cóc, làm mất tích Diễm My, rồi gia đình cô Diễm My sẽ đến giết họ… Trước hành vi sai phạm trên, Công an huyện Đức Hòa yêu cầu nhóm người này xóa hết video, không được quay phim, chụp ảnh trong cơ quan và mời họ ra ngoài. Sau khi ra ngoài, nhóm người này tiếp tục vu cáo, tụ tập đông người gây cản trở giao thông nên Công an huyện phải điều lực lượng đến đảm bảo ANTT, giải thích cho mọi người hiểu và đến trưa cùng ngày nhóm này mới chịu quay trở về hộ bà Cúc. Ngay ngày hôm sau, những người trong hộ bà Cúc đã đăng video, bài viết lên mạng xã hội (Facebook, Youtube) vu cáo Công an huyện Đức Hòa đã bắt cóc, làm mất tích Diễm My; vu cáo gia đình cô Diễm My đến giết họ; kích động cộng đồng mạng, quần chúng biết tin đến nhà ông Thắng để giải cứu, đòi lại cô Diễm My cho hộ bà Cúc. Từ việc vu cáo trên đã tiếp tay cho những kẻ cơ hội và một số đối tượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng vụ việc để bôi xấu, chống phá chính quyền.

Nhận thấy cái tên tự xưng “Tịnh Thất Bồng Lai” không còn hữu dụng nên ngày 1-1-2020, nhóm người tại hộ bà Cao Thị Cúc đã đăng video lên mạng tuyên bố đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”, đồng thời tiếp tục kêu gọi tài trợ, ủng hộ.

Chưa dừng lại, vào ngày 25-7-2020, khi Công an tỉnh Long An phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa và chính quyền địa phương vận động, giải thích, thuyết phục những người có mặt trong hộ bà Cao Thị Cúc tiến hành các bước lấy mẫu xét nghiệm để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, nhưng chỉ có 8 người thực hiện, còn các đối tượng còn lại không đồng ý.

Do những người này vừa tiếp xúc với một nhà hảo tâm từ vùng tâm dịch ở Campuchia về nên sau đó đoàn công tác đã thông qua quyết định cưỡng chế cách ly bắt buộc đối với những người trong hộ bà Cao Thị Cúc tại Thị xã Kiến Tường.

Đức Cương

Bài mới
Đọc nhiều