“Hãy tìm đến Việt Nam…”

Đó chính là lời dẫn trong bài viết mới nhất trên trang Les Actualites của Pháp, khi nói về sức hút của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư, cũng như tiềm năng vô cùng dồi dào trở thành “công xưởng mới thế giới”.

Theo Les Actualites, bất chấp những khó khăn do khủng hoảng suốt hai năm qua, tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam vẫn tăng nhanh. Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong số 3 quốc gia thu hút nhiều cơ hội kinh doanh về chuyển đổi số nhất trong khu vực, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Theo số liệu thống kể, đầu tư mạo hiểm vào chuyển đổi số ở Việt Nam đã vượt 1,4 tỷ USD vào năm 2021 so với con số 30 triệu USD vào năm trước. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang nhìn nhận Việt Nam là một trung tâm công nghệ mới nổi của thế giới.

“So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, tôi tin rằng Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số một cách nghiêm túc. Với tư cách là đại diện cho các công ty châu Âu, tôi thấy Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc số hóa các thủ tục hải quan, dịch vụ hành chính và sử dụng hóa đơn điện tử”, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu EuroCham đánh giá.

Có thể thấy rằng, hơn một năm sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu rất rõ ràng.

Việc ban hành Chương trình này đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.  Hơn nữa, tương lai sẽ đưa ngành công nghệ số Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với toàn cầu, theo Les Actualites.

Song song với việc chuyển đổi số, thành công trong ngành sản xuất, gia công phần tại Việt Nam cũng được trang Les Actualites đánh giá cao.

Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam có tên trên bản đồ phần mềm thế giới là vào năm 2004, khi đó tập đoàn tư vấn quốc tế Kearrney đã xếp Việt nam vào thứ hạng 20/25 quốc gia có khả năng thu hút gia công dịch vụ tốt nhất. Từ đó đến nay, từ một đất nước phải nhập khẩu thiết bị, máy tính và điện thoại di động, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về gia công phần mềm; đứng thứ 10 trên thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện công nghệ.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2021, ngành công nghiệp phần mềm tiếp tục là ngành có tốc độ phát triển cao dẫn đầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, hiện đại hóa của các ngành kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội đất nước. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, gia công phần mềm trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.

Năm 2021, doanh thu công nghiệp phần mềm đạt trên 6 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với doanh thu năm 2020 (3 tỷ USD). Năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành cũng cao hơn các ngành kinh tế khác từ 3 – 10 lần, mức cao nhất đạt trên 20.000 USD/người/năm. Tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 – 95%. Ngoài các thị trường truyền thống là Nhật Bản, Bắc Mỹ còn có những thị trường mới nổi như châu Âu, Myanmar…

Số doanh nghiệp phần mềm hiện nay khoảng trên 10.000 với lực lượng nhân lực trên 120.000 người. Như vậy, trong khoảng 16 năm trở lại đây, doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đã tăng hơn 69 lần và đội ngũ lao động tăng 24 lần.

Theo ông Mohan Naidu, Giám đốc của FPT tại Anh cho biết: “Gia công phần mềm đã và đang bùng nổ khi vị thế của Việt Nam ngày càng gia tăng. Vậy nên, Việt Nam được coi là một điểm đến hàng đầu để phát triển công nghệ thông tin.”

Trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã và đang phát triển chuỗi giá trị và cung cấp nhiều công việc có giá trị gia tăng hơn. Gia công phần mềm tại Việt Nam tiết kiệm đến 90% chi phí, so với việc phát triển phần mềm tại Mỹ. Khi so sánh với Ấn Độ, phát triển phần mềm ở Việt Nam rẻ hơn từ 1/3 đến 1/7 lần. Trên thực tế, gia công phần mềm ở Việt Nam đang được công nhận là một giải pháp thuê ngoài hiệu quả về chi phí, chất lượng cao ở châu Á, trang Les Actualites cho biết.

“Vì vậy, hãy tìm đến Việt Nam để đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số và gia công phần mềm”, ông Mohan Naidu nhấn mạnh.

Thực hiện: Lan Hoa 

Đồ họa: M.N