Hậu Covid – thời cơ của tăng trưởng xanh
Các chuyên gia cho rằng, chuyển sang kinh tế xanh là lối thoát sau khủng hoảng Covid-19, bắt kịp xu thế và nâng cao được cạnh tranh.
“Covid-19 đã đẩy xu thế phát triển xanh lên tầm mới. Áp lực tiêu dùng giờ phải xanh, an toàn, nhân văn và trách nhiệm”, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nói tại Diễn đàn kinh tế xanh 2022, ngày 22/4.
Theo ông Thành và các chuyên gia, bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất – kinh doanh sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động theo hướng tăng trưởng xanh hay “phục hồi xanh”. Hướng đi này một mặt giúp họ gia tăng sức chống chịu trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai, mặt khác nắm bắt xu thế chung toàn cầu.
“Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong Covid-19 cũng có phần dựa trên cơ sở nhờ họ lựa chọn phát triển bền vững”, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh của USAID, đánh giá.
Những FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA giờ có nhiều yêu cầu về phát triển bền vững cụ thể và rõ ràng hơn các FTA trước. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải chú ý đến việc phát triển xanh.
Năm 2012, Việt Nam phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 nhưng hầu hết mục tiêu đều không thành công. Đến tháng 10/2021, Chính phủ phê duyệt chiến lược mới cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Đồng thời, tại COP26, Việt Nam đã cam kết lộ trình trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050. “Đó là một cam kết rất mạnh mẽ”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP HCM, nói.
Theo chiến lược lần này, để xanh hóa nền kinh tế cần áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số.
Giai đoạn trước, sở dĩ nhiều mục tiêu không thành công vì ngoài nhận thức, kinh tế Việt Nam cơ bản tăng trưởng dựa vào lao động chi phí thấp và dựa vào tài nguyên. Cách quản trị, sản xuất vẫn theo truyền thống, tuyến tính. Ví dụ như nông nghiệp thuỷ sản hay dệt may giải quyết nhiều lao động nhưng phát thải lớn. Bây giờ thì “không nên đợi giàu rồi mới xanh”, theo ông Thành.
Một số doanh nghiệp lớn đã có những cam kết về tăng trưởng bền vững và nhìn thấy cơ hội từ chính thị trường này. Keppel Land Việt Nam hay NS BlueScope Việt Nam đều đặt mục tiêu trung hòa carbon vào 2050.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group, cho biết nỗ lực tăng trưởng xanh của họ đến từ chính nhu cầu thực. “Từ 1995, khách hàng du lịch của chúng tôi đã yêu cầu sản phẩm phải bền vững, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn văn hóa địa phương. Khách hàng yêu cầu như vậy thì phải làm”, ông nói.
Ngày nay, Thiên Minh Group chọn hướng khai thác du lịch hạn chế dùng phương tiện động cơ đốt trong và khuyến khích đi bộ, xe đạp và sắp tới có thể dùng xe điện… Hệ thống khách sạn đầu tư mới tuân theo tiêu chuẩn EDGE của IFC. Các khách sạn cũ thì giảm dần phát thải 5-7% mỗi năm.
“Phát triển bất động sản xanh, sống xanh không phải là trào lưu nhất thời. Nhất là sau dịch thì nó có khách hàng và phân khúc riêng”, ông Võ Văn Khang, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh, nhận định trong ngành của mình.
Ông Lê Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Kinh doanh Xe máy điện VinFast, cho biết công ty chuẩn bị ra dòng pin xe máy điện chi phí thấp hơn và đi được quãng đường xa hơn có thể ảnh hưởng đến cục diện thị trường xe máy.
Theo tính toán của ông Long, xe máy điện dùng dòng pin mới có thể đi 100 km mà chỉ mất 1,5 kWh điện, tương đương khoảng 5.000-6.000 đồng. Cộng với chính sách thuê pin thì một shipper di chuyển 150 km mỗi ngày, mỗi tháng tốn hơn 2 triệu đồng tiền xăng nhưng chuyển sang xe điện chỉ tốn khoảng 600.000 đồng. “Nếu các thành phố chuyển đổi sang phương tiện điện thì có thể bầu trời xanh hơn và chúng ta nghe được tiếng chim hót”, ông Long ví von.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận việc chuyển sang sản xuất xanh, tăng trưởng xanh chỉ mới tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, chưa có tác động lan tỏa rộng khắp bởi chi phí lớn, thiếu chính sách hỗ trợ. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group, ước tính nếu áp dụng sản xuất xanh thì chi phí sẽ tăng thêm 20%-40%.
“Chuyển đổi xanh đòi hỏi đầu tư ban đầu rất lớn, đòi hỏi hỗ trợ chính sách ban đầu rất quan trọng”, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP Việt Nam, nhận định. Theo ông, Việt Nam cần xây dựng một chương trình quốc gia tổng thể, có một nhóm đủ mạnh vừa điều tiết vừa đầu tư cho tăng trưởng xanh.
Ông Hà Huy Cường, Phó tổng giám đốc Nam Á Bank, cho biết nguồn tín dụng xanh có sẵn nhưng phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận bởi vấn đề tài sản đảm bảo. Ngoài ra, Việt Nam cũng không có những bộ tiêu chí cụ thể thế nào là “xanh” cho từng ngành để nhà băng có căn cứ mạnh dạn rót vốn.
“Các ngân hàng đang dùng nguồn vốn xanh của các định chế nước ngoài nên theo tiêu chuẩn của họ. Nhưng ở Việt Nam nên có tiêu chuẩn nào đó để quy định của một ngành thế nào là xanh để khơi thông hơn dòng vốn”, ông Cường nói.
Bà Lương Phương Mai, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp lớn khu vực phía nam và bất động sản của HSBC Việt Nam, khuyến nghị doanh nghiệp dù chỉ mới có ý tưởng phát triển xanh cũng nên chia sẻ với ngân hàng. “Không cần thiết có hẳn dự án xanh rồi mới tìm đến. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng, kinh nghiệm”, bà Mai nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, cho rằng người tiêu dùng cũng cần được hỗ trợ nếu họ chọn sản phẩm, dịch vụ xanh. “Nên có một luật mua sắm xanh để thị trường hưởng lợi và khuyến khích được người sản xuất”, ông nói.
Bích Vân