Hát ở ban công
Vụ việc ca sĩ Tuấn Hưng ra ban công nhà riêng hát phục vụ hàng ngàn khán giả miễn phí đang gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Liệu hành vi đó đúng hay sai?
Cụ thể, bên ủng hộ ca sĩ dẫn lý lẽ cho rằng, ban công nhà riêng nên Tuấn Hưng có quyền làm gì cũng được miễn sao không phạm luật và đừng ai kiện cáo, vì chẳng thu đồng bạc phí nào nên không thể xem là một show biểu diễn để đòi xử phạt. Tóm lại, Tuấn Hưng là một nghệ sĩ, anh ấy muốn chia sẻ giọng hát đến với mọi người nên chẳng có gì sai. Phạt Tuấn Hưng đồng nghĩa với việc “bóp chết sự sáng tạo”, cống hiến tài năng của người làm nghệ thuật với công chúng. Ở phía ngược lại thì nhất mực phản đối và cho rằng, Tuấn Hưng không tôn trọng pháp luật, thậm chí tỏ thái độ xem thường khi nhiều lần biểu diễn tự phát kiểu này.
Chúng ta thấy gì qua vụ việc này?
Được biết, đây cũng không phải lần đầu Tuấn Hưng tổ chức hát ở ban công nhà mình, thậm chí vẫn hát kể cả khi chính quyền đã nhắc nhở. Nhưng xét ở góc độ pháp lý, quả thật rất khó để xử phạt, cụ thể về các hành vi có thể xem xét xử lý như: Có phải liveshow không mà phải xin phép? có tụ tập đông người không? có gây tiếng ồn không? Thực sự không dễ có căn cứ để xử lý các hành vi trên. Và nếu cố phạt với hành vi “biểu diễn không phép” thì với mức phạt từ 12 đến 15 triệu đồng xem ra cũng chẳng bõ bèn gì với Tuấn Hưng, không đủ sức, răn đe.
Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh Tuấn Hưng là người của công chúng thì lại có nhiều vấn đề đáng bàn về cách ứng xử. Bản thân Tuấn Hưng hiểu hơn ai hết sức ảnh hưởng nhất định của người nghệ sĩ lên cộng đồng. Vậy nhưng anh ấy vẫn biểu diễn nhiều lần, bất chấp việc tụ tập đông người không kiểm soát có thể dẫn đến thảm cảnh chen lấn xô đẩy, hò hét. Nếu có cháy nổ và khán giả chen chúc giẫm đạp lên nhau gây nguy hiểm tính mạng thì người đứng ra tổ chức có thể bị truy tố, rồi chính quyền sở tại cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Tin rằng không ai ủng hộ việc cực đoan cái gì cũng phạt và phải phạt thật nặng. Tuy nhiên cũng chẳng ai đồng ý quan điểm rằng, ai muốn làm gì thì làm, mặc kệ hậu quả có thể xảy đến cho đám đông. Dẫu có thế nào thì người nghệ sĩ trước nhất vẫn luôn và mãi mãi là một công dân như bao công dân khác nên không có chuyện hành vi của một công dân ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các công dân, tổ chức khác lại được bênh vực, xem là bình thường.
Thiết nghĩ, đã đến lúc “Bộ Quy tắc Ứng xử của Nghệ sĩ” của Bộ VH-TT-DL cần được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, các hình thức chế tài liên quan của các cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực biểu diễn cũng cần nghiên cứu để đạt được tính răn đe nghiêm khắc. Nghệ sĩ vi phạm lần đầu phạt tiền, nhưng tái phạm lần sau hoặc nhiều lần thì có thể cấm biểu diễn có thời hạn, cho đến vô thời hạn, làm vậy, mới tránh sự nhờn thuốc.
Phạm Khoa