+
Aa
-
like
comment

Hành động thực sự sau những lời “kêu gọi hòa bình” của Trung Quốc trên Biển Đông

Bảo Trâm - 23/05/2022 10:58

Dù thường xuyên đưa ra các tuyên bố “hữu hảo”, chung vai vì hòa bình thế giới, đặc biệt là ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn đồng thời gây căng thẳng thông qua các cuộc tập trận trái phép tại Hoàng Sa, Trường Sa.

Hình ảnh tàu sân bay trên Biển Đông

Trang SCMP trích dẫn thông báo từ cơ quan quản lý an toàn hàng hải tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho biết, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận từ ngày 19/5 và sẽ tiếp tục cho đến 23/5. Đặc biệt, cuộc tập trận này đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm châu Á.

Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động quân sự ở khu vực Tây Thái Bình Dương, với sự hiện diện của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Philippines. Vài năm gần đây, Trung Quốc thường bắn thử tên lửa ở Biển Đông mỗi khi thông báo tập trận ở khu vực rộng lớn như thế.

Vị trí tập trận của Trung Quốc tại Biển Đông từ 19-23/5

Theo các nhà phân tích, động thái này được cho là nhằm gửi nhiều thông điệp đồng thời gây căng thẳng khi Biển Đông được dự báo là một phần trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden trong chuyến công du.

Lời nói của Trung Quốc

Từ năm 2021 đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục kêu gọi Mỹ hãy chung vai vì hòa bình thế giới. Nhưng hành động của Trung Quốc lại hoàn toàn trái ngược. Đơn cử như bài viết được trang Global Times của Trung Quốc được đăng tải ngay trước khi chuyến công du Châu Á của Tổng thống Biden bắt đầu với tiêu đề: “China, ASEAN push forward COC talks despite of US’ intervention” (Trung Quốc, ASEAN thúc đẩy đàm phán COC bất chấp sự can thiệp của Mỹ).

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gọi trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Bài viết trên một mặt chỉ trích Mỹ đã can dự vào tình hình Biển Đông mà không quan tâm việc giải quyết vấn đề ở vùng biển này và cũng không quan tâm an ninh khu vực, phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Còn Trung Quốc lại được miêu tả như một ông lớn luôn vì lợi ích hòa bình quốc tế, thông qua việc đã và đang nỗ lực không ngừng giữ gìn ổn định trong khu vực cũng như thúc đẩy các cuộc đàm phán COC.

Và hành động “hòa bình” mà Trung Quốc nói đến chắc hẳn là cuộc tập trận quy mô lớn bằng đạn thật tại khu vực rộng lớn phía bắc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Đây đương nhiên cũng không phải là cuộc tập trận đầu tiên và duy nhất từ đầu 2022 đến nay của Trung Quốc.

Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông – Ảnh: TÂN HOA XÃ

Liên tục gây căng thẳng quân sự tại Biển Đông

Không dừng lại ở tập trận, trước đó vào tháng 4/2022, trang Global Times đưa tin Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 tập luyện và tuần tra liên tục ở Biển Đông. Đây được xem là dòng chiến đấu cơ được Trung Quốc so sánh với các loại chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ hiện nay.

Theo ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), cho rằng việc Trung Quốc điều chiến đấu cơ J-20 tham gia huấn luyện và tuần tra trên Biển Đông từ các căn cứ ở miền nam Trung Quốc là một diễn biến quan trọng.

“Diễn biến này có lẽ tạo ra một thách thức lớn cho Việt Nam cũng như các nước có vị trí gần với các căn cứ mà Trung Quốc sẽ đồn trú J-20”, ông Poling cảnh báo.

Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ)

Đồng ý kiến, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cũng cho rằng “chỉ dấu chính trị” của việc điều J-20 tuần tra các vùng biển “củng cố thêm lo ngại về các ý định trong tương lai của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực eo biển Đài Loan”.

Bên cạnh đó, đầu tháng 4, tờ South China Morning Post đưa tin truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa liên tục đăng tải thông tin về việc quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận xuyên suốt cả ngày lẫn đêm.

Nổi bật trong số này, không quân Trung Quốc điều động các loại chiến đấu cơ J-11B và J-11BS bay tập trận liên tục gần 20 giờ, bay qua hơn 5.000 km, có ra biển và thử nghiệm đáp ở nhiều sân bay có địa hình khác nhau. Tờ báo dẫn lời chuyên gia quân sự ở Đài Loan nhận định quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh năng lực tác chiến liên tục, đặc biệt là khả năng tác chiến xuyên đêm để tăng yếu tố bất ngờ và khả năng phản ứng tức thời, ở các vùng biển trong khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông…

Chính vì thế, giới quan sát đánh giá Trung Quốc thực tế đang không ngừng gây áp lực quân sự hòng đạt mục tiêu kiểm soát Biển Đông.

Cần sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Vấn đề Biển Đông chưa bao giờ hết nóng cũng bởi chính những hành vi sai trái mà Trung Quốc liên tục thực hiện trên Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng đến luật pháp quốc tế.

Mới đây, tại Hội nghị Quan chức quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là vấn đề hết sức quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực và cộng đồng ASEAN.

Vì vậy, việc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xúc tiến sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả là vấn đề cần thiết hiện nay.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tại Hội nghị Quan chức quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+)

Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định, Việt Nam luôn kiên trì giải quyết mọi bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhận định, bên cạnh các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên gay gắt thì vấn đề an ninh truyền thống đã và đang có những diễn biến mới phức tạp.

Trong bối cảnh đó, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; đồng thời bày tỏ mong muốn các nước giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như các nguyên tắc cơ bản của ASEAN.

Bảo Trâm 

Bài mới
Đọc nhiều