+
Aa
-
like
comment

Hàng trăm lãnh đạo đứng trước nguy cơ “mất ghế”

Thế Khoa - 06/12/2019 09:50

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành thông báo đăng ký thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Theo đó, các địa phương được phép đăng ký thí điểm hợp nhất 8 sở, ngành thành 4; hợp nhất 6 phòng, ban thành 3 cơ quan cấp huyện.

12

Bao năm qua, bộ máy các cơ quan nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, lấn sân nhau nhưng trách nhiệm quản lý lại không rõ việc, rõ người. Tình trạng nhìn nhau, bộ nọ ngó ngành kia càng làm cho việc điều hành không nhanh nhạy, kém hiệu quả. Đã thế chi phí hành chính phục vụ và nuôi bộ máy từ trụ sở, xe cộ ngày càng phình to ra, lãnh đạo phòng ban, số cấp phó tăng lên ngày càng nhiều, gây lãng phí tiền bạc. Chỉ tính riêng quý 1/2019, số tiền ngân sách nhà nước phải chi tới 315.600 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trước đó, số liệu năm 2017, cả nước dư thừa hơn 57.000 công chức, viên chức. Trong khi đó, năm 2018 và 2019, số lượng biên chế cả nước giảm chưa tới 9.000. Điều đó có nghĩa còn hơn 47.000 cán bộ dư thừa đang tồn tại trong hệ thống nhà nước.

Như lời của Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ “tâm lý tách ra thì hân hoan, nhập lại thì mấy ai đồng ý”; hay như lời Bộ trưởng Tài chính, Đinh Tiến Dũng cho biết: “Tinh gọn bộ máy vẫn còn cán bộ tâm tư”, đã cho thấy việc tinh giản biên chế không chỉ đụng đến “bát cơm manh áo” của một người cụ thể nào đó mà có thể nó sẽ chạm đến những mối quan hệ chằng chịt, chồng chéo đằng sau. Lúc ấy, ắt sẽ thừa ra hàng trăm lãnh đạo cấp trưởng và phó, đội ngũ công chức ở các phòng ban lại càng thừa thêm. Ai đi, ai ở và đi đâu về đâu, dẹp bớt ghế, vướng trên vướng dưới cũng chất chứa không ít nỗi niềm, không dễ thực hiện.

Nói ra như vậy để biết rằng câu chuyện tinh giản biên chế chưa bao giờ là dễ dàng cả. Có thể thấy, việc Bộ Nội vụ thí điểm hợp nhất một số sở, phòng, ban có chức năng tương tự nhau nhằm tinh gọn bộ máy, giảm về đầu mối, biên chế, việc kiểm tra, giám sát, phát huy năng lực của mỗi cán bộ, tránh được tình trạng bộ máy tổ chức cồng kềnh. Người dân không chỉ hưởng thụ một quy trình hành chính khoa học, phù hợp hơn trước đây. Mà còn tiết kiệm chi phí nuôi bộ máy, tiếp đến là tiết kiệm trụ sở cơ quan, điện, nước, xăng xe, điện thoại… thời gian họp hành. Yêu cầu đặt ra là cần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm gánh nặng ngân sách. Không ai khác người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, phải nêu gương đi đầu để xếp cái nể nang sang bên.

11

Mới đầu việc sáp nhập có khó khăn về tổ chức, bộ máy và con người nhưng dần dần sẽ đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả. Từ kinh nghiệm đột phá của Bộ Công thương, quyết tâm bỏ bớt các cục vụ; cho đến Bộ Công an bỏ cấp tổng cục đồng thời tăng cường đội ngũ cho công an xã, phường; hay việc bỏ hàng loạt chi cục thuế của ngành tài chính; và mới đây Bộ Nội vụ thí điểm hợp nhất các sở, ban, ngành… Rồi ý tưởng động viên cán bộ lãnh đạo về nghỉ sớm ở Đà Nẵng để dành vị trí cho lớp trẻ; hay như Cần Thơ tinh giản và cắt giảm 164/213 biên chế, đạt hơn 76% kế hoạch giai đoạn 2015 – 2021; đến Lai Châu đã sắp xếp, tinh gọn 124 tổ chức, giảm được 109 lãnh đạo, tinh giản được 1.049 biên chế; Cao Bằng giảm 500 vị trí lãnh đạo… Dư luận mong chờ các bộ, ngành, địa phương khác cũng nhanh chóng tìm ra phương án cắt giảm, sáp nhập các tầng nấc trung gian như vậy. Không có lý gì mà các bộ, ngành, cơ quan khác cũng không thực hiện được. Dưới con mắt dư luận chỉ ngắn gọn ở chỗ, “một khi đã thật sự muốn, người ta sẽ tìm cách, còn chưa thật sự muốn, người ta chỉ luôn tìm lý do”.

Tinh gọn bộ máy, đặc biệt cấp lãnh đạo là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp. Việc làm rất khó thực hiện nhưng bắt buộc phải làm. Dứt khoát phải gọn chứ không thể nấn ná, chần chừ và không thể biện minh cho sự chậm trễ trong tinh giản bộ máy ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình được nữa.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều