+
Aa
-
like
comment

Hàng loạt quốc gia chính thức tăng giá điện trong quý II/2023

Bảo Trâm - 16/05/2023 14:52

Chính phủ Nhật Bản ngày 16/5 đã phê duyệt phương án tăng giá điện kể từ tháng 6/2023 của bảy công ty điện lực lớn tại nước này. Do chi phí nhiên liệu tăng cao, năm công ty điện lực là Tohoku, Hokuriku, Shikoku và Okinawa đã đề nghị chính phủ cho phép tăng giá điện kể từ tháng 4/2023, còn hai công ty Tokyo và Hokkaido đề nghị cho phép tăng giá điện từ tháng 6/2023. Mức tăng trung bình trong khoảng 28-48%.

Sau khi Thủ tướng Fumio Kishida chỉ thị các cơ quan chức năng tiến thành thẩm tra một cách chặt chẽ cơ sở đề xuất tăng giá của các công ty, Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) đã yêu cầu các công ty tính toán lại giá chi phí nhiên liệu, tỷ giá hối đoái. Đề xuất tăng giá điện của các công ty đã giảm xuống 14-38%.

Sau khi được Chính phủ Nhật Bản thông qua, Bộ trưởng METI sẽ ra quyết định phê duyệt kế hoạch tăng giá của bảy công ty trên. Dự kiến giá điện tiêu chuẩn của một hộ gia đình tại Nhật Bản sẽ tăng trong khoảng từ 2.078-5.323 yen (15,28-39,14 USD) kể từ ngày 1/6.

Các công ty điện lực lớn tại Nhật Bản áp dụng hai hình thức là giá điện tự do (do công ty tự quyết định) và giá điện quy chế (do nhà nước áp trần và cần phải xin phép trước khi tăng giá). Do chi phí nhiên liệu tăng cao, các công ty điện lực tại Nhật Bản đang gánh khoản lỗ với mức giá điện quy chế hiện tại. Bảy công ty đề nghị Chính phủ Nhật Bản cho phép tăng giá điện vừa qua đã ghi nhận lợi nhuận thuần bị âm trong kỳ quyết toán tháng 3/2023.

Không chỉ Nhật Bản, tại cuộc họp ngày 15/5, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định việc tăng giá điện và khí đốt; trong đó sẽ tăng giá điện thêm 8 won (0,01 USD)/kWh.

Chính phủ Hàn Quốc, đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền và các doanh nghiệp năng lượng ngày 15/5 đã tiến hành cuộc họp để đưa ra mức tăng giá điện và khí đốt trong quý II/2023. Tuy nhiên, để giảm bớt gánh nặng ở đối tượng người có thu nhập thấp, Chính phủ Hàn Quốc cũng đồng thời đưa ra biện pháp miễn giảm riêng.

Tại cuộc họp ngày 15/5, chính phủ đã quyết định việc tăng giá điện và khí đốt là không thể trì hoãn. Theo đó, chính phủ sẽ tăng giá điện thêm 8 won (0,01 USD)/kWh. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, mức tăng này ước tính sẽ khiến một hộ gia đình có bốn thành viên phải trả thêm trung bình khoảng 3.000 won mỗi tháng. Đây là mức tăng khá nhẹ.

Chính phủ cũng quyết định tăng giá khí đốt dùng để nấu ăn và sưởi ấm thêm 1,04 won/megajoule (1 megajoule = 0,278 kWh) sau khi giữ giá trong quý I. Theo ước tính, mức tăng này sẽ khiến một hộ gia đình bốn người trung bình mất thêm khoảng 4.400 won/tháng.
Việc tăng giá được đưa ra trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) do nhà nước điều hành đã công bố các biện pháp tự giải cứu, bao gồm bán tài sản và đóng băng tiền lương, nhằm cải thiện tình hình tài chính, giữa lúc tập đoàn này ngày càng thua lỗ do chi phí năng lượng đầu vào tăng cao.

Vào năm 2022, KEPCO đã báo cáo khoản lỗ hoạt động kỷ lục là 32.630 tỷ won, tăng hơn bốn lần so với một năm trước đó do Chính phủ Hàn Quốc nhiều lần trì hoãn và hạn chế tăng giá điện trong bối cảnh lạm phát cao và suy thoái kinh tế gia tăng. KEPCO cũng ghi nhận khoản lỗ 6.180 tỷ won trong quý đầu tiên của năm nay.

Trong khi đó, Tập đoàn Khí đốt Hàn Quốc (KOGAS) có khoảng 11.600 tỷ won trong các khoản thanh toán chưa thu hồi tính đến cuối tháng Ba, tăng mạnh từ mức 1.800 tỷ won vào năm 2021 và 8.600 tỷ won vào năm 2022. Trong nỗ lực giải quyết các vấn đề tài chính, hai công ty đã đưa ra một loạt các biện pháp cải cách, chẳng hạn như bán tài sản, tái cơ cấu các doanh nghiệp ở nước ngoài và đóng băng tiền lương của người lao động.

Để giảm thiểu tác động đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương về năng lượng, bao gồm cả những người nhận hỗ trợ sinh kế của chính phủ, lương hưu cơ bản hoặc chương trình lương hưu cho người khuyết tật, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra mức tăng thích hợp và tiếp tục miễn giảm chi phí điện và khí đốt cho đối tượng gặp khó khăn. Các hộ gia đình dễ bị tổn thương về mặt xã hội nằm trong khung thu nhập thấp sẽ được miễn tăng giá trong một năm tới. Ngoài ra, chính phủ cũng cho phép các đối tượng như nông dân, ngư dân có thể trả chi phí điện và khí đốt theo đợt và trì hoãn việc đóng tiền theo thời gian được quy định.

Năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc đã không cho phép tăng giá năng lượng đủ để trang trải chi phí đầu vào của các công ty vốn tăng cao trong bối cảnh lạm phát cao. Gánh nặng chi phí khí đốt và điện với người dân ngày càng tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế có nhiều tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều