+
Aa
-
like
comment

Hai từ “hi sinh” khó viết đến thế sao?

Thế Khoa - 13/11/2020 15:05

Trong lúc giải quyết một vụ đánh nhau trên địa bàn, Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh – cán bộ Công an xã Đạo Lý (Lý Nhân, Hà Nam) bất ngờ bị một đối tượng xông vào đấm vỡ lá lách. Mặc dù được nhân dân nhanh chóng đưa đi cấp cứu, tuy nhiên đến khoảng 15 giờ cùng ngày 10-11, Thượng úy Minh đã qua đời tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lý Nhân, nguyên nhân do bị vỡ lá lách trái gây mất máu cấp dẫn đến tử vong.

Một hành động hi sinh vì nhiệm vụ như vậy, nhưng đọc tiêu đề của các tờ báo trong nước đưa tin về sự việc, người đọc không khỏi giật mình về cách giật tít của các phóng viên: “Can ngăn đánh nhau, Thượng úy công an bị đánh tử vong”, “Thượng úy công an bị đánh chết khi làm nhiệm vụ”, “Thượng úy công an bị đánh tử vong”…

Ngôn từ Việt Nam vốn được đánh giá là đa dạng và phong phú, cùng một nghĩa trong những ngữ cảnh khác nhau sẽ được dùng những từ khác nhau. Chẳng phải dạy, ai cũng biết, trong trường hợp khi người lính ngã xuống vì bình yên của đất nước, thì phải dùng từ gì để miêu tả. Chẳng lẽ hai chữ hi sinh khó viết thế sao hả các nhà báo?

Các anh phóng viên biến sự hi sinh của một con người vì giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân thành một cơ hội để các anh chộp giật câu view. Đây không phải là lần đầu và chắc không phải lần cuối các anh giật tít báo kiểu vô trách nhiệm một cách vô cảm này trước sự hi sinh của bao anh hùng liệt sĩ. Thậm chí, có tờ báo còn nhanh nhảu trích tin đến sai cả ngày. Một sự cẩu thả không thể thông cảm được.

Vâng, những tưởng không ít phóng viên phải là bậc thầy về ngôn ngữ diễn đạt, vậy mà lại không định nghĩa được hai từ “hi sinh”.

Sự hi sinh của người lính cả ở thời chiến lẫn thời bình đều là nỗi đau thương vô hạn, niềm mất mát to lớn không chỉ của gia đình đồng chí ấy mà còn của cả Đảng, Nhà nước, Lực lượng vũ trang và Nhân dân. Sự hi sinh ấy là thiêng liêng, nỗi mất mát, đau thương ấy là to lớn, không cớ gì không thể dùng 1 từ ngữ kính trọng hơn để gọi.

Báo chí cách mạng nên luôn luôn tâm niệm và ghi nhớ điều ấy! Chẳng phải vừa rồi, 1 nhà báo đã hi sinh khi cứu nạn ở Rào Trăng 3 cũng đã được Nhà nước và Nhân dân nghiêng mình cúi đầu tặng bằng Tổ quốc ghi công, gọi anh là Liệt sỹ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đó sao?

Bất kể ai ngã xuống vì nước, vì dân thì đều nên gọi là “hi sinh”. Đó là sự kính trọng cần thiết đối với với những người đã đổ máu, đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước!

Thế Khoa (TH)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều