+
Aa
-
like
comment

Vì sao nhiều dự án hạ tầng giao thông khung của Hà Nội đẩy nhanh tiến độ?

Phan Tâm - 22/11/2022 16:21

Xác định việc đưa các công trình giao thông về đích đúng tiến độ sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội. Thời gian vừa qua, Hà Nội đã chú trọng công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện và đạt được một số kết quả tốt trong việc đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng, giao thông.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Những công trình điểm sáng vượt tiến độ

Một trong những công trình giao thông được cho là điểm sáng trong việc hoàn thành vượt tiến độ, đó là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Với công trình này, nhà thầu đã thay đổi phương pháp đổ bê tông để vừa chủ động nguyên vật liệu bằng đường sông vừa giảm giá nguyên vật liệu đáng kể.

Nhờ đó, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hiện tại đã vượt tiến độ dự kiến 1,5 năm. Dự kiến hợp long cầu vào tháng 6/2023 và khánh thành vào tháng 10/2023.

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội, đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy cũng được đánh giá là một công trình vượt trội về tiến độ và chất lượng. Sau 4 năm xây dựng, đến nay công trình cơ bản đã hoàn thiện, công nhân đang tất bật cho các phần việc cuối cùng trước khi bàn giao. Dự án dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán năm 2023.

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội, đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy.

Tại công trình này, nhà thầu đã áp dụng công nghệ đổ bê tông tại chỗ trên giàn giáo di dộng MSS (đà giáo di chuyển phía trên dầm) là công nghệ hiện đại lần đầu được thực hiện tại Việt Nam.

Ngoài ra, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm cũng đang được nỗi lực đẩy nhanh tiến độ. Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) được khởi công vào ngày 29/10/2021. Hiện tại, các đơn vị liên quan đang cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong việc di chuyển công trình ngầm, nổi, vận chuyển dầm… để tập trung thi công. Đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022 và thông xe trong quý I/2023.

Nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch.

Một số dự án bị chậm tiến độ cũng đã được khơi thông ách tắc. Thí dụ như dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Dự án khởi công lần đầu năm 2006, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Do bị chậm tiến độ nhiều năm, nên khi khởi động lại phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, đến nay, dự án này đã cơ bản hoàn thành đoạn trên cao, chuẩn bị vận hành vào cuối năm 2022. Đây là công trình đường sắt có ý nghĩa quan trọng mở đầu cho hàng loạt các công trình khác.

Vừa qua, cũng đã có những công trình đặc biệt quan trọng được khánh thành như công trình dự án hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3. Những công trình này đã và đang góp phần xây dựng thủ đô ngày càng văn minh hiện đại hơn.

Song song với việc hoàn thành dự án trọng điểm, cấp bách thì việc chuẩn bị đầu tư khởi công sự án mới cũng hết sức được coi trong. Trong đó, có một số dự án trọng điểm như: nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai; đường Vành đai 4; cầu Vân Phúc qua sông Hồng; cầu Trần Hưng Đạo…

Đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm

Thực tế triển khai, đối với mỗi dự án hạ tầng giao thông sẽ đều có những khó khăn vướng mắc riêng. Để hoàn thành một dự án vượt hay đúng tiến độ là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền cũng như các đơn vị liên quan.

Trước tiên, là việc giải quyết những khó khăn vướng mắc tồn đọng được đẩy mạnh. Chẳng hạn như với dự án tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội. Trước đây, vướng mắc chuyện đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng nay, Thành phố Hà Nội đã đồng ý giao đất dịch vụ cho 130 hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp để thực hiện dự án nên vấn đề được giải quyết.

Tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội.

Bên cạnh việc tập trung tháo gỡ vướng mắc, một trong những điều kiện quan trọng để đưa công trình giao thông về đích đúng tiến độ là phải có những đơn vị, doanh nghiệp thực lực với sự đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để triển khai dự án.

Giữ vai trò đơn vị chủ lực của thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thủ đô, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã đi đầu đổi mới biện pháp thi công giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy đã giúp công trình “vượt lũ” thành công.

Đồng thời, với những dự án trọng điểm Ban quản lý dự án cùng các nhà thầu cũng dốc toàn lực tập trung nhân lực, phương tiện, máy móc chạy nước rút. Hai yếu tố quan trọng là nhiều nhân lực và quản lý tốt được các đơn vị khai thác tối đa.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ tiếp tục được thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai trong những năm tới để tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của chính quyền thì cũng rất cần những sáng tạo, đổi mới và quyết liệt của các đơn vị thi công để ngày càng có nhiều hơn những dự án chất lượng, vượt tiến độ.

Phan Tâm

Bài mới
Đọc nhiều