+
Aa
-
like
comment

Gỡ ‘vòng kim cô’ cho giáo viên

06/08/2019 14:42

Câu chuyện giáo viên được đặt ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học mới diễn ra vào ngày 6-8 trong bối cảnh việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã cận kề.

Gỡ vòng kim cô cho giáo viên - Ảnh 1.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị, lắng nghe cá ý kiến và chỉ đạo ngành GD-ĐT trước năm học mới – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên, nâng chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là 1 trong 5 giải pháp quan trọng được bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đặt ra trong phần phát biểu đề dẫn tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự, lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo ngành GD-ĐT cả nước để có chỉ đạo mang tính định hướng cho năm học 2019-2020.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên.

Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%), do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Ở bậc đại học, số lượng, chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp; năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn của một số giảng viên còn hạn chế.

Trao đổi tại hội nghị, GS-TS Nguyễn Văn Minh – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – nhấn mạnh đến “yếu tố quyết định thành công” trong việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới chính là đội ngũ giáo viên.

Vì thế, trước hết cần phải thay đổi cách thức quản lý giáo dục để “gỡ vòng kim cô” không cần thiết, tạo cơ chế cho giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên, phát huy đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh.

“Thay đổi cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ việc chủ yếu truyền thụ kiến thức sang hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đây là điểm khó nhất đối với giáo viên hiện tại và cả giáo viên trong tương lai”- GS Nguyễn Văn Minh nhận định.

Do đó, kế hoạch bồi dưỡng giáo viên phải thiết thực và làm thường xuyên, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh.

Bộ GD-ĐT phải tạo được mạng lưới kết nối giữa các cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước trong việc kết hợp bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cho mục tiêu đổi mới GD-ĐT thì mới đảm bảo cho việc thực hiện đại trà chương trình GD phổ thông mới sắp tới.

Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã xây dựng được hệ thống dữ liệu về đội ngũ giáo viên cả nước và cần sớm công bố dữ liệu này cho toàn xã hội biết. Dữ liệu này không chỉ giúp các địa phương, ngành GD-ĐT hình dung được đội ngũ giáo viên, tình trạng thừa, thiếu về số lượng, chất lượng để điều chỉnh mà cũng để người dân có thông tin.

Ông Minh cho rằng muốn đào tạo sư phạm bứt phá, không chỉ cần nhân lực, vật lực của các cơ sở đào tạo mà còn cần có giải pháp nâng chất lượng đầu vào, vì “đầu vào” thấp thì khó có thể có nguồn giáo viên giỏi trong tương lai.

Việc công bố dữ liệu về giáo viên cũng để các phụ huynh, học sinh nhìn thấy cơ hội việc làm trong tương lai. Ví dụ như hiện nay giáo viên dạy Tiếng Anh, Công nghệ thông tin, Công nghệ đang thiếu.

Điều đó cũng cho thấy cơ hội việc làm nhiều hơn trong tương lai. Việc thông tin công khai là một giải pháp thu hút những người giỏi lựa chọn học sư phạm các ngành thiếu nhân lực này.

Trong khi đó, thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng việc quy hoạch ở các khu vực đô thị hóa mạnh, các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới thừa, thiếu giáo viên cục bộ, gây bất cập cho quản lý.

5 giải pháp quan trọng Bộ GD-ĐT đặt ra trong năm học mới

1. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học;

2. Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới;

3. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học;4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế;

5. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều