Gỡ bỏ nỗi ám ảnh mang tên lý lịch tư pháp
Phiếu lý lịch tư pháp đang lạm dụng, làm khó người dân. Thậm chí, có doanh nghiệp yêu cầu người lao động cứ 6 tháng phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp mới dù họ vẫn đang làm việc tại đơn vị.
Lý lịch tư pháp là một trong những thủ tục hành chính được Sở Tư pháp các tỉnh, thành tiếp nhận, giải quyết. Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Trong thời gian qua, lĩnh vực này gia tăng đột biến hồ sơ, có đông người đến thực hiện thủ tục. Các cơ quan chức năng cho biết, nguyên nhân là do rơi vào thời điểm sinh viên ra trường đi làm; do sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp khởi động trở lại thu hút đông đảo đội ngũ công nhân lao động tham gia… Tuy nhiên, thời gian qua, đại diện Sở Tư pháp cho rằng, một số cơ quan đang lạm dụng, yêu cầu người dân phải thực hiện thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp khi thực hiện bổ nhiệm, chuyển công tác… Thậm chí, có doanh nghiệp yêu cầu người lao động sau 6 tháng làm việc phải có phiếu mới, dù người này vẫn làm việc bình thường tại đơn vị, còn luật thì không quy định thời hạn của Phiếu Lý lịch tư pháp.
Nghiêm trọng tới mức, Chủ tịch Thành phố Hà Nội phải gay gắt lên tiếng, “Lạm dụng một cách vô lối. Phải ghi nhận những trường hợp này báo cáo cho Bộ Tư pháp, báo cáo lại thành phố để xử lý. Trước mắt cần làm gì, dài hạn cần làm gì?Trong bối cảnh khó khăn như thế này mà lợi dụng kẽ hở để hành công nhân. Vừa tốn kém thời gian, vừa tốn kém tiền bạc; tiền phí lên tới 200.000 đồng, trong khi lương của công nhân không được bao nhiêu tiền”.
Cũng chính vì tình trạng đó mà chỉ 4 tháng đầu năm 2023, số phiếu cấp trên toàn quốc đã gần bằng số phiếu của cả năm 2021. Đơn cử như ở TP.HCM chiếm 1/3 cả nước về số lượng tiếp nhận hồ sơ liên quan phiếu lý lịch tư pháp. Trung bình một ngày, Sở này tiếp nhận từ 550 – 650 hồ sơ của người dân đến yêu cầu, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm hơn 90% trong số tổng các loại hồ sơ khác (như khai sinh, khai tử…).
Và một hệ lụy đã nhìn thấy tiếp theo là một số tỉnh, thành phố chưa chủ động giải quyết để kịp thời đáp ứng việc tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp tăng đột biến thời gian gần đây, dẫn tới tình trạng chậm trễ, ùn ứ gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các giải pháp hiệu quả, tiến tới chấm dứt yêu cầu người dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.
Với yêu cầu rõ ràng phân chia nhiệm vụ cụ thể cho 4 Bộ: Công an, Tư Pháp, Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông. Dư luận hứng khởi sẽ giải quyết dứt điểm những thủ tục hành dân là chính này!
Công Luân