Giữ vững thế trận lòng dân
Vậy là điều không ai mong muốn lại xảy ra: Đại dịch Covid-19 xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương, trong đó có những thành phố lớn. Điều đáng lo ngại là chủng virus SARS-CoV-2 lần này là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở nước ta, lây lan nhanh hơn và chưa xác định nguồn lây nhiễm F0.
Tuy vậy, chúng ta có niềm tin sẽ ngăn chặn, đẩy lùi đợt dịch mới. Sự lạc quan xuất phát từ kinh nghiệm ngăn ngừa thành công Covid-19 trong suốt thời gian qua. Đồng thời, các cơ quan chức năng lên kịch bản cho một đợt dịch mới bùng phát và đã sẵn sàng các biện pháp ứng phó. Rất khẩn trương và quyết liệt, cả hệ thống chính trị ngay lập tức kích hoạt trở lại các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều đơn vị, cơ quan công sở, nhất là đơn vị quân đội đã đi đầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: Khai báo y tế và cách ly những người đi về từ vùng dịch, không tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài, khử khuẩn môi trường, rửa tay thường xuyên.
Sự cảnh giác cao độ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của cả đất nước vẫn còn nguyên, giúp chúng ta nhanh chóng chuyển trạng thái bình thường sang giai đoạn chống dịch mới một cách nhanh chóng. Chính sự linh hoạt trong ứng biến vốn là đặc trưng của văn hóa Việt Nam từng giúp dân tộc ta vượt lên những khó khăn, thách thức của thiên tai, địch họa trước đây; nay lại tiếp tục phát huy trong giai đoạn chống dịch Covid-19 đầy khó khăn trước mắt.
Giữa hai đợt dịch là 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhịp sống bước đầu trở lại bình thường, không khỏi tạo ra tâm lý chủ quan ở một bộ phận người dân. Ở Hà Nội, TP.HCM khi xuất hiện những ca bệnh lây nhiễm từ Đà Nẵng nhưng nhiều người ra đường không hề đeo khẩu trang, vẫn tập trung đông người như không có chuyện gì xảy ra. Đúng là chưa có yêu cầu cách ly xã hội nhưng khi chưa xét nghiệm trên diện rộng tất cả đối tượng đi qua vùng dịch, chưa khoanh vùng, cách ly, dập dịch triệt để thì không thể chủ quan.
Mỗi cá nhân, rộng ra là cộng đồng chắc chắn từng mắc phải sai lầm từ sự chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Nếu chúng ta đã xem đại dịch Covid-19 là một thứ giặc thì không thể lơ là bất cứ giây phút nào nếu không muốn trả giá đắt. Để chiến thắng chỉ có cách phát huy mặt mạnh của cá tính dân tộc. Đó là tăng cường cố kết cộng đồng xây dựng thế trận “chiến tranh nhân dân” toàn diện, mỗi người phải có ý thức vì cộng đồng, chấp nhận sự thay đổi nếp sống, sinh hoạt, thậm chí hy sinh quyền lợi để mang lại chiến thắng chung trong cuộc chiến cam go chống Covid-19. Đồng thời, cần trừng trị nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật và đạo lý cản trở, gây hại cho công tác phòng chống dịch như: Khai báo y tế gian dối, trốn cách ly, tiếp tay cho những đối tượng nhập cảnh trái phép…
Chúng ta từng xúc động, khâm phục trước nỗ lực vượt khó của các lực lượng trên tuyến đầu; tình nghĩa đồng bào đùm bọc, giúp đỡ nhau ở đợt dịch trước. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng lại “thế trận lòng dân” để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch bệnh, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Thành công trong ngăn chặn, đẩy lùi đợt dịch mới trước hết là bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.
Hàm Đan