+
Aa
-
like
comment

Giữ lòng tu ố để chữa “bệnh vô cảm” trong đại hội đảng bộ các cấp

05/03/2020 06:31

Minh triết phương Đông cho rằng, con người khác con vật ở tính người. Tính người có “bốn mối”, đó là lòng trắc ẩn (biết thương người), lòng từ nhượng (biết nhường người trên), lòng thị phi (biết phải trái) và lòng tu ố (biết xấu hổ, biết ghét điều xấu). Lòng tu ố là biểu hiện tính người, biết phân biệt đúng-sai, thiện-ác, chính-tà; biết cắn rứt lương tâm trước những việc làm không hợp đạo lý; biết tự trọng trước những danh lợi không đúng với bản thân mình. Ngược lại, người không còn giữ được lòng tu ố, ở cấp độ nhẹ thì mắc “bệnh vô cảm”, vô trách nhiệm, “mũ ni che tai” trước hiện thực cuộc sống; ở cấp độ nặng thì không còn liêm sỉ, làm việc xấu, trái đạo lý mà không hề biết thẹn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi kế thừa các giá trị đạo đức phương Đông để viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã đề cập đến nhiều khía cạnh giữ gìn lòng tu ố. Từ tư tưởng của Khổng Tử: “Hành động phải biết xấu hổ” và Mạnh Tử: “Không biết xấu hổ không phải là người”, Người chỉ ra thái độ “ươn hèn yếu ớt” của một số cán bộ, đảng viên trước những khuyết điểm của Đảng. Người gọi đó là “bọn thứ ba”, với những biểu hiện như: Thái độ “sao cũng mặc kệ, sao cho xong chuyện thì thôi”, “không phê bình, không tự phê bình”. Người nhấn mạnh: “Thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai, cố nhiên cũng không đúng. Tuy vậy, trong Đảng còn có nhiều người giữ thái độ đó, nhất là khi cấp dưới đối với cấp trên. Thái độ đó thường sinh ra thói “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng. Nó để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất và phát triển ra”(1).

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng xác định, “vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” là một biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống. Đảng viên mắc “bệnh vô cảm” trong dịp đại hội đảng bộ các cấp sẽ thiếu tính chiến đấu, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, “dĩ hòa vi quý”, tự vô hiệu hóa chính mình và do đó, không có đóng góp gì cho đại hội mà đảng viên đó tham dự.

Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn có câu nói nổi tiếng về giữ gìn nhiệt huyết của người đảng viên: “Mỗi ngày ta nên vào Đảng một lần”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có lần phát biểu tại hội nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: “Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”. TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản thì đưa ra ví dụ cụ thể hơn: “Thực tiễn từng xảy ra, cứ đến đại hội, một là huyên náo như chợ, hai là “nhất ngồi lì, nhì lặng im”, không nói gì cả để giữ mình… “Ngồi im mà chạy, chạy mà ngồi im”, trước “trận đánh”, đôi khi có thể nghe được cả tiếng côn trùng… Nếu không kiểm soát được vấn nạn này thì lấy đâu ra cán bộ tốt, lấy đâu ra tổ chức tốt. Cơ đồ theo đó mà nguy nan”. Nhiều tài liệu, văn kiện của Đảng gần đây đã đề cập tình trạng im lặng, khoanh tay đứng nhìn cái tốt và cái xấu trong đơn vị, tổ chức của mình đấu tranh lẫn nhau. “Tọa sơn quan hổ đấu” lại là thái độ đang được một số đảng viên xem đó như là lựa chọn “khôn ngoan”. Thực chất, đó là thái độ của những người mắc “bệnh vô cảm”, thậm chí là biểu hiện cơ hội chính trị. Chúng ta không bao giờ được quên rằng, thái độ thụ động và im lặng của gần 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô trước những biến động dữ dội của Đảng, của đất nước Liên Xô là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của liên bang và sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Nhà văn Vũ Bão (1931-2006) khi lần đầu in tập truyện ngắn “Làm giời” năm 1956 thì được nhà xuất bản thông báo đến lĩnh nhuận bút. Ông cảm thấy rất xấu hổ về điều đó. Nhà xuất bản năm lần bảy lượt gửi giấy thông báo ông đến nhận nhuận bút, cứ mỗi lần cầm tờ giấy thông báo, mặt ông lại đỏ bừng, không muốn cho ai biết. Ông xấu hổ vì suy nghĩ rằng, mình cầm bút viết văn là thực hiện sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, viết vì lý tưởng cao đẹp của cuộc sống. Lĩnh nhuận bút khác nào mình là người bán chữ lấy tiền, một hành vi rất tầm thường… Bây giờ, thời kinh tế thị trường, nhìn vào sự xấu hổ của nhà văn Vũ Bão, chúng ta thấy đó là sự xấu hổ… đáng yêu của một thế hệ đề cao lý tưởng cộng sản. Ở một câu chuyện khác, nhà văn Ma Văn Kháng thuật lại trong bài viết “Một lần thấy bí thư đỏ mặt” trên Tạp chí Xây dựng Đảng: Năm 1968, đồng chí Hoàng Trường Minh (1922-1989), Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai chủ trì hội nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy. Giờ giải lao, thấy mấy đồng chí xì xào rằng: “Vừa rồi, Bí thư Tỉnh ủy đi công tác ở huyện Bát Xát đã rẽ vào trại lợn giống của tỉnh mua “ngoài tiêu chuẩn” một đôi lợn giống và mấy bao cám”. Nghe đến đây, mặt đồng chí Hoàng Trường Minh đỏ bừng, ngượng ngùng và hổ thẹn, đôi mắt rực đỏ, giọng đồng chí run run, nghẹn ngào: “Tôi xin các đồng chí kiểm tra lại việc này hẵng nói. Nếu tôi làm việc đó, tôi xin chịu kỷ luật, xin bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy”.

Kể lại chuyện về sự xấu hổ của thế hệ đảng viên lớp trước để thấy rằng, mặt trái của kinh tế thị trường đã ăn sâu, bén rễ, tạo thành thói quen nguy hiểm với một bộ phận không nhỏ chúng ta đến mức nào. Thời kỳ đầu đổi mới, việc đưa-nhận phong bì được xem là một hành vi lệch chuẩn. Hiện nay, công dân bình thường đến cơ quan công quyền đưa phong bì cho được việc đã không còn cảm thấy xấu hổ. Một số công chức cấp phường, xã thản nhiên nhận vài trăm nghìn đồng của người dân khi đóng dấu chứng sinh, chứng tử mà không hề mảy may xấu hổ. Giáo viên nhận phong bì của học sinh để nâng điểm; người thực thi công vụ nhận phong bì của người vi phạm pháp luật; bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân… đã trở thành “chuyện bình thường như cân đường hộp sữa”. Đáng lo hơn là đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là một bộ phận không nhỏ những người đứng đầu dường như không còn biết xấu hổ. Vụ việc vi phạm pháp luật tày đình xảy ra ngay trong cơ quan mình, khi được hỏi thì nói “chưa được báo cáo”. Bản thân tham nhũng nhưng chưa bị bắt vẫn lên lớp rao giảng đạo đức như thường. Con cái được nâng đỡ nhưng khi hỏi đến thì phủi tay như không, “tôi không chỉ đạo việc này”… Lòng tu ố đã “một đi không trở lại” trong không ít cán bộ, công chức. Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã kể câu chuyện về hồ sơ của một doanh nghiệp bị “ngâm” 1,5 năm vì phải chuyển lòng vòng qua các phòng, ban và nói: “Tôi không dám ký vì thấy xấu hổ quá”.

Trở lại vấn đề thái độ của đảng viên trong dịp đại hội đảng bộ các cấp, người đứng đầu cấp ủy có khuyết điểm sẽ tìm mọi cách thủ tiêu tính chiến đấu của đảng viên bằng cách “quán triệt”: “Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, có đại biểu cấp trên, không nên “soi” khuyết điểm khóa cũ”, “5 năm thiếu gì lúc để phê bình, đừng dại vạch áo cho người xem lưng”… Thậm chí, có trường hợp còn lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ để ngăn cản đảng viên góp ý xây dựng Đảng, phê bình đồng chí, đồng đội. Với những đảng viên mắc “bệnh vô cảm” thì dự đại hội với thái độ “makeno” (mặc kệ nó), nếu được chỉ định phát biểu thì né tránh những tồn tại, hạn chế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; phát biểu qua loa, đại khái hoặc “khen trên, khen dưới, khen hàng xóm mỗi người một tí” lấy lòng… Những biểu hiện trên đều thuộc về “thái độ thứ ba” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cập, rốt cục là thái độ “ươn hèn yếu ớt” mà mỗi đảng viên và tổ chức đảng phải đấu tranh, loại bỏ.

Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận; bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả, tránh “qua loa”, hình thức; các ý kiến khác nhau cần dành thời gian thảo luận, tranh luận, làm rõ, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng”. Để thực hiện tốt yêu cầu này, không có cách nào khác, cấp ủy các cấp phải luôn luôn dùng và khéo dùng phương pháp tự phê bình và phê bình. Tự mình kiểm điểm, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và hướng khắc phục, sửa chữa, từ đó, khơi gợi, tạo không gian dân chủ và đầy đủ thời gian cho đại biểu, đảng viên thảo luận; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm với thời cuộc, thờ ơ với nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, nhút nhát, tự ti, nể nang, né tránh, ngại va chạm và cả những biểu hiện a dua, xu nịnh, “ăn theo, nói leo, nhắc lại báo cáo chính trị”, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”, “theo gió bẻ buồm, không có khí khái”.

Còn với những đảng viên tự thấy mình đã ít nhiều mắc “bệnh vô cảm” thì khắc phục tình trạng này thế nào? Trước hết, phải nhớ lại lời thề ngày vào Đảng, “mỗi ngày vào Đảng một lần”, nêu cao dũng khí của người đảng viên cộng sản; thể hiện trước tiên ở sự tự tin vào bản thân. Một khi đã có niềm tin vào bản thân, nhận rõ đâu là phải-trái, đúng-sai, chính-tà thì sẽ củng cố lòng tu ố, phát huy tinh thần trách nhiệm, từ lòng ngay dạ thẳng trước lợi ích của tổ chức đảng, lợi ích của đơn vị, lợi ích của quần chúng và cao hơn là lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân thì không sợ bị trù dập, không sợ bị hiểu lầm, không sợ bị trở thành thiểu số. “Hạnh phúc là đấu tranh”, “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”-những lời dạy của Các Mác-lãnh tụ của giai cấp công nhân toàn thế giới là niềm tin, là động lực cho những người đảng viên chân chính. Mỗi đảng viên khi tham dự đại hội đảng bộ các cấp đều có trách nhiệm, nghĩa vụ và bình đẳng trước vận mệnh và lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đó cũng là thước đo về lòng tu ố của mỗi chúng ta trong tham gia đại hội đảng bộ các cấp hiện nay.

HỒNG HẢI/QDND

Bài mới
Đọc nhiều