Giáo viên giỏi nhiều, học sinh giỏi nhiều, sao vẫn phải dạy thêm, học thêm?
Nếu cả thầy và trò giỏi thì chỉ cần dạy chính khóa, học chính khóa ở trên lớp, thời gian còn lại có thể dành cho các hoạt động khác có lẽ sẽ thiết thực hơn.
Có một nghịch lý đang tồn tại ở ngành giáo dục mà nhiều người không thể nào lý giải được là trong các nhà trường đa phần giáo viên đều đã đạt danh hiệu “giáo viên giỏi” qua từng năm.
Học sinh thì tỉ lệ khá, giỏi chiếm gần hết cả lớp, rất ít học sinh trung bình và học sinh yếu, kém thì rất ít. Vậy là phần lớn thầy giỏi, trò giỏi nhưng tại sao lại cứ phải dạy thêm, học thêm làm gì nhỉ?
Nếu thầy trò đều đã giỏi thì việc gì phải học thêm trái buổi, học buổi tối, học ngày cả ngày nghỉ, ngày lễ cho mệt mỏi? Liệu câu chuyện thầy giỏi, trò giỏi mà vẫn dạy thêm, học thêm có mâu thuẫn gì không?
“Giáo viên giỏi” ở các trường phổ thông chiếm đa số?
Những năm qua, các trường phổ thông trên cả nước đều tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường ở mỗi năm học. Vì thế, gần như không có giáo viên nào chưa thi giáo viên giỏi và chắc cũng không có giáo viên nào chưa đạt danh hiệu “giáo viên giỏi cấp trường”.
Có những giáo viên đạt danh hiệu “giáo viên giỏi cấp trường” liên tục hàng chục năm trời. Điều này cũng đồng nghĩa là giáo viên phổ thông phần lớn đều là giáo viên giỏi cấp trường trở lên.
Bởi cấp trường mỗi năm thi 1 lần, cấp huyện 2 năm 1 lần, cấp tỉnh 4 năm một lần nên nhiều giáo viên còn liên tục đạt danh hiệu giáo viên giỏi ở các cấp quản lý (trường, huyện, tỉnh).
Dù hội thi giáo viên giỏi cấp nào cũng được rình rang tổ chức, chấm thi, trao giải và đương nhiên là kinh phí tổ chức hội thi của các địa phương hàng năm không hề ít chút nào.
Theo logic thông thường thì thầy giỏi sẽ đào tạo được trò giỏi mới đúng. Thế nhưng, tại sao thầy giỏi rồi mà sao học trò không giỏi? Vì học trò không giỏi, không hiểu bài thì giáo viên mới phải mở lớp dạy thêm chứ?
Học sinh giỏi, xuất sắc sao vẫn đổ xô đi học thêm?
Có một thực tế trong các nhà trường là bây giờ học sinh giỏi và học sinh xuất sắc nhiều lắm, nhiều vô kể. Cuối năm học, nhà trường chỉ có thể trao phần thưởng cho học sinh xuất sắc và học sinh giỏi hạng I, II, III.
Học sinh giỏi đại trà và học sinh tiên tiến thì nhà trường phát cho giáo viên chủ nhiệm về lớp trao cho học trò. Vì ngày sơ kết, tổng kết năm học thì nhiều quá, không có thời gian để trao cho tất cả các danh hiệu mà học sinh đạt được trong toàn trường.
Khi học sinh đã đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc các môn học thì đương nhiên là các em đã là những học sinh tốt nhất trong lớp và các em am hiểu được kiến thức cơ bản của các môn học, có khả năng mở rộng, nâng cao các dạng bài tập khó, đề khó.
Vậy, tại sao học sinh cứ mải miết đi học thêm ròng rã suốt cả năm, kể cả các tháng hè?
Nếu giỏi rồi thì thời gian còn lại các em có thể giúp đỡ gia đình, có thể tham gia các hoạt động đoàn thể, vui chơi cùng chúng bạn, tội gì mà suốt ngày ngồi trong phòng học thêm ngột ngạt, mệt mỏi làm gì nhỉ?
Nếu học sinh học giỏi sao kỳ thi tuyển sinh 10, thi Trung học phổ thông quốc gia lại có quá nhiều điểm liệt, điểm 0, nhiều địa phương lấy điểm đầu vào tuyển sinh 10 thấp đến mức không thể thấp hơn được nữa.
Chính vì thế, sau mỗi kỳ thi thì chúng ta lại thấy hàng loạt các bài viết đăng trên các mặt báo để mổ xẻ nguyên nhân suốt cả một thời gian dài!
Liệu danh hiệu giáo viên giỏi và học sinh giỏi có cái gì sai sai?
Từ thực trạng như chúng tôi đã nêu ở trên cho chúng ta thấy tồn tại một mâu thuẫn mà hàng chục năm qua các nhà trường và ngành giáo dục không giải quyết được.
Nếu giáo viên được công nhận là giáo viên giỏi các cấp, nếu đa số học sinh được các thầy cô giáo đánh giá, nhà trường công nhận là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc thì tại sao chuyện dạy thêm, học thêm ở nhiều nơi vẫn tồn tại ở tất cả các cấp học phổ thông và nó có sức sống mãnh liệt đến thế?
Nếu cả thầy và trò giỏi thì chỉ cần dạy chính khóa, học chính khóa ở trên lớp, thời gian còn lại có thể dành cho các hoạt động khác có lẽ sẽ thiết thực hơn cho tương lai của học trò.
Nếu thầy vẫn dạy thêm, trò vẫn dạy thêm là đồng nghĩa với việc học sinh chưa nắm tốt kiến thức cơ bản, cần bổ sung thêm kiến thức cơ bản. Trong khi, đa phần học sinh ở các trường thành phố, học sinh Trung học phổ thông ở các nhà trường đang học thêm thì đương nhiên là học sinh…chưa giỏi!
Học sinh “chưa giỏi” sao thầy cô lại đánh giá, xếp loại và nhà trường công nhận cho các em danh hiệu học sinh giỏi nhiều đến vậy? Giáo viên chưa giỏi sao các cấp quản lý lại chấm đậu và công nhận danh hiệu “giáo viên giỏi” các cấp?
Từ đó, chúng ta suy ra đó là bệnh thành tích của các nhà trường và của ngành giáo dục và cả sự “ham làm thêm” của một số giáo viên.
Nếu không vì bệnh thành tích thì tại sao đa phần giáo viên đều đã được công nhận là giáo viên giỏi, kết quả học tập của học sinh chủ yếu xếp loại học lực giỏi, học lực khá mà vẫn phải…đi học thêm như thường?
NGUYỄN NGUYÊN/GD