Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Ước mơ rau sạch
Tôi vừa thoát cửa tử của căn bệnh ung thư quái ác nên rất thấm thía về tác hại của chất độc từ thực phẩm hàng ngày. Đặc biệt là mối nguy hiểm của các loại thuốc trừ sâu với rau, quả.
Gia đình tôi may mắn có người anh họ sở hữu vườn rau ở bên kia sông Hồng. Anh dùng không hết nên hàng tuần chuyển sang cho chúng tôi rau xanh, có khi cả cà chua, đậu đỗ, dưa chuột. Chúng tôi cũng mua một số quả tại siêu thị như cam, quýt, chuối, bưởi… Tôi hy vọng không đáng ngại thuốc trừ sâu bởi vì chúng có vỏ dầy.
[youtube]https://www.youtube.com/watch?v=xO1GcpAGauo[/youtube]
Tôi và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp mới đến thăm một trang trại nuôi cá kết hợp trồng rau sạch ở thị trấn Lấp Vò của tỉnh. Một trang trại khá lớn nuôi cá trong các bể nổi làm bằng vật liệu composite cốt sợi. Nước nuôi cá cùng với phân cá được dẫn đến khu vực trồng rau thủy canh. Công nghệ trồng cây thủy canh được gọi là Hydroponic, còn nuôi trồng thủy sản được gọi là Aquaculture. Ở đây kết hợp cả hai công nghệ nên được gọi là Aquaponic.
Giám đốc công ty cho biết, mô hình này sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây rau. Ngược lại, thay vì phải xử lý rồi xả nước nuôi cá ra môi trường, Aquaponic sử dụng cây rau để làm sạch nước và trả lại cho bể cá. Nước này có thể tái sử dụng vô thời hạn, chỉ cần bổ sung khi nó bị mất bớt do bay hơi. Với diện tích hơn 1.500 m2, anh và cộng sự đang phát triển các loại rau như: cải thảo, xà lách, tía tô, cải bẹ xanh… song song đó là các loại cá mang giá trị kinh tế cao như: cá chạch lấu, cá chình…
Đi thăm các cụm rau xanh mơn mởn được trồng theo quy trình công nghệ thủy canh kết hợp với công nghệ nuôi trồng thủy sản ở quy mô khá lớn, tôi rất khâm phục tinh thần khởi nghiệp của giám đốc công ty và cộng sự. Rau được thu hoạch hàng ngày và cung cấp cho siêu thị, các hợp tác xã cung cấp rau xanh cho nhân dân trong vùng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã động viên anh chị em nỗ lực hoàn thiện công trình thí điểm này, mở rộng mô hình ra toàn tỉnh để đông đảo nhân dân được ăn rau sạch và cá sạch.
Nhưng những con số trong báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trước Quốc hội thật khủng khiếp. Phun thuốc trừ sâu cho lúa không chỉ tác hại đến những người trực tiếp phun thuốc mà còn ảnh hưởng chung đến cả môi trường, nước và đất ở nông thôn. Còn phun thuốc trừ sâu cho rau quả không tuân thủ đúng quy định an toàn của hóa chất thì gây hại đến đông đảo nhân dân, nhất là bà con ở thành thị, nơi không thể tự trồng rau củ. Mua rau quả tại siêu thị có đảm bảo an toàn không? Tôi cảm thấy không đủ tin vì chưa thấy một sự bảo đảm cụ thể nào được công bố. Rửa rau quả bằng nước có loại bỏ được hết thuốc trừ sâu không? Chắc chắn là không. Vậy, chúng ta làm sao bây giờ?
Các nước phát triển sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu vi sinh vật – loại sản phẩm tuyệt đối an toàn cho người và gia súc. Chúng tôi đã sưu tầm các chủng vi sinh vật này và đang cố gắng nghiên cứu sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh vật, nhưng thú thật là tốc độ tiến hành quá chậm. Nước ta hiện chỉ có ba loại xí nghiệp công nghệ sinh học thuộc các lĩnh vực rượu bia, bột ngọt và vaccine. Trong điều kiện hiện nay, công nghệ Aquaponic như ở Đồng Tháp cần được khuyến khích để có thể nhanh chóng mở rộng. Mong sao các thiết bị này được cải tiến để rẻ hơn, hiệu quả thiết thực hơn.
Để giải quyết vấn đề rau quả sạch – điều vô cùng quan trọng với sự sống của tất cả mọi người, tôi tin nhiều người đang tha thiết mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân nhắc hạn chế bớt danh mục các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ được phép lưu hành. Tôi cũng mong Bộ Khoa học và Công nghệ xét duyệt cho một đề tài trọng điểm để các cơ sở nghiên cứu và sản xuất cùng triển khai việc sản xuất thuốc trừ sâu sinh học.
Nguyễn Lân Dũng (Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân)