Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tiền đâu chữa ung thư?
Ung thư không hẳn là báo tử. Tôi vừa thoát khỏi năm ổ ung thư hạch bạch huyết. Nhưng vấn đề là tiền điều trị.
Chúng ta đều biết ung thư là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất. Hơn 23 triệu người đang mắc ung thư trên toàn cầu. Mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, ung thư cũng là bệnh lý đang tăng cao mỗi năm. Theo thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), hơn 300.000 người đang phải chung sống với ung thư.
Bình thường các tế bào trong cơ thể người lớn lên và phân chia để hình thành các tế bào mới. Đây là cách thức để cơ thể trưởng thành và phát triển. Tuy nhiên, khi tế bào ung thư xuất hiện thì quy luật tự nhiên này bị phá vỡ. Các tế bào dần trở nên bất thường, không dần chết đi mà tiếp tục sản sinh các tế bào bị lỗi khác. Với việc nhân lên không thể kiểm soát, nó trở thành khối u. Khối u có hai loại: u lành tính và u ác tính. U lành tính thường phát triển chậm và không nguy hiểm tính mạng, không di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, với một xác suất nhỏ, chúng có thể trở thành ác tính, do đó cần được theo dõi nếu không phẫu thuật cắt bỏ đi.
Nhờ trải qua 6 tháng truyền hóa chất tại bệnh viện, tôi đã thoát khỏi 5 ổ ung thư hạch. Tôi tự hỏi “không hiểu tại sao mình lại bị ung thư?”. Tôi chưa bao giờ hút thuốc hay uống rượu, kể cả uống bia. Tôi cũng rất hiếm khi sử dụng thịt chế biến, đồ hộp, đồ uống có đường. Tôi đâu đã mắc các bệnh như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, Lupus hay Celiac hoặc bị nhiễm các loại virut như Epstein-Barr, viên gan C, HHV8… Tuy nhiên cũng khó nói tôi không hề chịu tác động của thuốc trừ sâu hay hóa chất khi ăn rau, hoa quả hàng ngày. Cũng có thể có yếu tố di truyền, bố tôi và anh cả tôi đã mất vì ung thư. Cũng có thể do tôi ít tập thể dục, thể thao hoặc lao động thể chất.
Dù sao tôi cũng cảm thấy thật may mắn vì đã có điều kiện để được truyền hóa chất đủ liều và kịp thời. Tôi đã qua tai nạn, dù hiện tại cứ mỗi hai tháng lại phải vào bệnh viện để truyền thêm một lần. Các bác sĩ gọi là “truyền đích”. Cần phải nói là việc truyền hóa chất đòi hỏi chi phí rất lớn, đặc biệt là các hóa chất thuộc nhóm đắt tiền. May sao, tôi thuộc diện được bảo hiểm toàn bộ tiền mua hóa chất. Nếu không, không hiểu tôi và gia đình có thể xoay xở nổi không?
Chí phí điều trị ung thư chính là điều tôi băn khoăn suy nghĩ suốt thời gian qua. Với người thu nhập bình thường, lao động phổ thông như nông dân, công nhân, lao động tự do, những người không có bảo hiểm y tế thì không hiểu sẽ lấy đâu ra đủ tiền để điều trị nếu không may mắc bệnh? Tôi đã hỏi nhiều gia đình nông dân, họ đều nói rất lo lắng nếu bị ung thư vì hầu hết đều không có tiền dự trữ. Tôi rất xót xa cho nông dân và người lao động nếu không may bị bệnh này. Nhẽ nào phải trông vào chuyện vay mượn, bán nhà, bán đất? Mà đâu phải ai cũng có thể bán nhà, bán đất? Bán xong rồi cả gia đình ở vào đâu? Mà liệu bán xong đã đủ tiền để điều trị hay chưa?
Thu nhập bình quân của một lao động ở nước ta mỗi tháng trong năm 2019 đạt khoảng 4,2 triệu Đồng, theo con số của Tổng cục Thống kê. Dù thiếu đói trong nông dân giảm mạnh những tháng gần đây, trong năm 2019, cả nước có 68,5 nghìn hộ còn bị thiếu đói – tương ứng với 278 nghìn nhân khẩu vẫn gặp thiếu đói. Nói cách khác, lao động Việt Nam nhìn chung vẫn ở mức thu nhập rất thấp, ít người có quỹ dự trữ phòng trừ khi ốm đau hay tai nạn. Khi mắc bệnh nan y như ung thư, họ chắc chắn vô cùng khó khăn, nhiều khi lâm vào bế tắc.
Ra vào bệnh viện hàng năm trời, chứng kiến hàng trăm người cùng gia đình chạy chữa ung thư, tôi cứ suy nghĩ mãi về điều này mà chưa tìm được câu trả lời. Có lẽ giải pháp duy nhất là làm sao để các thanh niên nông thôn tham gia bảo hiểm y tế càng sớm càng tốt. Ngoài ra, mỗi người tự giúp mình hiểu biết hơn về các biện pháp phòng tránh ung thư để có cuộc sống lành mạnh lâu dài. Điều này rất dễ với thời đại Internet, tất nhiên phải chọn lọc và kiểm chứng thông tin nạp vào.
Giáo sư Trần Văn Thuấn, giám đốc bệnh viện K cho hay, một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng được, như hút thuốc, uống rượu, nhai trầu thuốc, ít vận động, có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh, nhiễm trùng – ví dụ nhiễm virrus HPV gây ung thư cổ tử cung do sinh hoạt tình dục không an toàn, lây nhiễm virrus viêm gan B gây viêm gan, xơ gan, ung thư gan do không tiêm phòng vaccine… Tôi mong rằng mỗi người Việt Nam ngày càng sống hiểu biết và tỉnh thức hơn.
Còn câu hỏi lớn: làm sao để giảm gánh nặng chi phí cho người điều trị ung thư, tôi xin đặt ra với các đại biểu tại Kỳ họp Quốc hội lần này.
Nguyễn Lân Dũng (Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân)