+
Aa
-
like
comment

Giãn cách theo Chỉ thị 16: Người dân TP.HCM vẫn nghĩ cách đối phó để ra đường

14/07/2021 07:02

Trong khi nhiều người dân đã chuẩn bị tâm thế thắt chặt việc đi lại trong 15 ngày, những người khác vẫn chưa sẵn sàng dừng việc mưu sinh.

chot kiem soat Covid-19 anh 1
Người dân dùng giấy ‘thông hành’ để ra đường.

15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM đã đi qua được 1/3 thời gian. Chính quyền thành phố vẫn loay hoay trong việc hạn chế người dân ra đường.

Chuyên gia kinh tế cho rằng Chỉ thị 16 được kỳ vọng là biện pháp cứng rắn, trên tinh thần “thà đau một lần rồi thôi”, nên mỗi người dân sẽ phải thực sự hy sinh, đồng lòng mới tạo ra hiệu quả dập dịch.

“Đói quá nên phải đối phó”

2 ngày qua, anh H. (ngụ tại TP Thủ Đức) bắt đầu chạy xe máy đi giao hàng ở quận Tân Bình. Trên tay anh cầm một tờ giấy xác nhận là nhân viên của một công ty thực phẩm.

“Mình mua tờ giấy đó giá 80.000 đồng. Người bán nó còn bảo cứ yên tâm, bên Gò Vấp người ta mua nhiều lắm”, H. kể.

Cầm tấm giấy “thông hành” trên tay, H. lần lượt vượt qua các chốt kiểm tra trên đường Nguyễn Xí, Lê Quang Định (Bình Thạnh) để đến nơi làm việc. Tại mỗi chốt, cảnh sát chỉ mất 3 giây liếc qua con dấu đỏ chót trên tờ giấy rồi vẫy tay cho qua.

Lực lượng đứng tại các chốt sẽ chia ra để kiểm soát toàn bộ tuyến đường xung quanh các chốt.

Thượng tá Thái Thanh Xuân

H. tâm sự bản thân là người làm việc tại nhà hàng, quán ăn. Do việc làm cũ đã mất, anh phải mang xe máy ra đường kiếm việc để nuôi vợ và 2 con nhỏ. Tuy công việc giao hàng vẫn được phép hoạt động, nhưng H. vẫn phải dùng giấy tờ giả vì anh không có giao kết hợp đồng với hãng vận chuyển nào.

Mỗi ngày chở hàng cho một nhà kho ở Tân Bình, anh H. kiếm được 300.000 đồng, số tiền quý giá để trang trải cho cả gia đình trong những ngày giãn cách xã hội.

Khi được hỏi có biết hành vi của mình đang ảnh hưởng đến công tác chống dịch của thành phố, H. ái ngại nêu ra những khoản tiền đang vay nợ và cuộc sống khó khăn của vợ con ở nhà.

“Đói quá nên mình phải dùng giấy tờ giả để đối phó, nhưng có ai mua giấy giả vì mục đích không chính đáng thì chẳng thể biết được. Mình thấy nhiều người còn mượn áo GoJek, Baemin để có cớ ra đường”, nam tài xế chia sẻ như để bào chữa cho hành vi sai trái của mình.

chot kiem soat Covid-19 anh 2
TP.HCM vẫn để phát sinh những đám đông ùn tắc trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16.

Trong 4 ngày đầu triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM đã lập hơn 300 chốt giao thông để kiểm tra lý do đi lại của người dân. Người muốn qua chốt phải có giấy chứng minh đang làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp được phép hoạt động.

Đến sáng 12/7, cảnh tượng ùn tắc đã xảy ra tại chốt kiểm soát Nguyễn Kiệm thuộc quận Gò Vấp. Hàng trăm phương tiện đi qua nút giao thông này trong ngày làm việc đầu tuần đã phải dừng lại để cảnh sát xét giấy tờ thông hành.

Điều khiến nhiều người bất ngờ là đến sáng 13/7, các chốt kiểm soát bên trong TP.HCM trở nên thông thoáng, cảnh sát không còn chặn từng người lại để hỏi giấy tờ.

Trao đổi với PV, thượng tá Thái Thanh Xuân, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho rằng không có việc các chốt kiểm soát dịch được dỡ bỏ.

“Lực lượng đứng tại các chốt sẽ chia ra để kiểm soát toàn bộ tuyến đường xung quanh các chốt, nhằm xử lý trường hợp vi phạm”, thượng tá Xuân nói.

Trong trường hợp không tuần tra lưu động, ông Xuân cho biết các lực lượng trở về chốt và tiếp tục kiểm tra theo hình thức ngẫu nhiên, thay vì kiểm tra tất cả người dân như những ngày qua dẫn đến tình trạng ùn tắc ở quận Gò Vấp.

Dồn sức để qua “bạo bệnh”

Chia sẻ với PV, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế quận Gò Vấp, nhận định những ngày qua người dân vẫn đổ ra đường rất nhiều, khó đảm bảo giãn cách như Chỉ thị 16.

“Chỉ thị 16 nếu tuân thủ đúng thì chắc chắn dập được dịch. Chuyên gia nước ngoài nói thế. Bản thân tôi từng trải qua Chỉ thị 16 ở Gò Vấp cũng khẳng định thế. Nhưng nếu du di cho người dân thì chỉ một đốm lửa nhỏ là lại bùng phát. Phải siết Chỉ thị 16 cực kỳ mạnh, mạnh hơn cả hồi trước thì mới mang lại thành công”, ông Hòa chia sẻ.

Phải siết Chỉ thị 16 cực kỳ mạnh, mạnh hơn cả hồi trước thì mới mang lại thành công.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa

Đề cập đến tình trạng ùn tắc tại các chốt giao thông ở quận Gò Vấp, ông Hòa cho biết đặc điểm của quận 12 là mượn đường xuyên qua Gò Vấp để vào nội thành, nếu quận 12 thả cho người dân đi lại như những ngày qua thì chốt kiểm soát ở Gò Vấp sẽ vỡ.

“Trước đây áp dụng Chỉ thị 16 cho riêng Gò Vấp chúng tôi còn chặn được, giờ áp dụng chung cả thành phố, để dân đi qua Gò Vấp như thế này là thua”, bác sĩ Hòa nói và cho rằng mỗi quận huyện phải hạn chế thông thương với nhau. Kịch bản buộc người dân ở yên trong nhà là điều kiện lý tưởng nhất cho việc dập dịch.

“Ai cũng muốn điều đó, nhưng người dân vì mưu sinh, lý do riêng tư mà đổ ra đường thì mình cũng không giải quyết được”, ông nói.

chot kiem soat Covid-19 anh 3
Chuyên gia Lê Thành Nhân cho rằng người dân cần đồng lòng, chấp nhận ở nhà 15 ngày để đảm bảo hiệu quả dập dịch.

Thạc sĩ Lê Thành Nhân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định tinh thần của Chỉ thị 16 là kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại, giãn cách một cách thực chất. Nhưng mấy ngày qua, các biện pháp kiểm soát đang nặng về hành chính như xét giấy tờ, lý do chính đáng…

Trong khi đó, thành phố vẫn cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp không có lý do gì để ngừng làm việc khi đơn hàng đã chốt. Do đó, áp lực phải duy trì ngày công và đáp ứng yêu cầu hành chính đè nặng lên người lao động.

“Một số người gọi giấy phép thông hành tại các chốt kiểm soát giống như giấy phép con, gây khó khăn và ảnh hưởng đến tâm lý của họ”, ông Nhân chia sẻ.

Chúng ta phải vừa nhận diện, vừa ứng phó nên không tránh khỏi những chuệch choạc, bất cập.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi

Trước việc TP.HCM lập các chốt kiểm soát giấy tờ của người dân rồi lại “xả chốt” khi đám đông lớn dần, chuyên gia Lê Thành Nhân cho rằng thành phố vẫn đang “ném đá dò đường”. Mục đích tạo điều kiện cho người dân ra đường để duy trì kinh tế là tốt, nhưng có thể gây ra những vết thương dai dẳng.

Chuyên gia kinh tế vi mô cho rằng thành phố nên giãn cách triệt để hơn, tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi người đóng chặt cửa trong khoảng 1-2 tuần để ưu tiên kiểm soát dịch bệnh. Khi tình hình dập dịch có kết quả thì sẽ nới dần các hoạt động kinh tế.

“TP có thể duy trì mục tiêu kép, kiểm soát dịch và phát triển kinh tế với điều kiện phải kiểm soát được dịch trước rồi phát triển kinh tế sau. Giờ 2 cái đều chạy song song và 2 cái đều yếu thì không hiệu quả”, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định.

Chuyên gia cho rằng trong thời hạn 15 ngày mà ta khép chặt đến mức không cho ai ra khỏi nhà trừ lực lượng cơ yếu chống dịch, tổn thất về kinh tế sẽ là rất lớn, ngân sách cũng sẽ bị bào mòn để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu có sự chia sẻ đồng lòng, thắt lưng buộc bụng của người dân và doanh nghiệp, TP.HCM có thể dồn sức vượt qua cơn bạo bệnh này. Còn nếu để một cơ thể mệt mỏi vẫn phải cố đi làm thì sẽ càng mệt thêm.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 13/7, PV đặt câu hỏi về phương án đảm bảo sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, TP.HCM vẫn luôn duy trì mục tiêu kép, đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất an toàn. Nhưng đến lúc này, ưu tiên phòng chống dịch được đặt lên số 1.

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát phức tạp, có những việc nằm ngoài sự hiểu biết, sự chuẩn bị nên nhiều vấn đề phát sinh.

“Chúng ta phải vừa nhận diện, vừa ứng phó nên không tránh khỏi những chuệch choạc, bất cập. Chúng tôi nhận ra hoặc được góp ý, vừa làm vừa điều chỉnh thì lại có cái mới phát sinh và phải tiếp tục giải quyết”, Phó bí thư chia sẻ.

Trâm Anh

Bài mới
Đọc nhiều