+
Aa
-
like
comment

Giám thị – Quyền rơm vạ đá!

Hạnh Phúc - 04/08/2022 16:30

Sự việc nam sinh có học lực giỏi, đạt điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 nhưng trượt tốt nghiệp bởi đã ngủ gật dẫn đến bài thi Tiếng Anh bị điểm 0 khiến dư luận vừa buồn, vừa tiếc. Câu hỏi “Cán bộ coi thi có làm đúng, đủ trách nhiệm?” đã được đặt ra, cùng với đó là những dòng chỉ trích gay gắt.

Thí sinh trượt tốt nghiệp do ngủ quên gây nhiều tranh cãi về vai trò, trách nhiệm của giám thị.

Thực tế, trong một kỳ thi luôn có những hình thức xử lý vi phạm đối với thí sinh lẫn giám thị nếu vi phạm quy chế. Người giám thị nào cũng thuộc lòng cái câu “đi coi thi thì quyền rơm vạ đá” để tự nhắc mình cẩn trọng và nghiêm túc. Thí sinh ngủ trong phòng thi sau một khoảng thời gian làm bài, tâm lý giám thị chủ quan nên để yên không nhắc nhở bằng cách lay gọi. Và cái đó là giám thị này đã sai rồi. Cái sai ấy làm một học sinh hỏng cả kỳ thi quan trọng trong đời.

Nhưng cặn kẽ thêm, loa phát thanh và trống đủ lớn để điểm giờ làm bài cho học sinh, giám thị “nhắc lại còn 15 phút nữa, còn 5 phút nữa hết giờ làm bài “ đó là cách họ gọi học sinh thức dậy. Việc tiếp xúc gần với học sinh là điều không được phép, vì ai dám chắc rằng trong lời nhắc và cái vỗ vai không đi kèm với việc thủ thỉ đáp án nhẹ nhàng? Có trường hợp giáo viên sau khi phát đề chóng mặt ngồi xuống ghế dư cạnh học sinh, thanh tra đi qua đã ghi nhận trường hợp bất thường. Có trường hợp giám thị ngồi đưa hai khủy tay lên bàn của hai thí sinh bên cạnh cũng được nhắc nhở giữa hội đồng thi để rút kinh nghiệm. Tất cả những điều ấy là vì bảo vệ học sinh trong một kỳ thi tuyệt đối công bằng và hiệu quả.

Thật ra chúng ta không ở trong phòng thi có thi sinh ngủ quên ấy nên khó có thể thấu đáo mọi điều. Nhưng hẳn rằng, đã có một thí sinh lỡ mất cơ hội cùng các bạn vào đại học năm nay. Thật đáng tiếc cho công trình đèn sách miệt mài đợi ký khoa cử. Nếu như giám thị tinh ý hơn điều đáng tiếc ấy đã không xảy ra. Dù đúng quy chế, thì sự việc cũng để lại nhiều day dứt cho những người trong vai trò giám thị.

Việc mọi người bức xúc nhất là vì sao giám thị không “có chút lương tâm” để cho học sinh làm bài sau khi hết giờ? Nhưng giám thị được quyền cho học sinh điền vào tờ giấy làm bài khi tiếng trống kết thúc đã vang lên? Câu trả lời là không. Đó không phải là việc của cá nhân mà thuộc về công bằng của cả một kỳ thi quốc gia hơn triệu thí sinh. Lý do nữa, ngoài cửa có cán bộ giám sát và cả phòng thi 24 học sinh chứng kiến sự việc này, nếu em ấy có quyền đặt bút trên giấy thi thì 23 em còn lại tại sao lại không có quyền xóa sửa? Đề cập đến lương tâm hay lòng trắc ẩn trong hoàn cảnh này cũng khó phân giải đúng sai.

Hơn nữa, khi chúng ta yêu cầu giám thị phải chịu trách nhiệm với kết quả điểm số thí sinh là khó thể thực hiện. Sẽ còn ai đủ dũng cảm để thực hiện vai trò này trong tương lai?

Sau sự việc đáng tiếc này, hi vọng những năm sau nữa việc học sinh ngủ trong phòng thi sẽ không xảy ra, mở rộng những hướng dẫn và trao quyền cho giám thị xử lý các sự việc bất thường trong phòng thi. Thí sinh chú ý hơn trong làm bài, giám thị tinh ý cẩn trọng hơn trong canh thi. Thực hiện một kỳ thi nhẹ nhàng, đúng quy chế, đảm bảo được sự công bằng nhưng linh hoạt trong từng điều kiện cụ thể. Ngoài nhiệm vụ khảo thí, mọi kỳ thi với mục tiêu giúp đỡ hỗ trợ thí sinh hoàn thành nội dung học tập và rèn luyện, mở ra cánh cửa rộng hơn để thênh thang bước vào đời.

Biết bao thế hệ thầy cô mang trong mình ngọn lửa cống hiến dựng xây, tất cả vì học sinh thân yêu, chúng ta không nên vì điều gì mà phủ nhận tất cả. Có câu: Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Con trẻ sẽ phát triển thế nào, sẽ tin tưởng vào điều gì nếu luôn nghe luôn đọc những lời phỉ báng người làm Nghề Thầy. Nếu người thầy làm sai, xã hội nghiêm khắc phê phán để họ biết việc mà sửa mình. Thiết nghĩ xã hội đối với Nghề Thầy cần có yêu cầu cao trong chuyên môn và hành xử, nhưng cũng cần độ lượng khi sai phạm. Để họ còn đó một vị trí tôn nghiêm trong lòng con trẻ chúng ta. Từ đó con trẻ có nơi để nương dựa tâm hồn, hình thành nhân cách. Đó cũng là một phần giá trị của yêu thương.

Trong bất cứ nghề nghiệp nào, một chút sai sót đều để lại hậu quả đáng tiếc. Nhưng trong nghề Thầy, thành quả hay hậu quả của họ là con người. Xin vì điều đó mà cẩn trọng trong tất cả.

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều