Giải thưởng Nobel Hoà bình có thực sự vì hoà bình?
Thời gian vừa qua, giới “dân chủ” trong và ngoài nước ráo riết tiến hành cái gọi là “cuộc vận động trao tặng giải thưởng Nobel Hoà bình cho Phạm Đoan Trang”. Kệch cỡm và hài hước thay, một số cá nhân, tổ chức cũng lên tiếng ủng hộ việc này. Một câu hỏi được đặt ra đó là liệu rằng giải Nobel Hoà bình có thật sự vì hoà bình?
Giải thưởng Nobel là một tập các giải thưởng quốc tế được trao cho những cá nhân đạt có những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực vật lý, hoá học, y học, văn học, kinh tế. Riêng trong lĩnh vực hòa bình, giải có thể được trao cho tổ chức hoặc cá nhân. Đồng thời, giải thưởng Nobel Hoà bình cũng là giải thưởng gây tranh cãi nhiều nhất. Thậm chí, có không ít ý kiến cho rằng giải Nobel Hòa bình đang ngày càng xa rời tiêu chí vì mục đích hoà bình.
Theo di nguyện của nhà khoa học Alfred Nobel, giải thưởng Nobel Hoà bình được trao cho “người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình”. Một số người cho rằng đây là hành động “chuộc lỗi” của Nobel bởi ông là một người đam mê khoa học và không hiếu chiến nhưng thuốc nổ do ông nghiên cứu ra đã trở thành một vũ khí khủng khiếp trong các cuộc chiến tranh.
Uỷ ban xét trao giải Nobel Hoà bình gồm 5 người do Quốc hội Na Uy lựa chọn. Về việc đề cử người nhận giải thưởng, có 07 nhóm chủ thể được quy định trong Quy chế của Tổ chức Nobel bao gồm: đại biểu Quốc hội các nước thành viên Liên minh Liên nghị viện; thành viên Viện Droit Quốc tế; thành viên Tòa án Hòa giải Quốc tế tại La Haye, thành viên Tòa án Công lý Quốc tế; thành viên, các cựu thành viên Ủy ban Nobel Na Uy; giáo sư đại học các ngành khoa học xã hội, triết học, lịch sử, thần học, luật, hiệu trưởng đại học, giám đốc các viện nghiên cứu hòa bình, quan hệ quốc tế; những người từng nhận giải Nobel Hòa bình; các cựu cố vấn Viện Nobel Na Uy.
Theo nhận định của các chuyên gia, giải thưởng Nobel Hoà bình đang có dấu hiệu bị “chính trị hoá”. Không ít lần người thắng giải Nobel Hoà bình đã gây bức xúc dư luận và vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng.
Một trong những quyết định trao giải gây tranh cãi nhiều nhất là việc trao giải Nobel Hòa bình cho nhà ngoại giao Lê Đức Thọ của Việt Nam và ông Henry Kissinger của Mỹ năm 1973. Ngay trong nội bộ của Ủy ban Nobel Na Uy cũng xuất hiện bất đồng gay gắt đến mức 02 thành viên trong Uỷ ban đã từ chức. Sau đó, ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng. Ông cho rằng: “Ủy ban Giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình. Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận Giải thưởng Nobel!”. Trong khi đó, ông Henry Kissinger vẫn tự tin nhận giải thưởng Nobel Hoà bình. Điều này cũng đã nhận được không ít chỉ trích từ cộng đồng. Đơn cử, tờ New York Times cho rằng đó là giải “Nobel vì Chiến tranh”; tờ Washington thì viết rằng “người Na Uy thực sự rất có khiếu hài hước”.
Tiếp đó, không ít lần giải thưởng Nobel Hoà bình đã được trao cho những người được cho là không xứng đáng. Năm 2002, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã giành giải Nobel hòa bình bất chấp vai trò của ông ta trong chiến tranh Việt Nam. Tiếp đó, năm 2009, dư luận tiếp tục tranh cãi khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama được trao giải thưởng này bất chấp việc Mỹ đã nhấn chìm Iraq, Afghanistan và Pakistan trong các cuộc chiến đẫm máu và leo thang căng thẳng đe dọa tấn công Iran. Chỉ sau đó hai năm, dưới sự lãnh đạo của ông Obama, Mỹ đã tổ chức cuộc ám sát Tổng thống Libya Gaddafi (2011) và gây ra cuộc chiến tại Syria. Năm 2015, Thư ký phụ trách giải Nobel Hòa bình Geir Lundestad cũng đã thừa nhận trong cuốn hồi ký của mình rằng quyết định trao giải Nobel hòa bình cho Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009 đã không đáp ứng được những mong mỏi và kỳ vọng đặt ra.
Trong khi nhiều nhà đấu tranh cho hoà bình bị “bỏ lọt” thì nhiều người được trao giải khiến dư luận không khỏi “bất ngờ, ngơ ngác và bật ngửa”. Trong đó, có thể kể đến trường hợp Lưu Hiểu Ba (năm 2010). Đây là một người bị chính quyền Trung Quốc bắt giam vì tội hoạt động chống nhà nước nhưng sau đó lại được trao giải với lý do “đấu tranh bền bỉ vì nhân quyền ở Trung Quốc”. Điều này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ chính quyền Trung Quốc.
Qua một vài nét phác hoạ trên, có thể thấy giải thưởng Nobel Hoà bình không gặp phải không ít “tai tiếng”. Thay vì mục đích thúc đẩy hoà bình thì giải thưởng này lại đang đi xa mục đích ban đầu, bị tác động bởi những động cơ về mặt chính trị. Trong bối cảnh thế giới có những diễn biến đa chiều như hiện nay, khi mà yếu tố chính trị đã lan cả vào thể thao, văn hoá thì những tiêu chuẩn về cái gọi là “cống hiến cho hoà bình” cũng ngày càng mù mờ. Có lẽ, giải thưởng Nobel hoà bình cũng không hề danh giá như người ta vẫn cố “thần thánh hoá”?
Bảo An