Giải quyết bài toán rút bảo hiểm xã hội một lần
Vài năm gần đây, câu chuyện người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần luôn là chủ đề được tranh luận trên nhiều diễn đàn mạng xã hội. Trong khi phía cơ quan quản lý có những mối lo riêng về an sinh, khi mà người lao động nếu không tham gia BHXH thì về già sẽ không có lượng hưu, bị thiệt thòi và trở thành gánh nặng. Còn thì bản thân người lao động lại là câu chuyện cơm áo gạo tiền trước mắt, là thời gian chờ lương hưu quá lâu.
BHXH là sự đảm bảo thay thế được bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do nhiều nguyên nhân. Nguồn tiền này dựa trên cơ sở một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH, có sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật. Về cơ bản, đây là hình thức an sinh xã hội có nhiều ý nghĩa về lâu về dài, mang lại lợi ích cho người lao động và góp phần ổn định xã hội. Mọi quốc gia trên thế giới đều có hình thức này.
Những năm gần đây có một thực trạng là không ít người lao động sau khi đã đóng BHXH được không ít năm đã quyết định rút một lần. Điều này mang lại cho họ một khoản tiền tương đối, nhưng ngược lại thì họ không còn nhận được những lợi ích về dài hạn của BHXH như: ốm đau, thai sản, lương hưu…Đây là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý vì như vậy cũng tức là trong tương lai sẽ có một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không có thu nhập và phải mưu sinh vất vả khi xế chiều, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Đã có không ít lý giải được đưa ra, đơn cử như so sánh tiền đóng BHXH với tiền gửi ngân hàng lấy lãi và cho rằng tham gia BHXH sẽ bị “thiệt” hơn. Thế nhưng lý giải này không nhận được nhiều sự đồng tình bởi lẽ BHXH có rất nhiều lợi ích như: các chế độ ốm đau, thai sản, lương hưu không giới hạn tuổi hưu, luôn được nhà nước bảo đảm để tránh vấn đề tiền trượt giá trong tương lai… Tuy nhiên có một thực tế rằng, BHXH có lợi ở tương lai, nhưng đối với nhiều người lao động đang rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo thì tương lai đối với họ là một cái thở dài.
Nước ta vừa trải qua đại dịch Covid-19 với rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, khiến cho nhiều người mất việc làm, giảm thu nhập, đời sống khó khăn. Đây cũng chính là thời điểm mà số lượng người rút BHXH một lần tăng đột biến, chứng minh cho nhân định rằng, rất nhiều người lao động rút BHXH một lần chẳng qua cũng chỉ là bất đắc dĩ mà thôi! Khi gặp khó khăn về tài chính, không còn biết trông cậy vào đâu, đương nhiên người ta nhìn vào cái “phao cứu sinh” duy nhất còn sót lại, đó là BHXH.
Trong rất nhiều trường hợp, những lợi ích về dài hạn không thể khỏa lấp nỗi lo ngắn hạn, khi người lao động bị giảm thu nhập, con cái vẫn phải học hành, và người thân vẫn cần chăm lo. Khi tranh luận về giải pháp cho vấn đề này, nổi lên hai luồng ý kiến nhận được nhiều đồng thuận nhất. Một là giảm tuổi nhận lương hưu, để làm cho BHXH “hấp dẫn hơn”, và nhanh chóng mang lại lợi ích cho người lao động hơn. Ý kiến thứ hai là làm sao đó để người lao động có thể thế chấp sổ BHXH và vay vốn, nhằm giải quyết những khó khăn tạm thời trong cuộc sống.
Về cơ bản, hai giải pháp trên không dễ thực hiện, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của quỹ, và có nguy cơ dòng ra tiền nhanh hơn trong khi dòng tiền vào không tăng đáng kể. Tuy nhiên, đó là một thực tế và rất cần cơ quan quản lý nghiên cứu để đưa ra giải pháp đúng đắn hơn, thay vì những chế tài về mặt thủ tục để ngăn chặn người dân rút BHXH, hay vận động đơn thuần để khuyến khích người dân tham gia.
An Diễm