+
Aa
-
like
comment

Giải mật tế nhị các vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhà nước và chính phủ

25/03/2021 08:45

“Chỉ cần nhìn vào những vị trí trên bàn chủ tọa của Hội nghị Trung ương 2 Khóa XIII của ĐCS Việt Nam được truyền hình công khai rộng rãi trên phạm vi cả nước và quốc tế, có thể đoán định được những vị trí quan trọng nhất trong bộ máy lãnh đạo Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026”, – Chuyên gia Hồng Long nói với phóng viên.

Ngày 18/3, Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đã được tổ chức với mục đích thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. Như vậy, tại thời điểm này cho khối chính phủ, khối chủ tịch nước, khối quốc hội danh sách của những người được giới thiệu ứng cử đã được công khai.

Những nhân vật nào sẽ có khả năng nắm những chức vụ cao nhất của nhà nước và chính phủ? Tại Việt Nam, nhiều cái tên đang được bàn luận sôi nổi. Phóng viên đã tham khảo ý kiến của ông Hồng Long – một chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam về đề tài đang nóng trên.

PV: Thưa chuyên gia Hồng Long, tại thời điểm này cho khối chính phủ, khối chủ tịch nước, khối quốc hội chúng ta đã biết tên của những người được giới thiệu ứng cử. Trong đó có những cái tên được giới chuyên gia đặc biệt chú ý.

Theo ông thì ai có khả năng sẽ nắm giữ chức Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026?

Chuyên gia Hồng Long:

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 1 tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 3-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của Đảng thì các “Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai”. Điều này có nghĩa là khi các phương án nhân sự cấp tối cao dự kiến 5 chức vụ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa được công khai thì mọi thông tin về vấn đề này sẽ thuộc diện bảo mật quốc gia ở cấp cao nhất. Tuy nhiên, người Việt Nam cũng có những cách giải mật một cách khá tế nhị mà không vi phạm quy định của quyết định này về vấn đề bảo mật đối với các dự kiến nhân sự cấp cao.

Chỉ cần nhìn vào những vị trí trên bàn chủ tọa của Hội nghị Trung ương 2 Khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam được truyền hình công khai rộng rãi trên phạm vi cả nước và quốc tế, chúng ta có thể đoán định được những vị trí quan trọng nhất trong bộ máy lãnh đạo Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Trên dãy bàn chủ tọa hội nghị, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngồi ở vị trí chính giữa và ông Võ Văn Thưởng ngồi ở vị trí của ông Trần Quốc Vượng. Đó là những điều đương nhiên do kết quả Đại hội XIII của Đảng vừa qua và do Quyết định phân công của Bộ Chính trị sau Đại hội. Ở vị trí của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì nay do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc an tọa. Vị trí của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trước đây do đồng chí Phạm Minh Chính an tọa. Tuy nhiên, hai vị trí này vẫn có thể hoán đổỉ cho nhau tùy theo diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế. Vị trí trước đây của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân do đồng chí Vương Đình Huệ an tọa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Qua việc bố trí các vị trí chủ tọa Hội nghị Trung ương 2 Khóa XIII vừa qua, nhiều người đã có thể đoán định được các vị trí lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 5 năm tới.

Tuy nhiên, xét về lý mà nói thì đó cũng chỉ là đoán định. Theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 3-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15-11/2018 thì không một ai có thể nói một cách chắc chắn rằng đồng chí nào sẽ giữ vị trí nào, trừ hai vị trí đã được công khai là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng. Những vị trí còn lại chỉ là đoán định mà thôi. Các vị trí Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định, kể cả Quốc hội khóa XIV trong kỳ họp cuối cùng cuối tháng 3 đầu tháng 4 và Quốc hội khóa XV sau ngày bầu cử Quốc hội 23-5-2021.

PV: Ông có thể cho biết đánh giá của mình về khả năng trúng cử của từng nhân vật đó? Và khả năng nắm giữ từng chức vụ của họ?

Chuyên gia Hồng Long:

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có uy tín cực kỳ lớn trong Đảng và trong Nhân dân Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Ông Nguyễn Phú Trọng là người đã lấy lại niềm tin rất lớn của nhân dân dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam, cho Nhà nước Việt Nam và cho chế độ ở Việt Nam thông qua việc lãnh đạo có tâm, có tầm, vừa kiên trì, quyết liệt, vừa khéo léo, linh hoạt để đem lại nhiều thành công rất lớn trong hai nhiệm kỳ làm tổng bí thư, trong đó có nửa nhiệm kỳ thứ hai làm chủ tịch nước. Đó là những thành công lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xốc lại đội ngũ, tăng cường năng lực cầm quyền của Đảng.

Tiếp theo là việc làm trong sạch Đảng và chính quyền Nhà nước bằng một chiến dịch chống tham nhũng, xử lý nhiều cán bộ sai phạm nhất từ trước đến nay, trong đó có cả cán bộ cấp cao như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, lãnh đạo Bộ, ngành và nhiều cán bộ cấp trung ương quản lý.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khơi dậy được truyền thống của dân tộc thông qua tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách sinh động, thực tiễn, phù hợp với hoàn cảnh trong nước và thế giới. Cuối cùng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương của một cán bộ trong sạch, không màng danh lợi, không ham hố quyền lực, địa vị, không tơ hào cái kim, sợi chỉ của dân, chan hòa, giản dị, gần gũi với mọi tầng lớp xã hội, từ các bậc đại trí thức cho đến những người lao động bình thường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp.

Nhưng điều quan trọng nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là một nhà lý luận  xuất sắc, lại vừa có năng lực truyền thụ cảm hứng cách mạng, tiến bộ, ý chí quyết tâm đến cho mọi người. Từ các cán bộ cao cấp của Đảng đến người dân thường. Đó là những yếu tố đặc biệt quan trọng của một lãnh tụ, một người thầy, một người dẫn đường thực thụ.

Còn về ông Nguyễn Xuân Phúc thì tôi đánh giá đây là một chuyên gia về hành động cách mạng. Quyết liệt và kỹ lưỡng. Sâu sát và tỉnh táo. Nghĩ kỹ mới nói. Đã nói là làm. Đã làm là làm tới nơi tới chốn. Đã làm tới nơi tới chốn rồi nhưng vẫn phải luôn tổng kết rút kinh nghiệm để xem cái gì hay thì phát huy, cái gì dở thì phải rút kinh nghiệm để sau này không mắc lại khuyết điểm cũ. Ông Nguyễn Xuân Phúc là người hoạt động thực tiễn xuất sắc, rất cụ thể, quyết liệt nhưng cũng rất linh hoạt, luôn xem xét và xử lý công việc một cách đa chiều, xem xét và thỏa mãn các khía cạnh lợi, hại khác nhau, luôn hướng tới sự cân bằng trong các vấn đề kinh tế-xã hội vĩ mô để nhằm ổn định tình hình chính trị-kinh tế-xã hội-quốc phòng-an ninh; không cực đoan, không giáo điều. Đó là phẩm chất cần thiết của một nhà hoạt động thực tiễn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khánh thành Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông, tỉnh Long An.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khánh thành Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông, tỉnh Long An.

Còn nói về ông Phạm Minh Chính thì, xuất thân từ một chuyên viên nghiên cứu khoa học kỹ thuật và kinh tế của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nay  không chỉ là chuyên gia về công tác tổ chức, cán bộ mà còn là chuyên gia hàng đầu về chiến lược quốc phòng và an ninh. Trong quá trình công tác của mình, đồng chí đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú trong quan hệ quốc tế, hiểu biết sâu rộng về đối tác và đối tượng. Đồng chí cũng có những năng lực điều hành xuất sắc ở mảng kinh tế và kỹ thuật, đã kinh qua công tác lãnh đạo ở cơ sở cấp tỉnh (khi là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh) và có uy tín lớn trong điều hành Nhà nước ở cấp độ vĩ mô.

Một điều đáng chú ý là ông Phạm Minh Chính là người luôn giữ vững quan điểm bảo đảm sự trong sạch trong các phương án xây dựng nguồn nhân lực của Đảng, chống chạy chức, chạy quyền trong hệ thống tổ chức Đảng và Nhà nước. Ông Phạm Minh Chính đã nhiều lần kêu gọi việc không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, những người đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Ông cũng yêu cầu xử lý kỷ luật người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, những người vi phạm quy định của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận và kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền, những người cơ hội chính trị mưu cầu tham gia vào Quốc hội để “đánh bóng tên tuổi”, phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm,v.v…

Đồng chí Phạm Minh Chính.
Đồng chí Phạm Minh Chính.

Còn ông Vương Đình Huệ là chuyên gia về kinh tế tổng hợp, bao gồm kế hoạch Nhà nước, ngân sách, tài chính, tiền tệ, ngân hàng, giá cả, đầu tư, kiểm toán, thị trường chứng khoán và chính sách kinh tế vĩ mô. Ông Vương Đình Huệ từng là giảng viên xuất sắc, từng là Phó hiệu trưởng  Trường Đại học Tài chính Kế toán (nay là Học viện Tài chính), từng giữ các chức vụ Tổng kiểm toán Nhà nước (2006-2011), Bộ trưởng Bộ Tài chính (2011-2013), Trưởng ban Kinh tế Trung ương (2012-2016), Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách kinh tế tổng hợp (2016-2020). Chức vụ Bí thư thành ủy Hà Nội hiện nay là chức vụ công tác lãnh đạo cơ sở địa phương đầu tiên. Ông Vương Đình Huệ có học hàm Giáo sư và học vị Tiến sĩ kinh tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thăm, động viên bà con nông dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, triển khai vụ Xuân năm 2021.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thăm, động viên bà con nông dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, triển khai vụ Xuân năm 2021.

PV: Nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Vương Đình Huệ hợp với vị trí Thủ tướng hơn là Chủ tịch Quốc hội. Ý kiến của ông như thế nào?

Chuyên gia Hồng Long:

Tôi cho rằng, Thủ tướng Chính phủ không chỉ có nhiệm vụ lãnh đạo điều hành quản lý Nhà nước về kinh tế mà còn cần có năng lực điều hành quản lý Nhà nước một cách toàn diện trên các lĩnh vực tổ chức, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, tài nguyên môi trường,v.v… Đành rằng ông Vương Đình Huệ là người rất giỏi về quản lý kinh tế nhưng lại không giỏi các vấn đề khác như quốc phòng, an ninh, ngoại giao, tổ chức cán bộ, trong khi đó những lĩnh vực này đều là các trụ cột của sự ổn định của quốc gia, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Ông Phạm Minh Chính tuy là Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhưng lại vượt trội về kiến thức đa ngành. Hơn nữa, người lãnh đạo giỏi không nhất thiết là người cái gì cũng giỏi cả nhưng giỏi nhất là ở chỗ biết sử dụng những người giỏi hơn mình ở các lĩnh vực chuyên ngành. Về điều này thì những người có thâm niên làm công tác tổ chức thường có năng lực vượt trội.

PV: Chân thành cảm ơn chuyên gia Hồng Long đã dành thời gian cho Sputnik.

(Theo Sputnik)

Bài mới
Đọc nhiều