Gần như toàn bộ rác sinh hoạt tại TP.HCM đang được xử lý tại khu xử lý chất thải rắn Đa Phước bằng cách chôn lấp. Núi rác khổng lồ này đang gây ra mùi hôi cho khu nam TP.HCM.
Sau khi khu vực chôn lấp của khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) ngừng tiếp nhận rác năm 2015, Đa Phước trở thành nơi xử lý rác thải sinh hoạt lớn nhất tại TP.HCM.
6.000 tấn rác đổ về Đa Phước mỗi ngày
Theo số liệu năm 2019 của Sở TNMT TP.HCM, mỗi ngày, toàn thành phố có gần 10.000 tấn rác thải cần xử lý. Trong đó, rác thải sinh hoạt là khoảng 9.200 tấn, còn lại là rác thải công nghiệp, rác thải y tế.
Khu liên hiệp xử lý rác thải Đa Phước chịu trách nhiệm xử lý hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Sau khi tiếp nhận, phân loại, rác thải tại Đa Phước sẽ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và phun sương, khử mùi.
Ngoài ra, gần 1.000 tấn rác sẽ được phân loại, xử lý bằng cách chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý rác Tây Bắc (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi). Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa sẽ chịu trách nhiệm tái chế 2.000 tấn rác thành phân compost.
Từ khi tiếp nhận lượng rác từ bãi rác Phước Hiệp, khu xử lý rác Đa Phước liên tục được nâng công suất từ 3.000 tấn/này lên 5.000 tấn/ngày vào năm 2015. Sau đó, Đa Phước tiếp tục tiếp tục đề xuất nâng lên mức 10.000 tấn/ngày năm 2016. Chi phí để xử lý rác ngân sách TP.HCM chi trả cho VWS cũng lũy tiến theo thời gian, năm 2007, giá xử lý rác là 16,4 USD/tấn. Mỗi năm, giá sẽ tăng lên thêm 3%.
Sau khi đi vào hoạt động một thời gian, bãi rác Đa Phước bị nhiều người dân tại quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 4 đồng loạt phản ánh vì gây ra mùi hôi thối. Người dân cho rằng mùi hôi chỉ ngửi đã “muốn long óc” này xuất phát từ hướng bãi rác Đa Phước.
Năm 2017, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) ra quyết định xử phạt chủ đầu tư bãi rác Đa Phước 1,5 tỷ đồng. VWS bị cáo buộc có hàng loạt vi phạm như: Không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo cam kết; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra kênh…
Tái chế rác: Bàn đã lâu nhưng chưa thấy rục rịch
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp, nhà khoa học để tìm giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị năm 2019, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thành phố cần tìm hướng đi mới giảm tới mức tối thiểu lượng rác cần chôn lấp.
“Thành phố cần có kế hoạch toàn diện để thay đổi cách xử lý rác. Giảm tỷ lệ rác chôn lấp sẽ giúp chúng ta giải phóng tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường”, Bí thư Nhân nhận định.
Lãnh đạo TP.HCM cũng đã đề ra mục tiêu trong năm 2020, 50% lượng rác thải thành phố cần được xử lý bằng cách đốt rác phát điện.
Trước đó, đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận chủ trương xây dựng Nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ plasma với diện tích khoảng 13 ha tại khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi). Dự án được nhà đầu tư giới thiệu sẽ sử dụng công nghệ hiện đại nhất thời điểm đó.
Dự kiến thời gian xây dựng hoàn thành nhà máy trong 33 tháng và thời gian vận hành 50 năm. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy và chưa hẹn ngày khởi công.
Trước những chậm trễ trong việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải của TP.HCM, tại buổi họp sơ kết ngày 19/7/2019, ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ bức xúc khi TP.HCM đã bàn đến công nghệ này từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy rục rịch.
“Người ta không nói nhiều, chỉ làm và làm được; còn thành phố mình nói nhiều lắm rồi, bàn nhiều lắm rồi, mà có làm được đâu. Rác vẫn cứ chôn, cứ lấp gây hôi thối. Người dân kêu ca suốt, nhất là quanh khu vực bãi rác Đa Phước”, ông Phong đặt vấn đề.
Sau chỉ đạo gay gắt trên, ngày 28/8/2019, Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar được khởi công tại khu liên hợp xử lý rác Tây Bắc (huyện Củ Chi). Dự kiến sau khi hoàn thành năm 2021, nhà máy sẽ xử lý 4.000 tấn rác để phát điện, 2.000 tấn rác tái chế thành phân và hạt nhựa mỗi ngày.
Ngày 17/10/2019, nhà máy đốt rác phát điện thứ hai của TP.HCM được công ty Tâm Sinh Nghĩa khởi công xây dựng. Dự án được xây dựng trên diện tích 8 ha thuộc khuôn viên nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt Củ Chi.
Trong giai đoạn 1, nhà máy đốt rác của Tâm Sinh Nghĩa sẽ phân loại, đốt phát điện 2.000 tấn rác/ngày. Sau khi hoạt động ổn định, nhà máy sẽ nâng công suất lên 5.000 tấn/ngày trong giai đoạn 2.
Trong tháng 10/2019, Công ty Tasco cũng khởi công nhà máy đốt rác phát điện với công suất đốt 2.000 tấn rác/ngày tại huyện Củ Chi.
Dự kiến, sau khi hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động trong năm 2020, 3 nhà máy đốt rác phát điện của TP.HCM sẽ là hướng đi mới giúp TP.HCM chuyển đổi phương thức xử lý đối với 8.000 tấn rác từ chôn lấp sang đốt phát điện.
Quang Huy/ ZFN