+
Aa
-
like
comment

EVN treo 3.090 tỷ lỗ tỷ giá: Điều vô lý

23/12/2019 12:00

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chỉ ra những điểm vô lý liên quan đến lỗ tỷ giá và cả những lý do EVN thường đưa ra để tăng giá điện.

Câu chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi gần 700 tỷ đồng từ kinh doanh điện trong năm 2018 nhưng vẫn treo khoản lỗ tỷ giá gần 3.091 tỷ đồng của năm 2015 và 2017 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trả lời trên báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, với khoản lỗ tỷ giá còn treo lại và “hiện chưa được hạch toán vào đâu”, nên ông Vượng khẳng định khi phương án giá điện mới thì hạch toán, do đó “đương nhiên sẽ ảnh hưởng giá điện nếu điều chỉnh thời gian tới”.

Cùng với đó, về lâu dài EVN sẽ gặp khó khăn tài chính nếu phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao.

Dù lãi gần 700 tỷ đồng từ kinh doanh điện năm 2018 nhưng EVN vẫn treo khoản lỗ 3.090 tỷ do chênh lệch tỷ giá

Theo chuyên gia kinh tế-TS Bùi Trinh, lỗ do chênh lệch tỷ giá còn treo lại từ những năm trước và lỗ do chi phí đầu vào thường là hai nguyên nhân chính được ngành điện và cơ quan chủ quản đưa ra để biện minh cho việc tăng giá điện. Tuy nhiên, điều vô lý được vị chuyên gia chỉ ra, đó là: Về tỷ giá, theo nguyên tắc, EVN phải có quỹ dự phòng rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính như lỗ do tỷ giá. Đáng lẽ khi lãi, doanh nghiệp phải lấy ra một khoản để cân bằng tỷ giá, thế nhưng vì lý do nào đó, có thể đã chia nhau lãi, mà doanh nghiệp không để hay không còn tiền để trích lập dự phòng nên cuối cùng, người dân phải gánh chịu lỗ tỷ giá.

Thứ hai, đầu vào của ngành điện là than, đó là sở hữu của toàn dân và là ngành chỉ khai thác lên đem bán. Thế nhưng Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại kêu lỗ, nâng giá bán than cho ngành điện, EVN cũng kêu lỗ do chi phí đầu vào tăng để có cớ tăng giá điện, bắt người dân phải chịu.

“Như tôi đã phân tích nhiều lần, cách làm này về bản chất là hành động chuyển giá. Thế nên đừng chỉ nói FDI chuyển giá mà ngay cả những doanh nghiệp nhà nước như EVN, TKV cũng chuyển giá, mà ở đây là chuyển giá trực tiếp người tiêu dùng phải chịu, không phải gián tiếp qua thuế.

Chuyển giá ở đây khiến người dân thiệt đơn thiệt kép, vừa mất tài nguyên vừa mất thêm tiền do quản lý kém, do lãng phí và các thứ khác, đó là điều bất hợp lý và cần phải đưa ra bàn thảo”, TS Bùi Trinh chỉ rõ.

Từ điểm vô lý trên, vị chuyên gia kinh tế lại nhắc đến một điểm vô lý khác là năng suất lao động của ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất phân phối điện luôn cao bất thường so với năng suất lao động bình quân chung.

Đây không phải là lần đầu tiên TS Bùi Trinh nhắc đến điểm vô lý này, song ông thấy cần thiết phải nói lại để làm rõ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành điện năm 2010 có năng suất lao động cao gấp 11,5 lần năng suất chung, đến năm 2017 năng suất lao động của ngành này tăng cao gấp 15,1 lần năng suất lao động bình quân của nền kinh tế; ngành khai khoáng năng suất cao gấp hơn 19 lần năng suất bình quân chung của nền kinh tế.

Năng suất lao động được Tổng cục Thống kê tính toán bằng cách lấy giá trị gia tăng chia cho số lao động.

“Giá trị gia tăng gồm thu nhập và thặng dư, việc giá trị gia tăng của ngành điện quá cao là do thu nhập của người lao động của ngành này quá cao hay do lợi nhuận quá lớn hay do cả hai? Phải chăng mỗi lần tăng giá điện đều đi vào thặng dư của ngành này? Người dân có phải đang è cổ làm giàu cho ngành điện?”, TS Bùi Trinh đặt câu hỏi và cho rằng, tất cả những điểm vô lý trên cần phải được làm rõ và có câu trả lời thỏa đáng, không thể để tất cả lại đổ lên đầu người tiêu dùng.

Thành Luân/DV

Bài mới
Đọc nhiều