Đường sắt tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng liệu có lãng phí hay không?
Mới đây, thông tin Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang nghiên cứu quy hoạch đường sắt dài 392 km qua 8 tỉnh, thành theo hướng tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng (4,3 tỷ USD), trong đó 33 tỷ đồng (10 triệu Nhân dân tệ) do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, đang được dư luận và giới chuyên gia quan tâm.
Đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có lãng phí
Bộ GTVT lý giải, trên hành lang Đông – Tây từ Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai hiện có tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được xây dựng từ thời Pháp thuộc có khổ đường 1m, đường đơn, kết nối với Trung Quốc tại Hà Khẩu. Đây là tuyến đường sắt có vị trí quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải ở phía bắc sông Hồng, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng – một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quyết định liên quan như Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt đều định hướng phát triển tuyến đường sắt mới Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với chiều dài dự kiến khoảng 380km, đường đôi (2 chiều đường riêng biệt), khổ 1,435m điện khí hóa.
Khi đề cập đến nguồn vốn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói rằng: “Chính phủ Trung Quốc viện trợ không hoàn lại 33 tỷ đồng để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là thỏa thuận giữa hai chính phủ”.
Cụ thể năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 33,4 tỉ đồng để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Khoản viện trợ này không có yêu cầu về điều kiện ràng buộc sử dụng vốn. “Việc này tương tự như trước đây Hàn Quốc, Nhật Bản tài trợ nghiên cứu dự án đường sắt Bắc – Nam” – ông Đông cho biết.
Đến nay, tư vấn lập quy hoạch dự kiến toàn tuyến có chiều dài 392km với 38 ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng. Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương để xin ý kiến về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga trên tuyến làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai.
“Sau khi tư vấn hoàn thành nghiên cứu quy hoạch chi tiết, Bộ GTVT sẽ rà soát trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch” – ông Đông thông tin
Về một số ý kiến lo ngại việc Trung Quốc viện trợ không hoàn lại để lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ tạo tiền đề để phía Trung Quốc đầu tư dự án sau này, ông Đông cho hay hiện nay Bộ GTVT chỉ thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch theo quy định của pháp luật. Còn đến giai đoạn lập dự án đầu tư là một câu chuyện khác.
“Việc xác định đầu tư vào thời điểm nào, ai đầu tư, nguồn vốn từ đâu sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư ra quyết định. Không có liên quan và ràng buộc gì việc bên tài trợ lập quy hoạch sẽ được lựa chọn đầu tư.
Sau khi quy hoạch được duyệt, thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực đầu tư, Bộ GTVT sẽ triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án. Dự kiến dự án sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương đầu tư.
Vì vậy khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau này sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ sự cần thiết đầu tư, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ và khả năng huy động vốn; đồng thời lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương có liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt” – ông Đông cho biết.
Cũng theo ông Đông, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được quy hoạch là tuyến đường sắt mới. Đến giai đoạn triển khai đầu tư sẽ xem xét lộ trình và xem xét thay thế tuyến đường sắt Hải Phòng – Lào Cai hiện tại.
Nếu cứ vay vốn, chúng ta có thể rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc
Đúng là, về mặt lý thuyết, rõ ràng tuyến đường sắt này có tầm quan trọng khi kết nối vùng và thông thương với Trung Quốc. Thế nhưng, thực tế cho thấy, chúng ta còn nhiều dự án hạ tầng GTVT quan trọng khác mang tính cấp thiết hơn cần phải dồn nguồn lực để đầu tư..v..v.
Đồng ý rằng, việc khai thác tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ đi qua những vùng kinh tế trọng điểm của phía Bắc. Và theo như nhận định của Bộ GTVT đây sẽ là con đường chiến lược, khi hoàn thành sẽ tạo ra bước đột phá. Bởi suy cho cùng, trong tất cả phương tiện vận tải hiện nay, thì đường sắt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn do chở được số lượng lớn hàng hóa, chi phí tiết kiệm và an toàn.
Nhưng nói thẳng ra, rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc Bộ GTVT “rục rịch” thúc đẩy dự án trên. Vì trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạ tầng của nước ta còn thiếu như hiện nay, Quốc hội, Chính phủ chưa nên bàn đến việc quy hoạch, xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng mà chỉ nên xem xét cho chiến lược lâu dài 20 năm, 30 năm nữa.
Thứ nhất, Bộ GTVT cần nhìn vào thực tế, đơn cử như dự án đường sắt Yên Viên (Hà Nội) – cảng Cái Lân (Hạ Long) được đầu tư tới 3.400 tỷ đồng song vẫn dang dở, không đạt mục tiêu tốc độ chạy tàu và vắng khách. Không thể đầu tư cho một tuyến đường sắt mà căn cứ không rõ ràng.
Thứ hai, tốn kém như thế nhưng “ai sẽ hưởng lợi?”- dư luận sẽ tỏ nghi ngờ rằng tuyến đường sắt này có vẻ theo ý tưởng từ phía Trung Quốc đề xuất để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam sang cảng Hải Phòng.
Thứ ba, dự án này tốn quá nhiều tiền của. 100.000 tỉ đồng dù có huy động ở đâu thì rốt cuộc “dân cũng là người trả, những người nộp thuế là người phải trả”.
Chúng ta nên tập trung nguồn lực để lo tổ chức đấu thầu cho được dự án cao tốc Bắc – Nam đã được ghi vốn để triển khai, hoặc các cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ, dự án giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ. Đây là những dự án chiến lược hiện nay để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chưa dừng lại ở đó, suy xét kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy tuyến đường sắt này có liên quan đến chiến lược “vành đai – con đường” của Trung Quốc. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết: Trong việc phát triển chiến lược “Vành đai – con đường” của Trung Quốc, họ đã đề cập đến vấn đề này. Họ muốn có 2 con đường, thứ nhất là Lào Cai – Hải Phòng để kết nối với Quảng Tây, Vân Nam của họ; thứ 2 là con đường từ Quảng Ninh đi xuống phía nam.
Vì thế, không ít người đã bày tỏ sự quan ngại nhất định khi cho rằng, nếu chúng ta cứ vay vốn Trung Quốc để làm các dự án này thì chúng ta có thể trở thành con nợ, rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Chúng ta đã tránh vấn đề này, bây giờ lại đề xuất ra thì về mặt chiến lược là có vấn đề.
Theo đó, Bộ GTVT không thể nhắm mắt làm ngơ, bỏ qua những phản biện xã hội, trong đó có không ít ý kiến của nhiều tri thức với tư cách là những chuyên gia kinh tế hàng đầu, có tầm có tâm với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà suốt thời gian qua.