+
Aa
-
like
comment

Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê nứt toác do nước ngầm?

22/10/2019 20:41

Nguyên nhân đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai) nứt toác chủ yếu là do 2 lớp đất yếu nằm phía dưới lớp vỏ cứng và xuất hiện nước ngầm nhưng chưa phát hiện được để xử lý triệt để trong quá trình thực hiện dự án.

Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai về kết quả giám định nguyên nhân hư hỏng, sạt, lún nền, mặt đường đoạn km10 200 đến km10 330 dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Theo Bộ Giao thông vận tải, vào hồi 15h ngày 3-9-2019 đã xảy ra hiện tượng lún, nứt nền, mặt đường nói trên thuộc địa phận xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai với chiều dài khoảng 150m. Vết nứt rộng nhất khoảng 20cm. Đặc biệt đoạn từ km 10 260 đến km 10 300 mặt đường bị lún theo phương đứng khoảng 50-60cm.

Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê nứt toác do nước ngầm? - Ảnh 1.
130m đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, Gia Lai bị lún, nứt do các đơn vị liên quan chưa phát hiện được nền đất yếu và nước ngầm – Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Sau khi xảy ra sự cố, theo đề nghị của UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân đã thành lập tổ điều tra sự cố để làm rõ nguyên nhân.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải giao Trung tâm Kỹ thuật dường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện giám dịnh chất lượng công trình phục vụ đánh giá nguyên nhân sự cố.

Trên cơ sở kết quả kiểm định của Trung tâm Kỹ thuật đường bộ và đánh giá của tổ điều tra sự cố, Bộ Giao thông vận tải đã thông báo kết qua giám định nguyên nhân sự cố nứt, lún đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê.

Nguyên nhân chủ yếu là do 2 lớp đất yếu (trạng thái dẻo mềm đến dẻo chảy) nằm phía dưới lớp vỏ cứng, phân bổ rộng khắp khu vực xảy ra sự cố và xuất hiện nước ngầm chưa phát hiện được để xử lý triệt để trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, gây mất ổn định công trình.

Về trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan, Bộ Giao thông vận tải cho biết: công tác khảo sát, thiết kế đã cơ bản tuân thủ các quy trinh.

Tuy nhiên, tư vấn thiết kế lập hồ sơ bước thiết kế bản vẽ thi công chưa phát hiện ra cũng như chưa đề xuất khảo sát bổ sung khi đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn đặc biệt, bất lợi.

Hơn nữa, khi phát hiện có nước ngầm, các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kết và ban quản lý dự án 6 chưa nghiên cứu, xem xét đầy đủ các điều kiện thời tiết bất lợi trong quá trình khai thác.

Đối với tư vấn thiết kế, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân do kinh nghiệm của cá nhân tham gia khảo sát còn hạn chế, chưa đánh giá hết các nguyên nhân, điều kiện bất lợi của thời tiết.

Đối với tư vấn giám sát, phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm cá nhân, tập thể do việc kiểm soát quá trình thi công chưa kịp thời phát hiện ra các điều kiện bất lợi về địa hình, địa chất, thủy văn và chưa báo cáo Ban quản lý dự án 6, tư vấn thiết kế kịp thời xử lý đảm bảo ổn định công trình lâu dài.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án 6 đàm phán với nhà thầu thi công khẩn trương triển khai khắc phục hư hỏng.

Bộ Giao thông vận tải đánh giá nguyên nhân chủ quan trong sự cố trên là trong quá trình triển khai dự án, Ban quản lý dự án 6 và các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công chưa khi nghiên cứu thiết kế bản vẽ thi công chưa lương trước, chưa đưa ra các dự báo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết tại các khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp.

Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án 6 khẩn trương tổ chức thực hiện việc phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan, tuân thủ quy định. Đồng thời chỉ đạo tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, ổn định công trình lâu dài, báo cáo kết quả về Bộ Giao thông vận tải.

TUẤN PHÙNG/Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều