+
Aa
-
like
comment

Đụng vào “ổ kiến lửa” lương hưu, Pháp đình trệ vì tổng đình công

06/12/2019 06:30

Giới nghiệp đoàn Pháp tuyên bố cuộc đình công có thể kéo dài vô thời hạn nhằm buộc chính phủ nhượng bộ, từ bỏ kế hoạch đại tu hệ thống hưu trí

Mạng lưới giao thông công cộng của Pháp bị đình trệ hôm 5-12 khi cuộc tổng đình công diễn ra trên toàn quốc, thúc giục chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron từ bỏ kế hoạch đại tu hệ thống hưu trí.

Những chuyến tàu cao tốc ngừng hoạt động và nhiều trường học trên khắp nước Pháp đóng cửa trong khi du khách được cảnh báo tránh xa tháp Eiffel. Hàng trăm chuyến bay bị hủy trong khi các trạm tàu điện ngầm trên khắp Paris đã đóng cửa, khiến hoạt động giao thông tê liệt, buộc nhiều người sử dụng dịch vụ xe đạp chung và xe điện làm phương tiện thay thế.

Không ít người lao động ở Paris phải làm việc tại nhà và nhiều học sinh không đến trường khi có đến 78% giáo viên ở thủ đô đình công. Khoảng 6.000 cảnh sát được triển khai tại thủ đô Paris nhằm đối phó cuộc biểu tình lớn dự kiến kéo dài trong những ngày tới.

Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cảnh báo sẽ có gần 250 cuộc đình công trên cả nước và một số nơi có thể biến thành bạo lực. Nguyên nhân châm ngòi cuộc tổng đình công trên toàn nước Pháp hôm 5-12 đến từ sự bất mãn của người lao động trong nhiều ngành nghề tại Pháp đối với cải cách hưu trí mà chính phủ ông Macron dự định tiến hành.

Đụng vào ổ kiến lửa lương hưu, Pháp đình trệ vì tổng đình công - Ảnh 1.
Người biểu tình ở Paris chiều 5-12 phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của chính phủ Ảnh: REUTERS

 

Pháp hiện có hơn 40 chế độ hưu trí khác nhau và ông Macron muốn tạo ra một hệ thống tổng thể duy nhất. Kế hoạch mới của ông Macron là thưởng điểm cho người lao động trong mỗi ngày làm việc. Những điểm số đó sẽ được chuyển đổi thành phúc lợi lương hưu trong tương lai.

Tuổi nghỉ hưu chính thức ở Pháp đã tăng từ 60 lên 62 trong thập kỷ qua nhưng vẫn là một trong những mức tuổi hưu thấp nhất trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), điển hình tuổi nghỉ hưu ở Anh là 66.

Kế hoạch tính lương hưu dựa trên điểm số sẽ loại bỏ mức lương hưu lợi thế của những người làm việc trong một số ngành nghề như thủy thủ, luật sư. Trong khi đó, những người nghỉ hưu trước tuổi 64 sẽ nhận mức lương thấp hơn.

Cụ thể, người nghỉ hưu ở tuổi 63 sẽ bị giảm 5% lương và giới nghiệp đoàn lo ngại cải cách này khiến người lao động phải làm việc trong thời gian dài hơn nhưng nhận mức lương hưu thấp hơn. Trước tình trạng dân số lão hóa, ông Macron cho rằng kế hoạch cải cách lương hưu mới sẽ công bằng hơn hệ thống hiện tại.

Nhằm đối phó với nguy cơ bạo lực bùng phát dọc tuyến đường diễu hành ở Paris, cảnh sát yêu cầu tất cả doanh nghiệp, quán cà phê và nhà hàng trong khu vực đóng cửa. Giới chức trách cũng ban hành lệnh cấm biểu tình trên đại lộ Champs-Élysées, xung quanh dinh tổng thống, quốc hội và nhà thờ Đức Bà.

Các cuộc đình công hôm 5-12 diễn ra sau nhiều tháng biểu tình bạo lực của phong trào “Áo ghi-lê vàng” nhằm phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu và chi phí sinh hoạt cao của chính phủ. Ông Laurent Berger, lãnh đạo CFDT – một trong những tổ chức Công đoàn lớn nhất nước Pháp – nhận định làn sóng đình công lần này lớn hơn năm 1995.

Một số tổ chức Công đoàn tại Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục tuần hành cho đến khi yêu cầu của họ được đáp ứng trong khi một chuyên gia phân tích chính trị của tờ The Local cảnh báo cuộc đình công có thể kéo dài đến năm mới.

Theo đài BBC, cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ đình công lên đến 69%, phần lớn là những người trong độ tuổi từ 18-34. Chính quyền của ông Macron hy vọng có thể tránh lặp lại kịch bản tương tự cuộc tổng đình công trên toàn quốc yêu cầu cải tổ hệ thống lương hưu vào năm 1995. Khi đó, cuộc tuần hành đã khiến hệ thống giao thông bị tê liệt suốt 3 tuần và gây sức ép lớn, buộc chính quyền thay đổi kế hoạch.

Xuân Mai/Người Lao Động

Bài mới
Đọc nhiều