Đừng trách Hữu Thắng, như từng “làm đau” Tấn Trường suốt 10 năm trời đằng đẵng!
Xét cho cùng, lựa chọn của Tấn Trường hay Hữu Thắng ngày ấy, tất cả đều đặt chiến thắng, thành công, vinh quang của bóng đá Việt Nam lên hàng đầu.
1. Đúng ngày U22 Việt Nam đá trận chung kết SEA Games 30, sau 10 năm trời đằng đẵng, cuối cùng thủ môn Tấn Trường cũng lên tiếng “giải thích” về tấm ảnh mà suốt 10 năm qua, người ta vẫn nghĩ là HLV Calisto ngày ấy “bóp cổ” anh trong trận chung kết SEA Games ngày 17/12/2009 trên đất Lào.
“Ở thời điểm đấy, mọi người đều nghĩ rằng thầy Calisto đang bóp cổ Trường. Nhưng mà thật sự, trong hoàn cảnh ấy, Trường đang bị ức nhưng không thể nào khóc được mặc dù rất muốn khóc. Trường đứng lên và đi vào phòng thay đồ. HLV Calisto mới lại gần, đè Trường xuống và nói rằng (bằng tiếng Anh): ‘Mày phải ở đây, phải chứng kiến cảnh này, thất bại này. Mày mới là người đàn ông’.
Sau đó Trường khóc và thầy Calisto ở bên an ủi mình. Khoảnh khắc ấy thì không phóng viên nào chụp lại hết. Nhìn vào bức ảnh ấy, ai cũng nghĩ rằng thầy Calisto đáng bóp cổ Tấn Trường vì lý do là Trường không ra sân hay là Trường làm thua tình huống đấy nhưng sự thật thì không phải thế”.
Tại sao suốt 10 năm trời đằng đẵng, từ cái đêm chung kết nghiệt ngã ấy, không ai đứng lên “minh oan” cho Tấn Trường trước những lời đồn đại từ cú “bóp cổ” của HLV Calisto ấy? Xung quanh Trường ngày ấy, chẳng phải còn có Ban huấn luyện, và cả những cầu thủ khác. Có lẽ, vì Việt Nam thất bại trong trận chung kết ấy, và vì người ta không muốn bị liên lụy đến mình?
“Cú ngã” ngày ấy, ở trận chung kết SEA Games 10 năm về trước là cú ngã đau đớn của bóng đá Việt Nam, là ký ức mà người hâm mộ Việt Nam không muốn nhắc đến. Nó cũng giống như ký ức SEA Games 2 năm về trước, khi HLV Hữu Thắng cùng lứa cầu thủ “vàng mười” phải lặng lẽ xách vali về nước ngay sau vòng loại. Sự đau đớn tột cùng khiến chẳng ai còn buồn thanh minh cho Tấn Trường, cũng như mặc nhiên Hữu Thắng là “tội đồ”.
Biết đâu 10 năm nữa, HLV Hữu Thắng lại như Tấn Trường, sẽ ngồi lại để kể câu chuyện về kỳ SEA Games thảm họa của bóng đá Việt Nam, cũng như những khúc mắc, những buồn vui khi ngồi trên “chiếc ghế nóng” của bóng đá Việt Nam, để rồi được “ghi nhận” với tư cách là HLV thảm bại nhất của đội tuyển Việt Nam, cũng như U22 Việt Nam.
2. Trận chung kết 10 năm về trước, trước tình huống để lọt lưới dẫn đến trận thua “để tuột cúp” trên đất Lào, Tấn Trường đã bị trật khớp vai, và xin được thay ra vì quá đau. Bác sỹ của đội bảo: “Anh có cách giúp em vẫn đứng trong khung thành được, mà không còn cảm giác đau nữa”, sau đó tiêm trực tiếp thuốc tê và vùng trật khớp. Kết quả là Tấn Trường… đứt luôn dây chằng, và dính bàn thua ám ảnh đến 10 năm trời.
Hơn 3 năm rưỡi trước, ngày HLV Hữu Thắng chính thức ký hợp đồng để tiếp nhận chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG, Quốc Vượng từng có phát ngôn gây sốc: “Tôi vẫn nghĩ lúc này bóng đá Việt Nam cần một ông thầy ngoại thật đẳng cấp và anh Thắng là trợ lý số 1. Thời gian sau đó, khi mọi thứ đã chín muồi, anh Thắng lên cầm quân mới chuẩn”.
Phát biểu của Quốc Vượng ngày ấy, hóa ra lại là “lời tiên tri” không chỉ với riêng HLV Hữu Thắng, mà còn cả bóng đá Việt Nam, với “ông thầy ngoại thật đẳng cấp” mang tên Park Hang-seo. Chỉ có điều, Hữu Thắng “vội một bước”, để rốt cuộc “chậm cả đời”.
Vì Hữu Thắng kém tài nên lần lượt cả ĐTQG lẫn U22 Việt Nam đều thất bại đớn đau, để rồi lấy đi hai năm trời của bóng đá Việt Nam, để vuột tấm HCV SEA Games mà đáng lẽ những Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… đã phải đoạt được, thay vì phải chờ đến những Văn Hậu, Quang Hải, Đức Chinh…?
Nên nhớ, con đường đến với chức vô địch SEA Games của thầy trò HLV Park Hang-seo không hề dễ dàng, với những trận cầu “thót tim”, cùng những khoảnh khắc mà nếu như không thể lật ngược thế cờ, thì U22 Việt Nam đứng trước nguy cơ bị loại đau đớn chẳng khác nào Hữu Thắng ngày xưa.
Và ngày xưa ấy, ai cho Hữu Thắng chọn lối đá mà HLV Park Hang-seo đang áp dụng cho ĐTQG và U22 Việt Nam? Ai cho Hữu Thắng gạt bỏ những cầu thủ từng làm nổ tung cầu trường ở tuổi U19 như Công Phượng, Xuân Trường… để chọn những Quang Hải, Đức Chinh…?
Ngày ấy, ngoài sự kỳ vọng lớn lao, trên đôi vai của Hữu Thắng còn là áp lực cực kỳ nặng nề từ lời tuyên bố của bầu Đức, rằng bóng đá Việt Nam sẽ phải vô địch SEA Games bằng lứa cầu thủ U19 “của ông”. Hữu Thắng còn sự lựa chọn nào khác?
Trận gặp U22 Thái Lan ở SEA Games 30, thầy trò HLV Park Hang-seo từng đứng trước nguy cơ bị loại từ vòng bảng khi để thua 2 bàn cực kỳ chóng vánh, chỉ trong vòng có 11 phút. Trong khi đó, ở trận đấu với U22 Thái Lan ở SEA Games 29, U22 Việt Nam của Hữu Thắng cũng từng tiếc nuối với cú sút dội cột dọc của Hồ Tuấn Tài. Nếu cú sút ấy thành bàn, biết đâu người làm nên lịch sử không phải là HLV Park Hang-seo.
Nhưng thất bại của HLV Hữu Thắng với U22 Việt Nam ở SEA Games 29 không chỉ là nỗi đau, không chỉ là sự thất vọng tột cùng của bóng đá Việt Nam. Nó là “vực sâu”, nhưng có “vực sâu” ấy, thì “đoàn quân” U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo mới đến VCK U23 châu Á 2018 với tâm thế “không còn gì để mất”, để rồi tạo nên kỳ tích lẫy lừng, khởi đi cho một triều đại rực rỡ dưới tay ông thầy người Hàn Quốc.
Cũng từ “vực sâu” ấy, thầy Park mới có được cái tâm thế “xây lại” bóng đá Việt Nam “từ con số 0”, để rồi được toàn quyền định đoạt, thoát khỏi “vòng cương tỏa” vô hình chụp lên Hữu Thắng ngày nào, để rồi tạo nên hai đội tuyển Việt Nam “không còn ngôi sao”, mà chỉ còn “duy nhất ngôi sao vàng trên ngực áo”.
Sau 10 năm, rốt cuộc Tấn Trường cũng có cơ hội tỏ bày, để ném đi nỗi oan ức phải chịu đựng suốt 10 năm trời, để bình thản bước vào đoạn cuối sự nghiệp đầy thanh thản.
Hữu Thắng, rốt cuộc cũng đang tìm lại sự thành công cho mình trên cương vị chủ tịch CLB TP.HCM. Anh lặng lẽ, nhưng làm tốt hơn rất nhiều người tiền nhiệm Công Vinh – với hình ảnh long lanh của một siêu sao, đưa CLB TP.HCM trở thành đội bóng duy nhất khả dĩ có thể cạnh tranh chức vô địch V.League với CLB Hà Nội. Nỗ lực ấy, thành công ấy chắc chắn không thể có được ở một con người kém tài và thất bại.
Như Quốc Vượng từng nói, có lẽ thời điểm ấy, Hữu Thắng đã chọn nhầm, bầu Đức đã chọn nhầm, và bóng đá Việt Nam đã chọn nhầm, nhưng xét cho cùng, như Tấn Trường ở trận chung kết 10 năm về trước, những lựa chọn ấy đều đặt chiến thắng, thành công, vinh quang của bóng đá Việt Nam lên hàng đầu. Theo lý lẽ của trái tim, có khi nào nó lại sai?
Trận chung kết 10 năm về trước ấy, Tấn Trường không có lỗi trong bàn thua của đội nhà. Thậm chí trước đó chỉ vài giây, anh còn có pha cứu thua cực kỳ dũng mãnh. Nhưng khi đội nhà thua, có ai nhớ đến pha cứu bóng ấy, cũng như nhớ đến những điều mà Hữu Thắng đã làm vì bóng đá nước nhà.
Đừng trách Hữu Thắng thêm nữa!
Ngô Trà/TTT