Đừng lấy “lời xin lỗi” của ông Son để chính trị hóa phiên tòa
Thừa nhận “những tham vọng của bản thân đã gây bức xúc”, ông Nguyễn Bắc Son gửi lời xin lỗi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước, nhân dân và tập thể ngành thông tin truyền thông. Nhưng liệu đây có phải là lời xin lỗi thành tâm và biết hối cải?
Trong khi vài ngày trước, người dân còn đang há hốc mồm bởi trước tòa bị cáo Nguyễn Bắc Son và đồng phạm đều khai không biết có vi phạm tại thời điểm ký các văn bản cho Mobifone mua AVG. Câu trả lời “ngây ngô” đến mức khó tin khiến thẩm phán Trương Việt Toàn phải thốt lên rằng “các bị cáo đều là Bộ trưởng, chủ tịch HĐTV mà cứ trả lời là không biết. Không biết thì làm bộ trưởng làm gì?”.
Sự việc gây ra sự khó chịu cho nhiều hơn khi ông Nguyễn Bắc Son bắt đầu phản cung, liên tục thay đổi lời khai chỉ trong một ngày xét xử. Sáng thì chối lấy chối để, phủ nhận việc cầm 3 triệu USD, dù cho trước khi ra tòa ông đã khai nhận hành vi đó. Rồi chiều hôm đó, sau khi thẩm phán đọc lá thư ông Son gửi vợ thì mới chịu thừa nhận cầm tiền nhưng lại nói không đưa cho con gái mà tiêu xài cá nhân, không nhớ mục đích. Lời khai bất nhất, thay đổi xoành xoạch này đã chứng tỏ một điều dù đứng trước vành móng ngựa, ông Nguyễn Bắc Son vẫn chưa hề thành thật, vẫn ngoan cố lấp liếm đi sai phạm của mình chứ đừng nói đến mấy cụm từ “biết lỗi, biết sai”.
Cứ ngỡ như cái vòng tròn luẩn quẩn chối rồi nhận tội của hai ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn sẽ dừng lại tại đó nhưng không, thêm một lần nữa trước tòa, ông Trương Minh Tuấn khai “làm theo chỉ đạo của cấp trên”, còn ông Nguyễn Bắc Son sau khi đẩy tội cho cấp dưới không thành thì cũng tiếp tục đổ thừa cho cấp trên. Vậy có xem đây là hành động của người biết sai và muốn được sửa sai? Thật sự mà nói bây giờ các ông có xin lỗi ai đi chăng nữa cũng chẳng còn giá trị.
Đến giờ phút thẩm phán cho các bị cáo nói lời sau cùng thì bỗng dưng tất cả quay sang xin lỗi người này người nọ, tổ chức ban ngành này kia như kiểu thành tâm hối cải. Điều đáng buồn là các ông đã làm việc này quá muộn. Phải chăng đến đường cùng rồi, các ông vẫn muốn tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, giảm nhẹ hình phạt cho tội trạng đã rành rành của mình? Đặc biệt là bị cáo Nguyễn Bắc Son. Phải chăng ông ta xin lỗi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với hy vọng sẽ xuất hiện cái phao cứu sinh, để được sống?
Nếu các ông quên thì xin nhắc lại, Tổng Bí thư Chủ tịch nước đã từng khẳng định: “Chúng ta nói là đã đền bù 8.900 tỷ thì có thể xem là yếu tố xem nhẹ chứ gì? Nhưng mà đây không phải là chuyện mua bán, mà là chuyện thất thoát tài sản, quá trình làm bị đẻ số ra, khai là hối lộ và nhận hối lộ, mà tiền hàng mấy triệu USD thế chúng ta có xử không? Phải làm tiếp và đang làm quyết liệt”. Chỉ đạo đanh thép này sẽ không vì một lời xin lỗi nào mà thay đổi, nhất là khi công cuộc phòng chống tham nhũng đang ở trong giai đoạn quyết liệt.
Hiện nay, “đám kền kền”, những kẻ cơ hội chính trị ngoài kia đã lợi dụng những lời khai không đúng sự thật cùng lời xin lỗi “không đúng người, không đúng thời điểm” của các bị cáo để làm bàn đạp xuyên tạc lãnh đạo, công tác “đốt lò” lịch sử, thậm chí cả bản chất của phiên tòa xét xử. Chúng muốn chính trị hóa phiên tòa với tên gọi “đảng tòa”, còn người tiên phong trong công tác phòng chống tham nhũng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật lại bị cho là “đảng trưởng”. Một phiên tòa xử lý người vi phạm pháp luật nhưng lại bị chúng mang ra đặt điều nhằm hạ uy tín lãnh đạo và cơ quan hành pháp cảu đất nước là điều đáng phải lên án.
Nhưng xin nói thẳng kết cục sau cùng, những bản án thích đáng đúng người đúng tội vẫn sẽ buộc các bị cáo phải trả giá trước nhân dân. Cái gọi là “đảng tòa”, “đảng trưởng” chỉ có trong trí tưởng tượng của những kẻ mưu đồ đen tối mà thôi.