Đừng “gắp lửa” chiến trường Nga – Ukraine về Việt Nam
Ngày 25/02, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. Tiếp đó, ngày 01/3, tại phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng đã chia sẻ về sự khốc liệt của chiến tranh mà Việt Nam đã từng trải qua, đồng thời kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh. Có thể khẳng định rằng, quan điểm của Việt Nam là kêu gọi các bên có liên quan đối thoại để bảo vệ người dân.
Trước tình hình bất ổn tại Ukraine, trang Chân trời mới media đã đăng tải bài viết của đối tượng Đỗ Ngà với tựa đề “Nga thất bại là cái kết tốt cho thế giới và là tin vui cho Việt Nam”. Lợi dụng nội dụng một bài báo đưa tin về chiến sự Nga – Ukraine, Đỗ Ngà đã cố tình xuyên tạc “Việt Nam ủng hộ Nga thôn tính Ukraine”. Tuy nhiên, sự thật thì nội dung bài báo đó được trích dẫn từ bài phát biểu nguyên văn của Tổng thống Nga Putin, hoàn toàn không hề trình bày quan điểm của tác giả hay quan điểm của chính quyền Việt Nam như Đỗ Ngà bịa đặt. Và báo chí trong nước Việt Nam đều đưa tin trung lập, chính xác theo các cơ quan thông tấn, báo chí chính thống của cả Nga và Ukraine.
Xuyên suốt bài viết, Đỗ Ngà chỉ chăm chăm thêu dệt, gán ghép sự liên quan giữa Nga và Trung Quốc, giữa Ukraine với Việt Nam. Đỗ Ngà phân tích “nếu Nga thắng, Trung Quốc sẽ thực hiện dã tâm nuốt Việt Nam, Việt Nam đang bị cô lập, không có ông lớn nào chống lưng nên Trung Quốc sẽ nuốt Việt Nam dễ dàng hơn”. Tuy nhiên, cái lý do Ukraine giáp ranh với Nga, Việt Nam là láng giềng sát vách với Trung Quốc không thể củng cố cho suy diễn “Trung Quốc sẽ nuốt Việt Nam khi Nga thắng trận” được. Bởi lẽ hoàn cảnh lịch sử, vị thế và sức mạnh của các quốc gia cũng khác nhau, mọi sự so sánh đều trở nên vô lý.
Hẳn Đỗ Ngà đã quên lịch sử Việt Nam ta trải qua bao nhiêu cuộc chiến đánh bại quân phương Bắc xâm lược, thậm chí năm 1075-1076, tướng Lý Thường Kiệt đã tấn công quân Tống ở 3 châu dọc biên giới: Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu. Chưa kể, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam đã giúp đất nước đánh đổ thành công hai cường quốc xâm lược. Đó là quá khứ, còn hiện nay Việt Nam đang kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chiếm được tình cảm của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta đang là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Mối quan hệ giữa Việt Nam và hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang minh chứng cho điều này. Thế nên, chuyện chiến tranh hay quốc gia nào đó muốn “thôn tính” Việt Nam thêm một lần nữa là điều không thể.
Đặc biệt, ngày nay, Việt Nam luôn đề cao giá trị hòa bình, khi có tranh chấp thì tích cực kêu gọi các bên kiềm chế, ngồi lại đối thoại để giữ gìn hoà bình của khu vực và thế giới. Một số vụ việc liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước ta, thậm chí cả nước khác, Việt Nam luôn sử dụng biện pháp đối thoại, kêu gọi các bên chung tay bảo vệ và duy trì hòa bình trên biển Đông. Ứng xử khôn ngoan này không chỉ nhận được sự ủng hộ của quốc tế mà còn có tác dụng chế ngự thành công những thủ đoạn, âm mưu nuốt trọn biển Đông của Trung Quốc, ý đồ tạo ra tranh chấp với Việt Nam.
Có thể nói, với vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế, cùng với đó là chính sách đối ngoại linh hoạt, cương nhu phù hợp thì việc Trung Quốc hay quốc gia nào đó muốn “nuốt Việt Nam” là không dễ và cũng chẳng cần đợi gì kết quả của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Những luận điệu mà Đỗ Ngà cố tình đưa ra, suy cho cùng là muốn gõ trống khua chiêng kích động tâm lý người dân, tác động xấu đến mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc, làm mờ đi những kết quả đạt được trong đường lối đối ngoại của nước ta trong thời gian qua, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người dân và đất nước. Vì vậy, người đọc cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn thông tin chính thống để tiếp nhận giữa lúc mạng xã hội là một rừng thuyết âm mưu. Đồng thời, cần tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các đối tượng và trang mạng có mưu đồ chính trị đen tối.
Hoàng Chung