+
Aa
-
like
comment

Đừng để Rap thành rác

Phạm Khoa - 10/06/2023 10:02

Thời gian gần đây, các rapper trẻ hay lấy lịch sử, và lòng tự hào dân tộc làm chất liệu viết rap. Tuy vậy, việc làm đáng khen đó đã trở thành thảm họa khi người viết thiếu kiến thức, trong khi các biên tập viên của chương trình lại khao khát lượt view.

Phần Rap của thí sinh Dubbie – diễn viên Lê Hữu Khương khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng vì có những từ ngữ bị cho là phản cảm và thiếu chuẩn mực.

Câu chuyện các rapper trẻ đưa dạng đề tài khó như lịch sử, lòng tự hào dân tộc vào phần lời của bài rap thời gian gần đây nở rộ. Nếu nhìn ở góc độ tích cực, đây là điều đáng hoan nghênh. Nhắc nhớ lịch sử nước nhà, từ đó hun đúc thêm tinh thần dân tộc là việc mà những người làm nghệ thuật nói chung, và các nhạc sĩ, ca sĩ nên làm, bao gồm cả rapper.

Tuy vậy, khi lắng nghe những bản rap trên, không khó để nhận ra sự vô nghĩa, sáo rỗng trong lyrics (phần lời) của chúng. Đơn cử như một số câu trong bài “Việt Nam Kiêu Hùng” do thí sinh gây tranh cãi Cadmium trình bày ở cuộc thi Rap Việt vừa qua: “Con cháu Tiên Rồng oanh tạc khắp trời mây”; “Con Rồng cháu Tiên hãy luôn cố gắng/ Để phát triển đất nước qua muôn năm”; “Đời đời khắc ghi những công lao to lớn/ Của nhân dân Việt Nam đã làm nên tất cả”…

Sự sáo rỗng, vô nghĩa này gợi nhớ đến một bài tương tự trong kỳ thi Rap Kids 2020, khi một thí sinh đã “rap”: “Tinh thần dân tộc chưa bao giờ là bất diệt/ Con người Việt Nam hiếu chiến vang danh mang đi khắp nơi”(?!)

Chưa dừng lại ở đó, việc tuỳ tiện dùng từ ngữ hợp vần đã dẫn đến thảm họa gần nhất là đoạn lyrics trình diễn của rapper Dubbie: “Các em lại phát thêm rồ phải ngoan thì mới được phát thêm đồ/ Là người con máu đỏ da vàng luôn nghiêng mình trước người Bác tên Hồ”(?!)

Không chỉ thiếu kiến thức lịch sử, xã hội trầm trọng, mà tư tưởng cổ xúy việc “ăn chơi”, đặc biệt với từ “đồ”, thực tế được hiểu là chất kích thích, cũng rất đáng lên án. Dư luận đã lên tiếng phản ứng các lỗi trên, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức nặng để các bên trong cuộc có sự cẩn trọng cần thiết.

Nhìn nhận một cách nghiêm túc, các bài rap có lyrics đề cập đến lịch sử, tinh thần dân tộc một cách sáo rỗng, và nhiều sạn được phát trên sóng truyền hình thời gian qua, không thể không có phần lỗi của các biên tập viên. Chính những người làm nội dung cho các chương trình như Rap Việt, đã góp phần khiến người trẻ chơi nhạc, ở đây là các rapper non nớt, ngộ nhận năng lực bản thân và phải hứng chịu tổn thương từ những phản ứng không lường được của công chúng. Tuy vậy, sau khi các sự cố về lyrics này xảy ra, đơn vị sản xuất lại không có bất cứ giải trình nào thỏa đáng, mà lại âm thầm xóa đi. Đây có thể được quy kết là thái độ vô trách nhiệm, xem thường khán giả của nhà sản xuất.

Còn với những người quan tâm đến nền nghệ thuật nước nhà, việc để các thí sinh có thái độ lệch lạc, hay thiếu kiến thức về lịch sử, xã hội vào sâu trong một cuộc thi âm nhạc có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ là điều rất đáng quan ngại.

Đã đến lúc cần bàn tay chấn chỉnh của cơ quan quản lý văn hóa đối với các đơn vị tổ chức những cuộc thi như Rap Việt, vì dư âm, và ảnh hưởng tiêu cực của việc thiếu hiểu biết lịch sử dân tộc không chỉ dừng lại ở thời lượng 1 hay 2 tiếng phát sóng, mà còn tồn tại rất lâu trên môi trường mạng.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều