+
Aa
-
like
comment

Đừng để dòng vốn FDI đẩy Việt Nam vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”!

LS Lê - 05/06/2022 09:53

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam. Trải qua thời gian dịch Covid-19, dòng vốn FDI bị đe doạ giảm sút, dẫn tới sự hạn chế trong kinh doanh và sản xuất. Hiện nay, vốn FDI đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng liệu đó có thật sự là một cơ hội không tiềm ẩn rủi ro?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đầu tư vào nước ta trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 11,71 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các ngành nhận được nguồn vốn vượt trội là công nghiệp chế biến, kinh doanh bất động sản, bán lẻ và khoa học công nghệ… Điều đáng nói, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. HCM, Hà Nội dù cho Chính phủ vẫn đang mong muốn điều hoà dòng vốn này cân bằng trên cả nước.

Một cơ sở sản xuất thực phẩm dựa vào vốn FDI ở TP.HCM.

Có thể thấy rằng, việc các nhà đầu tư lựa chọn các thành phố lớn với cơ sở sản xuất và dịch vụ vận chuyển hàng hoá hiện đại, chuyên nghiệp là rất phù hợp với nhu cầu của họ. Tuy nhiên, điều này lại vô tình đẩy Việt Nam vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Trước hết, thành phố đã hiện đại khi nhận được nguồn vốn dồi dào thì cơ sở vật chất, giao thông đường bộ lại càng phát triển hơn. Trong khi đó, những địa phương còn yếu kém về cơ sở hạ tầng thì lại phải chịu nhiều thiệt thòi, dẫn tới việc phát triển địa phương cũng bị hạn chế.

Thêm vào đó, một vấn đề bất cập có thể kể đến tiếp theo chính là nhà ở, người dân thất nghiệp ở tỉnh sẽ tìm cơ hội việc làm ở các thành phố lớn dẫn tới sự quá tải về dân số kèm theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng như thiếu hụt chỗ ở. Chưa kể đến hệ sinh thái và môi trường ở thành phố cũng sẽ bị đe doạ: Càng nhiều nhà máy thì chất thải công nghiệp càng nhiều. Nếu thành phố không có chính sách xử lý rác phù hợp và kịp thời thì thành phố xanh chẳng mấy chốc mà thành bãi rác. An ninh xã hội cũng có thể bị đe dọa bởi các tệ nạn xã hội như trộm cắp, ma tuý,…..bởi không thể quản lý hết được lượng dân nhập cư vào thành phố để tìm kiếm việc làm.

Vòng luẩn quẩn lặp lại tạo nên tình trạng phân hóa giàu nghèo càng lớn, mất cân bằng xã hội trên cả nước. Tình trạng này đã và đang xảy ra ở Việt Nam và nếu không có cách khắc phục thì sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Bởi vậy, mới nói rằng vốn nhiều không bằng vốn được phân bố đồng đều. Ý thức được điều đó Chính phủ đang có các chính sách kích cầu kinh tế tại các địa phương như khai thác tiềm năng và nâng cao cơ sở vật chất ở các tỉnh nhà. Trong nỗ lực không ngừng nghỉ đó có thể kể đến thành tựu bứt phá ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian vừa qua. Quảng Trị từng là một tỉnh nghèo có GDP thấp nhất trong cả nước lại nổi tiếng khí hậu khắc nghiệt, đất đá khô cằn. Hiện nay, tỉnh đã có những bước chuyển mình đáng kể trong kinh tế với những dự án FDI hàng chục tỷ đồng mà nổi bật có thể kể đến Dự án điện gió Hải Lăng lên tới 2,3 tỷ USD mang lại “quả ngọt” cho nền kinh tế địa phương. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Quảng Trị tính đến 31/12/2021 có bước đột phá ấn tượng với 5.511,4 tỷ đồng, tăng 51,3% so với năm 2020. Năm 2022, tỉnh còn đặt mục tiêu cao hơn nữa với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt từ 6,5-7%, tổng thu ngân sách đạt 4.150 tỷ đồng.

 

Mô hình dự án điện gió Hải Lăng ở tỉnh Quảng Trị.

Nhìn lại tấm gương Quảng Trị, có thể thấy tỉnh này đang tự chứng minh tiềm năng của mình để có thể thu hút được vốn đầu tư FDI chứ không chỉ trông đợi vào sự phân bổ của Trung ương. Vốn đầu tư nước ngoài là một chuyện nhưng có biết sử dụng, quản lý, phát triển nguồn vốn đó hay không lại là một chuyện khác. Đặc biệt, làm gì để thu hút được vốn đầu tư FDI cũng là một câu hỏi mà Việt Nam và các địa phương cần tìm câu trả lời.

LS Lê

Bài mới
Đọc nhiều