Khi những chỉ dấu cải cách tư pháp bị soi dưới lăng kính phiến diện
Ngày 15/6 vừa qua, tại phiên họp thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu rằng: “Họ nói, chưa từng bao giờ thấy niềm tin tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ” và “Những sai lầm của tố tụng, sai lầm tư pháp đừng đổ lỗi cho những ĐBQH là làm rối. ĐBQH không bao giờ đi làm rối đất nước này”. Ngay sau phát biểu này đã có nhiều đại biểu khác và các cử tri đã có phản ứng.
Việc các đại biểu tranh luận chừng mực trước Quốc hội phản ánh bầu không khí chính trị dân chủ, văn minh. Hầu hết các ý kiến là khách quan, mang tính xây dựng. Nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc rất cụ thể.
Tuy nhiên, đại biểu Nhưỡng phát biểu phủ nhận mọi thành tựu của hệ thống tư pháp là chưa đúng. Nguy hiểm hơn, phát ngôn đã tạo cái cớ cho các thế lực phản động trong và ngoài nước lợi dụng để chống phá, hướng lái dư luận hiểu sai lệch bản chất vấn đề.
Thực ra, cái tâm của ông Lưu Bình Nhưỡng là tốt, nhưng phát biểu của ông chưa thực sự khách quan, khái quát vấn đề mà chỉ nhìn chằm chằm vào tiểu tiết, những khuyết điểm, hạn chế của một vài vụ việc để đánh giá toàn bộ. Dường như ông bỏ qua mọi sự cố gắng của ngành tư pháp, những thành tựu đáng kể mà cả hệ thống đã nỗ lực đạt được.
Một học sinh có thái độ hỗn hào thì không có nghĩa là lớp học đó toàn là học sinh hỗn hào và không thể đánh giá lớp học đó toàn khuyết điểm mà không có thành tích gì.
Đúng như đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), Chủ tịch Hội Luật gia, Ủy viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, bày tỏ: “Hoạt động tư pháp thời gian qua, tuy có cái sai, có việc này việc kia làm chưa tốt nhưng đại thể trong mấy chục năm nay cải cách tư pháp, đến bây giờ tôi vẫn khẳng định nền tư pháp có thành tựu, góp phần cho ổn định trật tự xã hội. Có như vậy chúng ta mới yên tâm trong vấn đề cho các cơ quan phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Nếu chúng ta chỉ có một vài vụ việc mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên”.
Kỳ thực, chúng ta không nên chỉ qua một vài trang giấy, cũng như một vài bình luận của báo để đưa ra nhận định thì thiếu cơ sở.
Không thể phủ nhận những thành tích nổi bật của ngành tư pháp
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, cải cách tư pháp đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Đặc biệt là về xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ, xây dựng các thể chế bổ trợ tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp.
Nhiều năm qua, Bộ, Ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng tại các Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phối hợp cùng các bộ, ngành giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 18 dự án luật.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan tư pháp Trung ương, sự giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều trường hợp đã được giải oan sau nhiều năm lâm cảnh tù tội, như vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Trần Văn Thêm…
Có một sự thật không thể chối cãi là những thành quả của ngành tư pháp Việt Nam. Nổi bật là đã thực hiện kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn là 99,99% (vượt chỉ tiêu 9,99%), tỷ lệ truy tố đúng tội danh là 99,9% (vượt 4,9%), tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Toà án chấp nhận là 78,6% (vượt 8,6%), kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm tăng 15,6%…
Đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và chủ động đề xuất, phối hợp triển khai áp dụng các biện pháp để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Số vụ án tham nhũng được khởi tố mới trong năm 2019 tăng 13,5% về số vụ, 32,8% số bị can; tỉ lệ thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt 47,32%.
Đặc biệt, số lượng án hình sự mà Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung tăng cao đã thể hiện thái độ rất kiên quyết, cẩn trọng của Tòa án trong xét xử để tránh những oan sai không đáng có. Vụ án Hoàng Công Lương ở Hòa Bình là một ví dụ điển hình. Tòa án đã mạnh dạn trả hồ sơ điều tra bổ sung đề nghị làm rõ nhiều tình tiết vụ án. Từ đó, CQĐT đã khởi tố thêm được một số bị can liên quan đến vụ án này mà giai đoạn điều tra trước đó chưa làm rõ…
Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…
Sơ bộ về những thành tựu nổi bật của ngành tư pháp để thấy rõ chúng ta không nên phủ nhận hoàn toàn những thành quả đó càng không nên phiến diện rằng hoạt động của cơ quan tư pháp thời gian gần đây là tệ hại. “Những phần nổi của tảng băng” đang bào mòn niềm tin của người dân vào nền tư pháp, do đó chúng ta cần hết sức cảnh giác, vì hiện nay các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá.
Hải Anh
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)