Đừng biến bảo tàng thành những “không gian chết”
Được đầu tư xây dựng lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng cho đến thời điểm hiện tại nhiều Bảo tàng ở nước ta gần như không hoạt động, vào có rất ít khách thăm quan. Trong khi bảo tàng là một thiết chế văn hóa. Do vậy, bảo tàng là thước đo đẳng cấp văn hóa của một quốc gia, một thành phố. Ở Việt Nam bảo tàng đang bị lãng quên, trở thành “không gian chết”.
Đầu tư xây dựng bảo tàng thế nào cho đúng?
Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM vừa đề xuất thường trực UBND TP chấp thuận chủ trương chuyển vị trí xây dựng Bảo tàng TP.HCM từ khu đô thị mới Thủ Thiêm về công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc, Q.9, TP.HCM.
Trước đó, tháng 5-2015 và tháng 4-2017, Văn phòng UBND TP đã có thông báo về việc định hướng xây dựng Bảo tàng TP tại khu công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc, Q.9.
Lý do được đưa ra là: Bảo tàng TP.HCM mang tính chất tổng hợp về văn hóa – lịch sử; gắn liền với sự tồn tại và phát triển của khu vực Nam Bộ và lịch sử đất nước, con người Việt Nam.
Do đó, việc đầu tư xây dựng bảo tàng này tại khu công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc là phù hợp nhằm tạo sự kết nối để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa với các công trình khác như: khu tưởng niệm các vua Hùng, đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo tàng Thiên nhiên Nam Bộ… Những đặc trưng văn hóa của TP.HCM và khu vực phía Nam được quy tụ tại một quần thể.
Trước khi có thông báo trên, vào tháng 8-2011, Văn phòng UBND TP có thông báo thống nhất vị trí xây dựng bảo tàng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, theo đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm được UBND TP điều chỉnh, công trình Bảo tàng TP.HCM được bố trí tại lô đất có diện tích là 1,8ha.
Theo Sở Văn hóa – thể thao TP, diện tích khu đất này quá nhỏ không đủ để xây dựng công trình đảm bảo yêu cầu trưng bày theo đúng mục tiêu của bảo tàng; trong khi quy mô diện tích khu đất dự kiến xây dựng bảo tàng ở Q.9 là 8ha – cơ bản đáp ứng yêu cầu về không gian và tổ chức hoạt động của bảo tàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống bảo tàng Việt Nam đã và đang được củng cố, nâng cấp và phát triển với tổng số 149 bảo tàng (gồm 124 bảo tàng công lập và 25 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật (trong đó có nhiều bảo vật quốc gia và sưu tập hiện vật quý hiếm).
Thế nhưng, có quá nhiều bảo tàng hoành tráng nhưng vắng khách bởi thiếu đi cái hồn cốt thật sự của bảo tàng. Nhiều bảo tàng mỗi năm chỉ đón được vài chục lượt khách. Không ít nhà nghiên cứu chỉ ra bảo tàng ở ta mới chủ yếu dừng ở mức trưng bày hiện vật. Mà mục đích và giá trị của bảo tàng không chỉ có vậy, mà trong đó phải thể hiện được cái hồn cốt từ chính những hiện vật đó.
Tức là các hiện vật đó phải “biết nói”, kể được những câu chuyện thật sự, chuyển tải được những thông điệp cho khách xem và sâu xa hơn là con người đời sau. Thế nhưng các bảo tàng đã không làm được điều đó, dẫn đến tình trạng vắng như chùa… bà Đanh.
Với tư cách là nơi trưng bày và lưu trữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc hay một giai đoạn lịch sử nào đó nhằm mục đích giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về quá khứ, thì nhiều người còn định nghĩa một cách đơn giản, nhưng đầy ý nghĩa: “Bảo tàng là nơi lưu giữ ký ức”.
Đừng để bảo tàng biến thành “không gian chết”
Xã hội càng văn minh thì thư viện và bảo tàng càng ý nghĩa. Và trong xã hội văn minh, những giá trị vô hình luôn được đề cao và coi trọng hơn những giá trị vật chất hữu hình. Đó cũng là lý do vì sao ở nhiều nước, các tỉ phú thường chọn cách hiến tặng cho xã hội bằng việc xây dựng thư viện, bảo tàng hoặc trường học.
Nhưng ở Việt Nam, thì việc bảo tàng ra đời dư luận vẫn cần câu trả lời cho câu hỏi: Xây bảo tàng để làm gì? Nhan nhản các bảo tàng ở Hà Nội vẫn chưa đủ hiu quạnh hay sao?
So sánh với 8,5 triệu lượt khách/năm của Louve, thì con số 200.000 người/năm (kỷ lục) của Bảo tàng Dân tộc học quả là đáng tủi. Và còn đáng tủi hơn, khi đem so với Bảo tàng Hà Nội xây dựng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chi phí 2.000 tỷ đồng giờ chỉ làm đúng hai chức năng: Tổ chức đám cưới trong nhà và trưng bày cây cảnh ngoài sân.
Mà cũng đúng thôi, người ta không biết xem cái gì ngoài việc ngửa cổ nhìn mái vòm tráng lệ của ngôi nhà 2.000 tỷ đồng ấy. Chúng ta hì hục xây một bảo tàng mà không tính đến cái ruột của nó, chạy theo dự án xây dựng nhà gọi là bảo tàng mà không biết nó sẽ chứa những gì ở bên trong, mà dù có thì những hiện vật cũng được trưng bày như bày hàng xén.
Các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay có điểm chung quá thấp về đẳng cấp, tiêu điều về nghiên cứu giáo dục và uể oải về hoạt động. Lẽ ra phải là các lâu đài văn hóa ở trung tâm thì bảo tàng ở Việt Nam còn là một thứ xa xỉ – xập xệ nằm ngoài rìa đời sống xã hội”.
Tính khoa học và nguyên bản độc đáo của việc sưu tầm hiện vật là xương sống của bảo tàng. Nhưng ở đó vắng bóng nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh cũng không làm việc ở đây, thay vào đó chỉ có các “ông từ giữ đền”.
Và người ta cũng chán khi thay vì đến để chiêm ngưỡng, tìm tòi các tác phẩm, di vật độc bản chỉ nhìn thấy những bản chép nhan nhản có thể thấy ở nhiều nơi khác nhau.
Để bảo tàng trở thành điểm thu hút khách trong và ngoài nước, các đơn vị quản lý ngành văn hóa cần có những đầu tư nhiều hơn nữa cho bảo tàng. Về phần mình, các bảo tàng cần đặc biệt chú trọng đến đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên – những người thổi hồn cho bảo tàng.
Bảo tàng sinh động, hấp dẫn hay tẻ nhạt, đơn điệu một phần quan trọng nhờ vào đội ngũ hướng dẫn viên. Bảo tàng nào cũng mong muốn có đông khách đến tham quan, tuy nhiên, nếu không sớm khắc phục những hạn chế nêu trên thì cảnh đìu hiu, vắng khách sẽ còn tiếp diễn.
Phạm Minh Hà