Đừng bao biện cho cái ác bằng “áp lực nghề nghiệp”
Đành rằng giáo viên là nghề nhiều áp lực nhưng không thể lấy áp lực để ngụy biện cho hành vi bạo hành những đứa trẻ không có khả năng tự vệ.
Sự việc cô giáo mầm non ở Thái Bình thừa nhận dùng gai bưởi để châm học sinh như “giọt nước tràn ly” khiến dư luận thêm phẫn nộ. Trước đó, dư luận cũng từng rúng động bởi thông tin một giáo viên trường mầm non S.O.S (Mai Dịch, Hà Nội) bị tố đánh chấn thương não một học sinh vì lấy đồ chơi của bạn vào năm 2013.
Từ đó đến nay đã gần 10 năm nhưng đáng buồn là số vụ bạo hành, ngược đãi học sinh ngày càng gia tăng. Thậm chí, năm 2021, một giáo viên trường mầm non ở xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư còn bị khởi tố về hành vi bạo hành đứa trẻ chỉ mới 15 tháng tuổi.
Thẳng thắn nhìn nhận, làm giáo viên đã áp lực mà giáo viên mầm non còn khủng khiếp hơn. Theo tính toán, mỗi giáo viên mầm non phải dành 10 giờ/ngày để thực hiện được các yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường và thêm khoảng 2 giờ/ngày để làm đồ dùng dạy học. Như vậy, mỗi năm giáo viên mầm non phải làm thêm hơn 700 giờ trong khi quy định là không quá 200 giờ/năm. Bên cạnh đó, căn nguyên sâu xa còn là việc tuyển chọn giáo viên, đặc biệt đối với giáo viên mầm non các trường ngoài công lập hay nhóm trông giữ trẻ không khắt khe đầu vào.
Chính vì thế, hơn lúc nào hết đội ngũ giáo viên nhất là các trường ngoài công lập cần được bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, tuyển chọn và sàng lọc kỹ. Người làm trong ngành giáo dục phải có tâm với nghề, lòng yêu thương đối với trẻ. Điều quan trọng là cần phải xử lý thật nghiêm những trường hợp giáo viên bạo hành, ngược đãi trẻ mầm non dựa vào mức độ vi phạm và tốt nhất là cho họ chuyển ngành. Và điều cần nhất là cần phải khơi thông tư tưởng, không phải vì áp lực nghề nghiệp mà có quyền hành hạ người khác.
Công Luân