“Từ 15/8 đến 15/9, TP.HCM cách ly xã hội triệt để ngăn chặn được lây nhiễm từ nhà này sang nhà khác, song không ngăn chặn được lây nhiễm trong gia đình”, theo GS Nguyễn Thiện Nhân.
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 ở Việt Nam bắt đầu từ 13/5 đến nay đã qua mốc 100 ngày. Người dân rất quan tâm bao giờ dịch đạt đỉnh, bao giờ hết dịch, chúng ta cần làm gì để dịch kết thúc sớm?
Cách cò giới thiệu bài viết của GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM về nội dung này.
Ngày 11/3/2020, khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố dịch Covid-19 đã mang tính chất dịch toàn cầu, thì bình quân trên 1 triệu người dân có gần 10 người đang đuợc điều trị Covid-19.
Chúng tôi sử dụng chỉ số 10 người đang được điều trị/1 triệu dân như ngưỡng có dịch của một nước, địa phương. Không có công thức nào cho phép tính ra thời gian dịch đạt đỉnh và sẽ kết thúc.
Song, bằng cách phân tích kỹ diễn biến của 4 làn sóng lây nhiễm ở Việt Nam, phân tích kỹ diễn biến dịch ở 4 địa phương Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM, kết hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta có thể có được các gợi ý ít nhiều có cơ sở thực tiễn và khoa học để hình dung phần nào về diễn biến dịch ở TP.HCM sau 25/8.
Sự khác biệt của làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam
Sử dụng chỉ số “số người đang được điều trị Covid-19” của một địa phương để theo dõi diễn biến dịch, ta thấy từ năm 2020 đến tháng 4/2021, Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm với một số đặc trưng:
– Số người phải được điều trị tối đa trong 3 làn sóng lây nhiễm này là 169 (làn sóng 1), 492 (làn sóng 2) và 720 (làn sóng 3) đều thấp hơn ngưỡng có dịch của Việt Nam với dân số 97,6 triệu người là 976 người đang điều trị. Tức là chúng ta trải qua 3 làn sóng lây nhiễm, song với tư cách một quốc gia, Việt Nam có lây nhiễm, nhưng chưa có dịch Covid-19. Cho đến tháng 4/2021, chúng ta thuộc nhóm 23 nước chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới.
– Làn sóng lây nhiễm thứ 1 và thứ 2 diễn ra trong khoảng 2 tháng (59 ngày), còn làn sóng thứ 3 kéo dài 2 tháng 1 tuần (68 ngày).
– Thời gian các làn sóng giảm từ đỉnh xuống mức bình thường là 37 ngày và 38 ngày với làn sóng 1 và 2, 48 ngày với làn sóng 3. Tức là thời gian lây nhiễm xã hội giảm về bình thường (số người đang điều trị giảm từ đỉnh xuống thấp nhất) bằng 1,7 lần đến 2,4 lần thời gian lây nhiễm xã hội tăng từ thấp đến đỉnh.
Đến làn sóng thứ 4, tình hình đã khác hẳn về chất.
– Từ khi làn sóng thứ 4 bắt đầu, 13/5/2021, khi tổng số người đang điều trị Covid-19 ở Việt Nam là 984 người, vượt ngưỡng có dịch 976 người, đến nay đã qua 100 ngày (21/8). So với thời gian đạt đỉnh của 3 làn sóng lây nhiễm trước (21 ngày) thì đã kéo dài gấp 5 lần, song sóng lây nhiễm lần thứ 4 chưa đạt đỉnh.
– Số người đang điều trị (ĐĐT) đến 24/8 là hơn 200.000, tuy chưa đạt đỉnh, song đã gấp 190 lần ngưỡng có dịch của Việt Nam và gấp 285 lần đỉnh của làn sóng thứ 3 (720 người điều trị)
– Do chưa đạt đỉnh dịch nên không thể dự báo thời gian làn sóng thứ 4 này kéo dài bao lâu.
Tuy nhiên, việc dự báo thực tế khi nào dịch kết thúc sẽ không chính xác vì trong làn sóng thứ 4 có các yếu tố tác động ngược chiều nhau đến thời gian dịch kéo dài. Khi chúng ta đã tiêm vaccine được cho hơn 70% dân số thì nhiều khả năng thời gian trở lại trạng thái bình thường sẽ ngắn hơn.
Việc đỉnh làn sóng thứ 4 (số người đang điều trị hiện nay là hơn 200.000) sẽ lớn hơn rất nhiều đỉnh làn sóng thứ 3 (720 người) sẽ kéo dài thời gian số người đang điều trị giảm dần về mức bình thường mới.
Từ nay đến 11/2021, do chưa thể tiêm vaccine đủ 2 liều cho 70% dân số cả nước cộng với tính chất của chủng Delta, nên chưa đủ cơ sở để dự báo lúc nào dịch kết thúc, dù nhiều địa phương đã thực hiện cách ly xã hội nhiều tuần.
Từ các phân tích đặc điểm diễn biến lây nhiễm và dịch của Việt Nam và 4 tỉnh, thành phố có thể rút ra các nhận xét sau:
1. Ba làn sóng lây nhiễm đầu tiên của Việt Nam đều có đỉnh thấp hơn ngưỡng có dịch Covid-19 của Việt Nam (976 người ĐĐT), thời gian (T) làn sóng đạt đỉnh Tlên khá giống nhau (20-21 ngày), thời gian lây nhiễm giảm từ đỉnh về bình thường Txuống (37 ngày đến 48 ngày) đều lớn hơn Tlên, tỷ lệ Txuống/Tlên từ 1,7 đến 2,4. Thời gian 3 làn sóng lây nhiễm diễn ra khá tương đồng là 2 tháng đến 2 tháng 1 tuần lễ (59 đến 68 ngày).
2. Làn sóng lây nhiễm thứ 4 của Việt Nam là làn sóng dịch Covid-19, với các chỉ số khác hẳn: Sau 100 ngày (gấp 5 lần Tlên của 3 làn sóng trước) vẫn chưa đạt đỉnh, số người ĐĐT rất lớn (hơn 200.000 người) gấp 285 lần đỉnh làn sóng thứ 3 (720 người), số người chết tăng rất cao: Làn sóng thứ 1 không có người chết, đến làn sóng thứ 2 có 35 người chết, làn sóng thứ 3 chỉ có 1 người chết, làn sóng thứ 4 đến nay đã hơn 8.700 người chết, gấp hơn 240 lần số người chết 3 làn sóng trước cộng lại.
Đến 15/9, số người chết trong làn sóng thứ 4 có thể hơn 10.000 người. Hiện nay chưa thể dự báo được làn sóng lây nhiễm thứ 4 – làn sóng dịch đầu tiên của Việt Nam sẽ kéo dài bao lâu, vì dịch chưa đạt đỉnh và có nhiều yếu tố chi phối trái chiều diễn biến dịch. Một khả năng là dịch sẽ kéo dài hơn 250 ngày, gấp 4 lần các làn sóng trước và dịch sẽ kết thúc (khi số người ĐĐT không quá 1.000 người) vào tháng 12/2021.
3. Dịch Covid-19 ở 4 địa phương Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM thể hiện sự thay đổi lớn của diễn biến dịch ở các tỉnh, thành phố trong làn sóng thứ 4 so với các làn sóng trước.
Dịch ở Đà Nẵng (dân số 1,17 triệu người) có đỉnh là 281 người ĐĐT (240 người ĐĐT/1 triệu dân), gấp 23 lần ngưỡng có dịch của Đà Nẵng (12 người ĐĐT), kéo dài gần 2 tháng (56 ngày). Tỉ lệ Txuống/Tlên = 1,95.
Dịch ở Bắc Giang (dân số 1,84 triệu người) có đỉnh là 4.283 người ĐĐT (2.328 người ĐĐT/1 triệu dân), gấp 225 lần ngưỡng có dịch của Bắc Giang (19 người ĐĐT), đến nay đã kéo dài 103 ngày mà chưa kết thúc (số người ĐĐT tính đến ngày 20/8 là 930 người, gấp 49 lần ngưỡng có dịch).
Dịch ở Bắc Ninh (dân số 1,42 triệu người) có đỉnh là 991 người ĐĐT (698 người ĐĐT/1 triệu dân), gấp 66 lần ngưỡng có dịch của Bắc Ninh (15 người ĐĐT), đã kéo dài 107 ngày mà chưa kết thúc (số người ĐĐT ngày 20/8 là 514 người, gấp 34 lần ngưỡng có dịch).
Ở Bắc Giang, tại điểm uốn U, vào ngày 29/7, số người ĐĐT là 1.158 người, bằng 27% đỉnh dịch (4.283 người ĐĐT), song vẫn gấp hơn 60 lần ngưỡng có dịch của Bắc Giang (19 người ĐĐT). Ngày 10/8, số người ĐĐT giảm còn 903 người, song sau đó lại tăng lên, ngày 20/8 là 930 người ĐĐT.
Chính vì xuất hiện điểm uốn phải U mà dịch ở Bắc Giang đã kéo dài 103 ngày, song chưa biết bao giờ kết thúc (số người ĐĐT dưới 19 người). Với Bắc Ninh, điểm uốn U xuất hiện ngày 20/7, với 471 người ĐĐT, bằng 48% đỉnh dịch (991 người ĐĐT), song vẫn gấp hơn 30 lần ngưỡng có dịch của Bắc Ninh (15 người ĐĐT). Sau 107 ngày vẫn chưa biết bao giờ dịch ở Bắc Ninh kết thúc (số người ĐĐT dưới 15 người).
Từ hiện tượng xuất hiện điểm uốn phải trong dịch của Bắc Giang và Bắc Ninh, có thể dự báo diễn biến dịch của TP.HCM cũng có thể có điểm uốn phải, nhất là khi đỉnh dịch của TP.HCM sẽ cao hơn Bắc Giang nhiều (số người ĐĐT/1 triệu dân ở TP.HCM hiện nay là trên 8.600, gấp hơn 3,7 lần đỉnh dịch của Bắc Giang, 2.328 người ĐĐT/1 triệu dân). Tức là khả năng dịch kéo dài sau khi đạt đỉnh ở TP.HCM sẽ cao.
Từ 1/8 đến 18/8, TP.HCM đã xét nghiệm quá ít
Do dịch ở TP.HCM chưa đạt đỉnh nên không có cơ sở để xem xét diễn biến dịch sau khi đạt đỉnh, trừ việc dự báo có thể có điểm uốn phải khi dịch giảm dần, làm thời gian dịch kéo dài.
Xem xét diễn biến dịch ở TP.HCM trong giai đoạn vừa qua, ta thấy có một điểm khác thường so với diễn biến dịch ở Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh. Ở giai đoạn dịch tăng dần, chưa đạt đỉnh, tại Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh cũng như các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, số người ĐĐT tăng dần từ thấp lên cao, đến khi đạt đỉnh, theo một đường trơn, không có gãy khúc, cũng tương tự như diễn biến dịch của cả nước ở 3 làn sóng lây nhiễm trước. Tuy nhiên, tại đồ thị số người ĐĐT của làn sóng dịch TP.HCM chúng ta thấy xuất hiện điểm uốn U phía bên trái.
Sau ngày 28/7, khi số người ĐĐT là 56.959 người, thì đồ thị số người ĐĐT không tiếp tục đi lên theo xu hướng chung đã quan sát được ở các tỉnh, thành phố khác, đoạn U-A, mà lại rẽ sang phải. Tức là số liệu thống kê số người ĐĐT thấp hơn là số người ĐĐT phải có theo “quy luật” chung ở các tỉnh, thành phố khác. Đây là tín hiệu vui vì chống dịch ở thành phố hiệu quả cao, hay có một ý nghĩa khác phải được phân tích rõ để có giải pháp cần thiết phù hợp.
Số người ĐĐT ở các bệnh viện phụ thuộc vào số người nhiễm mới mỗi ngày (F0) được phát hiện và đưa vào bệnh viện và số người khỏi bệnh ra khỏi bệnh viện. Khi số F0 mới được đưa vào các bệnh viện và khu cách ly thì số người ĐĐT sẽ tăng và nếu có người khỏi bệnh được đưa ra khỏi bênh viện thì sẽ làm số ĐĐT giảm.
Việc số người được phát hiện là F0 và đã vào các cơ sở điều trị ở TP.HCM thấp hơn xu hướng chung của dịch ở các địa phương khác đặt ra câu hỏi: Thành phố đã xét nghiệm đủ mức cần thiết để phát hiện được hầu hết F0 chưa?
Theo tìm hiểu sơ bộ, cho đến nay, ngành y tế chưa có hướng dẫn các tỉnh, thành phố, phải xét nghiệm với quy mô thế nào so với dân số, để không để sót nhiều F0 mà lại không gây lãng phí, do đó các địa phương lúng túng trong việc xác định phải xét nghiệm bao nhiêu, ở đối tượng nào.
Từ đó dẫn tới 2 xu hướng: Xét nghiệm quá nhiều, gây lãng phí và mất thời gian dành cho triển khai các giải pháp khác và xét nghiệm quá ít, để sót F0 không được phát hiện và đưa đi cách ly, làm cho lây nhiễm cộng đồng diễn ra âm thầm, không được ngăn chặn.
Về vấn đề này, ngày 12/5/2020 Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo: “Tỷ lệ xét nghiệm dương tính từ 3 đến 12% (3 đến 12% số người được xét nghiệm là dương tính với Covid-19) được coi là một chỉ số thể hiện các quốc gia đang xét nghiệm đủ số người cần thiết”.
Có nghĩa là nếu tỷ lệ dương tính dưới 3%, thì việc xét nghiệm có quy mô quá lớn, không cần thiết, có thể giảm. Còn nếu tỷ lệ dương tính trên 12% thì việc xét nghiệm có quy mô quá nhỏ, cần phải tăng thêm.
Khi đã xác định được tương đối chính xác số F0 qua xét nghiệm trên địa bàn, từ đó tính tỷ lệ F0 phát sinh mỗi ngày/100.000 dân thì sẽ có cơ sở để xác định mức độ dịch lây lan trên địa bàn. Chúng ta cố gắng làm rõ, đối chiếu với khuyến cáo này của Tổ chức Y tế Thế giới thì việc xét nghiệm ở TP.HCM trong đợt dịch này có đáp ứng hay không?
Hình 1 cho thấy số xét nghiệm được thực hiện bình quân mỗi ngày trong các quãng thời gian có số lượng xét nghiệm mỗi ngày gần với nhau (nếu số liệu từ các nguồn khác nhau có khác nhau thì lấy số trung bình của 2 số liệu để tính toán), số lượng F0 mới được phát hiện bình quân mỗi ngày và tỷ lệ dương tính bình quân mỗi ngày.
Theo đó bình quân từ 5/7 đến 8/7, mỗi ngày có 306.559 xét nghiệm; từ 9/7 đến 13/7 có 103.461 xét nghiệm mỗi ngày; từ 14/7 đến 22/7 có 147.518 xét nghiệm mỗi ngày; từ 23/7 đến 30/7 có 95.004 xét nghiệm mỗi ngày; từ 1/8 đến 10/8 có 29.151 xét nghiệm mỗi ngày và từ 11/8 đến 18/8 có 22.140 xét nghiệm mỗi ngày.
Tức là số lần xét nghiệm bình quân mỗi ngày trong vòng một tháng vừa qua ở TP.HCM thay đổi rất lớn. Đầu 7/2021, khi số ca nhiễm F0 mới còn thấp (bình quân 724 F0 một ngày) thì có tới hơn 300.000 xét nghiệm mỗi ngày, còn trong 18 ngày đầu tháng 8/2021, khi số ca nhiễm mới đã ở mức cao (bình quân trên dưới 3.800 F0 mỗi ngày), thì bình quân mỗi ngày chỉ có 29.151 xét nghiệm (1-10/8) và 22.140 xét nghiệm (11-18/8).
Đây rõ ràng là điều bất hợp lý khi số ca F0 mới bình quân mỗi ngày tăng hơn 5 lần (724 ca từ 5/7 đến 8/7 lên khoảng 3.800 ca từ 1/8 đến 18/8), số xét nghiệm bình quân mỗi ngày lại giảm hơn 10 lần (từ hơn 300.000 xét nghiệm còn khoảng hơn 29.000).
Tức là nguy cơ bỏ sót rất nhiều ca F0 là rất lớn. Tỷ lệ dương tính bình quân của các giai đoạn xét nghiệm từ đầu 7/2021 đến giữa 8/2021 tăng liên tục từ 0,24% lên 17,37%.
Đối chiếu với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì từ 5/7 đến 22/7, khi tỷ lệ dương tính dưới 3%, thì có nghĩa là quy mô xét nghiệm quá lớn, có thể giảm. Còn từ 1/8 đến nay, tỷ lệ dương tính là 14,15% đến 17,37%, đã vượt mức 12% dương tính được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra làm tiêu chí là mức xét nghiệm hợp lý.
Có nghĩa là từ ngày 1/8 đến 18/8, TP.HCM đã xét nghiệm quá ít, để sót rất nhiều F0 trong cộng đồng. Phải tăng số xét nghiệm đến khi nào tỷ lệ dương tính dưới 12% thì số F0 được phát hiện mới được coi là tương đối đầy đủ.
Chẳng hạn, nếu số xét nghiệm mỗi ngày không phải ở mức 22.140-29.151 như thực tế đầu 8/2021, mà ở mức khoảng 100.000 (như từ 23/7đến 31/7.2021), thì số ca F0 được phát hiện mỗi ngày đã cao hơn nhiều mức khoảng 3.800 ca như đã công bố từ 1/8 đến nay.
Đây chính là điều lý giải cho hiện tượng có điểm uốn trái U, trong đồ thị số người ĐĐT của làn sóng dịch TP.HCM hiện nay. Nếu thành phố xét nghiệm từ cuối 7/2021 đến nay ở mức cao cần thiết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, thì số ca F0 phát hiện sẽ phải cao hơn, do đó số người ĐĐT sẽ cao hơn không phải như đã công bố, mà theo xu hướng chung là đường U-A.
Hiện nay, chính số F0 chưa được phát hiện này (có thể đến hơn 10.000) đang lây nhiễm tiếp tục dù đã được đưa vào các khu cách ly hay đang ở nhà.
Vì vậy, khi từ 15/8 đến 15/9, TP.HCM thực hiện cách ly xã hội triệt để chúng ta sẽ ngăn chặn được lây nhiễm từ nhà này sang nhà khác, quận này sang quận khác, song không ngăn chặn được tiếp tục lây nhiễm trong các gia đình, khi trong nhà có 1 F0 chưa được phát hiện.
Ngày 13/8, lãnh đạo Bộ Y tế đã đánh giá hiện nay ở TP.HCM, số xét nghiệm được thực hiện chủ yếu tại các đối tượng có triệu chứng nhiễm Covid-19 rõ. Nếu lấy xét nghiệm rộng hơn, số ca mắc trong cộng đồng có thể cao gấp 4-5 lần số đã ghi nhận và công bố. Theo ý kiến này, đồ thị số người đang điều trị ở TP.HCM sau 1/8 lệch sang phải, có điểm uốn trái, là không phản ánh đúng số ca nhiễm F0 mỗi ngày và cần phải được đưa đi điều trị phù hợp.
Trong khi việc “đếm” số F0 phát sinh mỗi ngày qua xét nghiệm có thể có sai sót do xét nghiệm quá ít, thì việc đếm số ca bị chết có thể coi là chính xác, giúp ta hình dung số F0 thực tế. Đến 20/8, TP.HCM đã có 6.349 người chết vì Covid-19.
Nếu lấy tỷ lệ chết bình quân của cả nước là 2,36% tổng số người đã nhiễm (F0) làm cơ sở, số người đã nhiễm Covid-19 ở TP.HCM sẽ tương ứng 269.025 (6.349/2,36%), lớn hơn 90.000 F0 so với số 173.781 F0 đã ghi nhận và công bố.
Khả năng diễn biến dịch ở Covid-19 ở TP.HCM sau 25/8
– Việc thực hiện cách ly xã hội triệt để từ 15/8 đến 15/9 sẽ làm số ca F0 mới giảm rất mạnh so với trước, song không làm giảm sự lây nhiễm tại các gia đình do đã có rất nhiều F0 không được phát hiện thời gian qua vì xét nghiệm quá ít.
Nếu không xét nghiệm gộp rộng rãi các gia đình, nhất là ở các địa bàn vừa qua có tỷ lệ lây nhiễm cao trên 100.000 dân, để phát hiện các gia đình có F0 này, mà chỉ căn cứ số F0 được phát hiện đã giảm rồi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch quá sớm thì sẽ làm dịch tiếp tục kéo dài sau 15/9.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ khi nào tỷ lệ dương tính của địa phương, lãnh thổ nhỏ hơn 5% trong ít nhất 14 ngày thì việc nới lỏng mạnh mẽ kiểm soát dịch mới có thể an toàn.
– Do vừa qua xét nghiệm không đầy đủ nên số F0 cần điều trị phù hợp ngày 20/8 không phải là 79.867 như thông tin đã công bố mà nhiều hơn.
Như vậy nguồn các F0 trở thành bệnh trung bình và nặng cần được điều trị (khoảng 20% số F0 hiện hành) sẽ cao hơn là dự kiến hiện nay. Các bệnh viện và trung tâm điều trị Covid-19 sẽ tiếp tục phải làm việc với cường độ cao đến 15/9 hoặc lâu hơn nữa. Việc sử dụng các thuốc điều trị Covid-19 sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.
– Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng và Chính phủ, gần 80% người dân trên 18 tuổi ở thành phố đã được tiêm 1 mũi vaccine, qua đó giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong với người đã tiêm phòng. Cùng cả nước, khi thành phố hoàn thành tiêm mũi thứ 2 cho 80% người dân từ 18 tuổi trở lên thì sẽ có khả năng kết thúc dịch.
– Từ khi có dịch ở TP.HCM (29/5) đến 15/9 là 110 ngày. Hàng triệu hộ gia đình đã bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng qua, rất nhiều doanh nghiệp phải giảm hoặc ngừng hoạt động.
Duy trì cuộc sống của hơn 10 triệu người dân và duy trì khả năng hoạt động của gần 300.000 doanh nghiệp ở TP.HCM, khi một khả năng là dịch có thể kết thúc vào 12/2021, đòi hỏi ngay từ bây giờ phải xây dựng các kịch bản đảm bảo an sinh, an toàn, trật tự xã hội, bảo vệ năng lực kinh tế của quốc gia và TP.HCM từ nay đến hết quý I/2022.
Từ bài học của TP.HCM, các địa phương đang có dịch nên khẩn trương rà soát quy mô xét nghiệm và tỷ lệ dương tính của mình và điều chỉnh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới để phát hiện kịp thời hầu hết số F0 và có cách xử lý hợp lý nhất.
GS Nguyễn Thiện Nhân