+
Aa
-
like
comment

Đồng tiền khôn sẽ góp phần ổn định kinh tế Việt Nam năm 2023

Phạm Khoa - 12/01/2023 17:11

Cuối tháng 12/2022, nhân “Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến an ninh tiền tệ, cũng như nhiệm vụ kiểm soát tốt lạm phát, và tăng trưởng tín dụng để góp phần giữ ổn định cho nền kinh tế Việt Nam.

Chế biến tôm xuất khẩu.

Năm 2022 là năm đầy thử thách với kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Nếu như hai năm 2020-2021, Covid-19 chủ yếu tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, thì năm 2022, với cuộc xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng quy mô toàn cầu đã khiến chuỗi cung ứng chưa được phục hồi bị đứt gãy nghiêm trọng, đẩy nhiều nền kinh tế quan trọng rơi vào cảnh suy thoái.

Do độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá lớn nên những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng được nhìn thấy rất rõ, khi giá cả hàng hóa tăng cao, tình trạng người lao động mất việc, thất nghiệp càng lúc càng nhiều, hàng loạt doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hoặc đã ngừng sản xuất.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành khá hiệu quả giai đoạn sáu tháng cuối năm 2022, khi đã áp dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.

Trong hội nghị, sau khi lắng nghe các phân tích, kiến nghị của nhiều chuyên gia kinh tế, cũng như lãnh đạo các tổ chức tín dụng lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoan nghênh nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vai trò của NHNN.

Ý Kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong dịp này đặc biệt xoay quanh vấn đề an ninh tiền tệ, và việc áp dụng hiệu quả các công cụ, chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, hậu thuẫn cho sự phát triển đúng hướng của nền kinh tế.

Để làm tốt việc này, ngành ngân hàng phải cùng lúc làm rất nhiều việc, như chuyển đổi số, đảm bảo an toàn an ninh mạng, minh bạch hóa các quan hệ tín dụng, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng dựa vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành, chứ không cào bằng…

Với những điều chỉnh trong định hướng cho vay, đối tượng vay cũng sẽ dần tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, với các ngành nghề đem lại giá trị thặng dư lớn cho xã hội.

Năm 2023, tín dụng sẽ ưu tiên cho các lĩnh vực như: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Đây là các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Bất động sản vẫn sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt, để hạn chế thấp nhất nạn đầu cơ, vốn đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng của nền kinh tế. Ngân hàng năm nay sẽ dành ưu đãi cho hoạt động xây dựng khu công nghiệp, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp, tính thanh khoản cao.

Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ phải rất linh hoạt để ứng biến với những bất ổn của kinh tế thế giới, nhưng doanh nghiệp cũng sẽ được tạo điều kiện để có được chi viện hợp lý hơn từ các kênh thu hút vốn quan trọng khác, như: trái phiếu, chứng khoán, đầu tư công.

Đã đến lúc, kinh tế vĩ mô nên được củng cố từ chính ý thức vượt khó của doanh nghiệp, khi chủ động tìm nguồn vốn, mà không phụ thuộc hoàn toàn vào kênh tín dụng ngân hàng, vốn dĩ luôn gặp khó với các khoản cho vay được hình thành từ các khoản vay ngắn và trung hạn.

Năm 2023, NHNN và hệ thống các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong cả nước được nhìn nhận sẽ dùng tiền hiệu quả hơn, đem lại nhiều giá trị bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều