Động thái cứng rắn của Bộ Giao thông vụ “ông lớn” đường sắt kêu “sập nguồn”
Bộ Giao thông vận tải cho biết phải có sự đồng ý của Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ thì mới giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thụ hưởng kinh phí nguồn sự nghiệp kinh tế năm 2021.
Thông tin trên được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nêu ra trong báo cáo vừa gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 22/4 về việc triển khai xây dựng Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Vướng mắc do “chuyển nhà”
Về giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt, Bộ GTVT nêu rõ: Từ ngày 29/9/2018 trở về trước, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Do đó, Bộ giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho VNR để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (KCHTĐS).
Sau ngày 29/9/2018, chức năng đại diện chủ sở hữu đối với VNR được chuyển từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, theo quy định của Nghị định số 131/2018 ngày 29/9/2018 của Chính phủ.
Năm 2019, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho VNR để thực hiện công tác bảo trì KCHTĐS quốc gia do dự toán năm 2019 đang trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi Nghị định số 131/2018 có hiệu lực.
Năm 2020, Bộ Tài chính có văn bản chỉ ra rằng Bộ GTVT giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho VNR là không phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 163/2016 của Chính phủ (vì VNR không phải hộ ngân sách trực thuộc Bộ GTVT).
Để giải quyết tạm thời vấn đề nêu trên, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về giao dự toán cho VNR năm 2020 như năm 2019 trở về trước. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 125 ngày 25/3/2020: “Bộ GTVT chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện bố trí, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từ năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật.”
“Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc giao dự toán, đến nay, Bộ GTVT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác bảo trì đường sắt năm 2021” – Bộ GTVT nêu trong báo cáo. Đồng thời, Bộ cho biết quá trình triển khai xây dựng Đề án và thực hiện công tác bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2021 còn một số ý kiến khác nhau giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ GTVT.
Bộ GTVT cũng nêu rõ quan điểm giao VNR quản lý sử dụng tài sản KCHTĐS quốc gia trong thời gian 5 năm (2021-2025) là khoảng thời gian phù hợp để Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), VNR thực hiện các nội dung như: Hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, khai thác, kinh doanh tài sản KCHTĐS quốc gia; kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục ĐSVN cho phù hợp để quản lý tài sản KCHTĐS quốc gia. Bộ Tài chính đã thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT.
Chờ phát lệnh
Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, việc Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia cho VNR để tổ chức thực hiện là không trái với quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời, không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu.
Tuy nhiên, Bộ GTVT dẫn lại quan điểm của Bộ Tài chính nêu bằng văn bản rằng việc giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia cho VNR là không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước.
Bộ GTVT cho biết thống nhất ý kiến của Bộ Tài chính việc giao dự toán bảo trì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách Nhà nước và đã thực hiện nghiêm Nghị quyết số 41 ngày 09/4/2020 của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
“Trường hợp năm 2021 giao VNR thụ hưởng kinh phí nguồn sự nghiệp kinh tế năm 2021 thì tiếp tục phải có sự đồng ý của Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ” – Bộ GTVT nhấn mạnh và cho biết hiện tại còn nhiều ý kiến khác nhau giữa Bộ Tư pháp và các Bộ quản lý chuyên ngành; các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, cơ chế đặt hàng bảo trì KCHTĐS quốc gia, cũng như việc VNR chưa phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình triển khai thực hiện công tác bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2021.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp thống nhất ý kiến giữa các Bộ, ngành và xem xét các tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, quyết định phê duyệt Đề án làm căn cứ để triển khai, thực hiện.
Châu Như Quỳnh