+
Aa
-
like
comment

Động lực để tăng tốc cho phục hồi và phát triển

Thành An - 02/04/2024 16:21

Từng là câu chuyện đau đầu của năm 2023 khi nhiều địa phương, nhiều bộ ngành có mức giải ngân vốn đầu tư công không đạt theo kế hoạch được giao, thậm chí dư luận lên tiếng trước thông tin hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công “nằm chờ” tại các ngân hàng trong bối cảnh kinh tế có phần suy giảm. Thế nhưng nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể Chính phủ, cùng những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, đi theo đó là mức tăng trưởng GDP Quý 1 đạt hiệu quả cao nhất trong 4 năm cùng kỳ.

Những chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 được Trung ương, Quốc hội giao.

Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế – xã hội; xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Hai là, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ; việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công.

Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể, cá nhân liên quan.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Ba là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2024 trước báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng tháng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải ngân hằng tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt, phê bình các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy phân bổ, giải ngân các dự án đầu tư công và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

Bốn là, Bộ Tài chính, chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

Năm là, các Bộ, cơ quan chủ chương trình mục tiêu quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc) rà soát các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phân bổ, giải ngân vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan xử lý theo quy định; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền.

Nền kinh tế trông vào động lực đầu tư công

Trong bối cảnh tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng nội địa và cả xuất khẩu vẫn đang gặp nhiều khó khăn, để nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, phải trông vào động lực đầu tư công. Trên thực tế, điều này đã được khẳng định ngay từ đầu năm 2023, chứ không phải là tới bây giờ.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 1%, thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058%; giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Điểm sáng nổi bật, có ý nghĩa quan trọng, nâng cao năng lực, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong quý I/2024 đó là thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cùng với thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc.

Chính vì thế, nhiều năm gần đây, Chính phủ luôn nỗ lực để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các khuyến nghị từ các định chế quốc tế cũng nhấn mạnh điều này. “Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được đẩy nhanh hơn trong những tháng cuối năm. Tín hiệu tích cực là trong những tháng gần đây, hoạt động giải ngân tăng đáng kể”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã nói như vậy.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 8/2023 còn công bố một báo cáo riêng với chủ đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”. Trong báo cáo này, các chuyên gia của WB cho rằng, để kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công năm 2023. Và không chỉ là ngân sách đầu tư năm 2023, WB cho rằng, Việt Nam phải tập trung khai thác sức mạnh của đầu tư công để đưa nền kinh tế lên mức thu nhập cao hơn.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 10/2023, WB một lần nữa nhấn mạnh sức mạnh của đầu tư công trong hỗ trợ nền kinh tế. “Một lộ trình đầu tư mang tính chiến lược và được chuẩn bị tốt, tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi và mang tính khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững”, các chuyên gia của WB khuyến nghị.

Dấu hiệu tích cực những tháng đầu năm 2024

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và Chính phủ phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Hiện nhiều tỉnh, thành đã xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, từ đó có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công hai tháng năm 2024 đạt 8,7% tổng kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so cùng kỳ năm 2023.

Cùng với hiệu quả thúc đẩy động lực tăng trưởng, việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Qua đó, tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ…

Năm 2024 được xem là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhưng trên mức nền cao của năm 2023 với các dự án giao thông quan trọng được giải ngân vốn mạnh trong năm 2023 gồm: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông (32,5 nghìn tỷ đồng); hoàn thiện Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (10,8 nghìn tỷ đồng); chi bồi thường giải phóng mặt bằng Vành đai 4 – Hà Nội và Vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh (19,8 nghìn tỷ đồng),…

Tại tỉnh Đồng Nai, tỉnh bổ sung khoảng 4,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 cho các công trình, dự án trọng điểm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Trước đó, các dự án trọng điểm đã được bố trí hơn 1 nghìn tỷ đồng. Như vậy, năm 2024 nguồn vốn cho các dự án trọng điểm của Đồng Nai gần 6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2023.

Cùng khu vực Đông Nam Bộ, năm 2024 là thời điểm các công trình trọng điểm ở tỉnh Bình Dương bước vào giai đoạn cao điểm triển khai thi công, đồng thời cũng là năm thứ tư của kỳ kế hoạch 2021 – 2025. Do đó cần tập trung cho nhiều công trình dự án chuyển tiếp từ đầu nhiệm kỳ chuẩn bị hoàn tất, năm 2024 cũng là năm bắt đầu chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2026 – 2030.

Hiện tại, tiến độ các công trình trọng điểm cũng được đẩy nhanh thực hiện ở tỉnh Bình Dương như: khởi công được một số hạng mục thuộc dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, bố trí đủ vốn và đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13, đường ĐT.746,… Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư và nguồn vốn để thực hiện các công trình như đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành…

Bên cạnh đó, nhiều dự án quan trọng khác đang được triển khai các bước đầu tư như: Dự án đường ven sông Sài Gòn, nút giao Sóng Thần, nâng cấp mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần, xây dựng hầm chui tại nút giao Ngã 5 Phước Kiến, cảng An Tây, cảng An Sơn. Các dự án: BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; đường Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) đang được triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông đô thị. Từ đó, rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công – dự toán. Tránh xảy ra tình trạng phải thực hiện trình, thẩm định nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thực hiện, giải ngân của dự án.

Lãnh đạo thành phố Thủ Đức, 21 quận, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt các phòng ban, đơn vị, chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng của địa phương giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từng dự án thuộc thẩm quyền.

Tại tỉnh Đồng Nai, để đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã thành lập Tổ công tác, giao trách nhiệm từng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách theo dõi, đôn đốc các công trình.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu cơ quan chuyên môn phải nỗ lực rút ngắn tối đa thời gian thẩm định hồ sơ; đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, cản trở tiến độ giao, giải ngân vốn. Đồng thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Các Ban Quản lý dự án của tỉnh Đồng Nai phải xây dựng lại đường găng tiến độ của từng dự án, gắn với đường găng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương. Tập trung nguồn lực xây dựng khu tái định cư sẵn sàng di dời dân khi thực hiện dự án; quản lý chặt chẽ đất đai, xây dựng nhằm tạo thuận lợi trong quá trình bồi thường, hỗ trợ.

Để giải ngân nguồn vốn ngay từ những tháng đầu của năm, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc điều hành đầu tư công năm 2024. Theo đó, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án được giao theo từng tháng, nhất là danh mục các dự án đã được HĐND tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn; trong đó, nêu rõ tiến độ công việc, lũy kế giải ngân hàng tháng và bảo đảm khởi công các dự án trong danh mục khởi công mới trong 6 tháng đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư chỉ được tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp của dự án khi đã có đủ mặt bằng để triển khai thi công theo tiến độ được duyệt. Các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng đất,… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Tỉnh tổ chức tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc thực hiện.

Ngày 13/2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra tiến độ dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê (GSO) công bố tình hình kinh tế ba tháng đầu năm. Kinh tế Việt Nam trong quý I khởi sắc, tăng 5,66%. Xét trong giai đoạn 2020-2023, đây là mức tăng cao nhất cùng kỳ 3 tháng. Lực đỡ cho nền kinh tế hiện nằm ở khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 6,28%. Nhờ các chính sách thúc đẩy đầu tư công, khu vực này đem lại giá trị, đóng góp gần 41,7% vào tăng trưởng chung cả nước.

Từ đó cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban ngành và các địa phương trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả bước đầu. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công cùng với việc hàng loạt dự án được đẩy nhanh quá trình triển khai và hoàn thành không những phục vụ nhu cầu của người dân mà còn là lực kéo nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ suy thoái, là động lực thúc đẩy quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.

Thành An 

Bài mới
Đọc nhiều