+
Aa
-
like
comment

Động cơ vào Đảng – đừng là con rối trong tay ai

30/04/2020 06:23

Trong khí thế của ngày 30-4 hôm nay, chợt nghĩ về tương lai của đất nước trên vai thế hệ trẻ. Từ kiếp lầm than của một dân tộc bị bóc lột đến tàn nhẫn bởi thực dân, đế quốc, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng vĩ đại giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đất nước được hòa bình, độc lập, người dân được sống ấm no, hạnh phúc. Giờ đây, kế tiếp sự nghiệp cao cả ấy là thế hệ trẻ-rường cột của nước nhà. Thế hệ trẻ suy nghĩ về Đảng thế nào? Mong muốn được đứng trong hàng ngũ Đảng của họ ra sao? Họ có đủ bản lĩnh, dũng khí và nhiệt huyết để làm tốt trọng trách mà Đảng tin cậy, trao truyền?

Cờ cách mạng trong tim tuổi trẻ

Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, vinh dự mang trên mình hai chữ “đảng viên” là khát khao cháy bỏng của bao thế hệ đi trước. Chẳng thế mà trong nhật ký khi ở chiến trường, Đặng Thùy Trâm đã viết: “Cái cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: Phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên “một người cộng sản”. Vâng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, người đảng viên, người cộng sản luôn luôn thực hiện đúng mục tiêu lý tưởng của Đảng, lấy ngọn cờ của Đảng làm mục tiêu, là ngọn đuốc dẫn đường, là hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng…”. Đặng Thùy Trâm viết dòng tự sự ấy khi chị được kết nạp Đảng ngày 27-9-1968, lúc ấy Thùy Trâm 26 tuổi, độ tuổi cháy bỏng khát vọng, lý tưởng. Để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nữ bác sĩ trẻ đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, nuôi hoài bão từ những năm tháng dưới mái trường đại học đến suốt những ngày dài trên chiến trường khốc liệt. Đặng Thùy Trâm cũng như lớp lớp thanh niên ngày ấy khi tiếp nhận được ánh sáng chân lý, soi đường tương lai dưới ngọn cờ của Đảng.

Không cần thêm bất cứ lời khẳng định nào. Triệu triệu những thanh niên trẻ trung và khát vọng như Thùy Trâm đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng, nguyện vọng tha thiết, mong ước lớn nhất là được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả, thậm chí cả tính mạng của mình để bảo vệ Đảng, bảo vệ thanh danh của Đảng. Chính niềm tin tuyệt đối ấy đã rèn giũa nên những con người ưu tú, để họ trở thành đảng viên. Tập thể những con người như thế đã cùng nhau đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, tạo nên sức mạnh vô song. Không phụ lòng mong mỏi, niềm tin của họ, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Vì sao Đảng lãnh đạo dân tộc làm được điều đó? Đã có nhiều luận giải ở các góc cạnh khác nhau, nhưng rồi cùng hướng đến một lập luận thuyết phục được số đông, đó là vì Đảng ta là đảng của những con người ưu tú nhất, tiên phong nhất, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên hết. Một tổ chức tiến bộ, cách mạng với những con người tiêu biểu như thế thì không gì là không thể làm được.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Đăng Vinh, người cùng đồng đội bắt sống tướng Đờ Cát, kể rằng: Danh xưng “đảng viên cộng sản” ấy vô cùng cao quý, là niềm tự hào của mỗi đồng chí đảng viên và nó cũng là nỗi khiếp sợ của kẻ thù”…

Đảng trên vai cùng ánh sáng soi đường

Thế hệ trẻ hôm nay và lớp lớp thanh niên ngày trước có khác nhau về suy nghĩ, về hành động không? Có khác. Đó là tất yếu do bối cảnh lịch sử. Họ có khác nhau về ý chí, khát vọng và hoài bão đưa đất nước tiến lên không? Không! Họ giống nhau ở điểm đó. Đảng ta từ khi ra đời, phát triển đến nay cũng không thay đổi về bản chất. Điều này được thể hiện rõ trong những nguyên lý cơ bản của một đảng cầm quyền vẫn nguyên giá trị. Tuy vậy, trong quá trình vận động và phát triển, từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã luôn tiếp thu những giá trị tiên tiến, loại bỏ cái lạc hậu để ngày càng hoàn thiện hơn.

Trong rất nhiều mũi công kích chống phá, các thế lực thù địch luôn tìm cách lôi kéo, lợi dụng giới trẻ để gieo rắc những tư tưởng, quan điểm đối lập với tập thể. Sau khi một vài trí thức từng giữ các cương vị lãnh đạo bị xử lý kỷ luật, các thế lực đã kích động phong trào xin ra khỏi Đảng. Thực chất, một số người đâu cần phải “xin” ra khỏi Đảng, mà họ đã bị khai trừ khỏi Đảng. Ấy vậy mà không ít bạn trẻ đã bị lợi dụng, đưa ra những phát ngôn rất thiếu suy nghĩ… Họ cũng theo đuôi mấy người bất mãn, lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội để đưa ra những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận lịch sử.

Phải khẳng định rằng, mong muốn trở thành đảng viên là mong muốn của số đông các bạn trẻ ngày nay. Lý tưởng, động cơ của thế hệ trẻ được đứng trong hàng ngũ của Đảng là đúng đắn. Xin được dẫn chứng một số ví dụ để thấy điều đó. Trong số hàng nghìn bạn trẻ tham gia Cuộc thi viết: “Ngày tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam” của tuổi trẻ tỉnh Bình Dương nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng đã cho thấy, số đông bạn trẻ nhìn nhận rất thấu đáo, có nhận thức sâu sắc về Đảng. Sinh viên Nguyễn Thị Tường Vy (Trường Đại học Thủ Dầu Một) viết: “Trở thành đảng viên là vinh dự, tự hào nhưng trên hết tôi thấy mình cần phải sống, học tập có trách nhiệm hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng của chi bộ”. Trong môi trường quân ngũ, nói về nguyện vọng của mình, Nguyễn Trung Đức, học viên năm thứ 2 chuyên ngành Chỉ huy tham mưu hậu cần, Học viện Hậu cần, tâm sự: “Được kết nạp Đảng là mong muốn lớn nhất của tôi. Tôi đã nỗ lực rất nhiều qua học tập, rèn luyện để mong được đứng trong hàng ngũ của Đảng”. Ông Nguyễn Văn Tám, bố của học viên Nguyễn Trung Đức bộc bạch: “Được đứng trong hàng ngũ của Đảng không chỉ là mong muốn của riêng Đức, mà là của cả gia đình, dòng họ. Đức là tấm gương để anh em trong gia đình học tập”. Trên bình diện chung, các tổ chức của tuổi trẻ, như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên… vẫn đang chứng minh là “cánh tay đắc lực” của Đảng, luôn thu hút được hầu hết các bạn trẻ tự nguyện tham gia. Đây cũng là nơi bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ tốt cho Đảng.

Trên thực tế, không phải bạn trẻ nào vào Đảng cũng có động cơ đúng đắn. Đã xuất hiện tư tưởng vào Đảng để nhằm cơ hội mưu cầu lợi ích cá nhân. Nhìn nhận vấn đề này thế nào trong sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường hiện nay? Trước hết, đây là một quan điểm sai trái mà rõ nhất là sai về động cơ vào Đảng. Mỗi chúng ta, dù trên cương vị nào thì khi vào Đảng cũng phải xác định rõ: Vào Đảng để làm gì? Động cơ vào Đảng là gì?

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Do vậy, vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc. Nếu ai đó cho rằng vào Đảng để mưu cầu lợi ích cá nhân thì sớm muộn người đó sẽ thất bại. Thực tế qua rất nhiều bài học về xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật cho thấy, cá nhân nào lợi dụng, luồn lách, vào Đảng với động cơ sai trái thì trước sau cũng phản bội lý tưởng của Đảng, phản bội nhân dân.

Trong cơ chế thị trường tất yếu có mặt trái. Sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội mới với thế hệ trẻ. Bên cạnh sự tích cực, thì những tác động của mặt trái cơ chế thị trường khiến một bộ phận thanh niên chưa nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên của Đảng. Thực tế này nên được nhìn nhận như thế nào? Soi xét vào thực tiễn của đời sống xã hội, thực tế trên chỉ gắn với hiện tượng, con người cụ thể. Hiện tượng đó không đại diện cho số đông, không là tiếng nói của thế hệ trẻ ngày nay. Nhìn rộng ra, những người không muốn vào Đảng chắc gì đã là những người tiêu biểu? Có thể họ là người có tài năng, có kiến thức ở một mặt nào đó, nhưng từng đó chưa đủ để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Để trở thành đảng viên, ngoài tài năng, người đó cần có phẩm chất đạo đức tốt. Con người ấy không chỉ thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng mà còn phải chứng minh qua thực tiễn là người ưu tú, được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Như vậy thì những người không muốn vào Đảng, không tha thiết với Đảng trên thực tế cũng chưa hội tụ đủ các tố chất của một đảng viên và đương nhiên Đảng cũng không ép buộc ai phải vào tổ chức của mình nếu người đó không giác ngộ, không ưu tú.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại cuộc họp của Ban Bí thư về việc ban hành chỉ thị của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, đã nhấn mạnh: Muốn Đảng mạnh trước hết mỗi đảng viên phải tốt. Muốn vậy, phải làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, sàng lọc, xử lý những đảng viên vi phạm, chống cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Việc kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng và đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên là việc làm bình thường của một đảng chân chính, như Bác Hồ từng nói: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài”. Trong hàng triệu đảng viên không tránh khỏi có những đảng viên suy thoái. Nhưng Đảng không bao che mà luôn dũng cảm loại bỏ cái sai đó. Trên tiến trình phát triển của mình, chính quá trình đào thải, loại bỏ những cái không tốt đã làm cho Đảng ta mạnh hơn, vĩ đại hơn.

Thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, được hưởng thành quả sự nghiệp cách mạng mà cha ông ta đã hy sinh biết bao xương máu, bởi thế hãy biết trân trọng điều đó; càng tự hào với truyền thống vẻ vang, thành quả cách mạng thì chúng ta càng phải thấy trách nhiệm của mình. Tiếp tục kề vai gánh vác sự nghiệp của Đảng, của dân tộc là trách nhiệm của tất cả chúng ta, mà trước tiên cần có nhận thức đúng, nỗ lực phấn đấu để được trở thành đảng viên.

NGUYỄN ANH TUẤN/QDND

Bài mới
Đọc nhiều