+
Aa
-
like
comment

Doanh nghiệp Việt sản xuất ốc vít cho đồng hồ Thụy Sĩ?

13/04/2021 18:55

Đây là tin vui được TS Phan Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kế toán Úc chia sẻ.

Theo lời ông Long được VnEconomy dẫn lại, có những doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ có thể sản xuất được ốc vít cho đồng hồ Thuỵ Sĩ, nhưng không thể sản xuất được ốc vít để bán cho Samsung.

Không phải lý do họ không có đủ năng lực để sản xuất, mà yêu cầu của các nhà mua lớn trên thế giới đối với các doanh nghiệp cung cấp linh kiện rất cao. Ví dụ như Samsung, yêu cầu các doanh nghiệp Việt muốn trở thành đối tác cung ứng của họ phải có bằng phát minh sáng chế, có mức giá bán thấp.

Nếu muốn đạt được mức giá thành thấp, đáp ứng yêu cầu của người mua ông Long cho rằng, doanh nghiệp Việt phải thay đổi toàn bộ cấu trúc quản trị để tinh gọn, cắt giảm các khâu trung gian để tinh giảm, tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, có những điều kiện khiến doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng như chi phí vốn. Dù là người mua nhưng họ yêu cầu cấu trúc tài chính của doanh nghiệp Việt phải vững mạnh, khiến chi phí vốn thấp. Dù sản xuất được những sản phẩm tinh xảo nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được yêu cầu quản trị để trở thành đối tác của các tập đoàn FDI, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiep Viet san xuat oc vit cho dong ho Thuy Si?
Doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có cái kết có hậu sau chuyện “không làm nổi ốc vít”

“Chất lượng, tốc độ, thời gian, giá cả là những yếu tố quyết định việc doanh nghiệp có tham gia được vào chuỗi cung ứng hay không. Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần phải thay đổi. Doanh nghiệp cần số hoá để tinh gọn lại các quy trình và cắt giảm chi phí. Và để đạt được điều này, quản trị phải thay đổi một cách toàn diện”, ông Long nói.

Hơn nữa, theo ông Long, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với rất nhiều quốc gia, đặc biệt khi chúng ta chưa có hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh để giúp thu hút các nhà sản xuất lớn dịch chuyển từ Trung Quốc thì cần có sự thay đổi lớn về năng lực cạnh tranh, về nguồn lực.

Thông tin được TS Phan Long đưa ra là một tin vui, cho thấy bước tiến lớn của doanh nghiệp Việt Nam, thời doanh nghiệp Việt không làm nổi ốc vít đã lùi vào dĩ vãng.

Còn nhớ, cách đây gần chục năm, nhiều doanh nghiệp Việt tham dự buổi tiếp xúc và công bố các điều kiện để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung đã phải thừa nhận rằng không thể đáp ứng yêu cầu của Samsung, dù chỉ là sản xuất ốc vít. Thời điểm đó, sự thừa nhận này đã trở thành một câu chuyện buồn về ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, điều này đã không còn đúng khi năng lực, trình độ sản xuất… của doanh nghiệp Việt đã có nhiều tiến bộ vượt bậc.

Vào cuối năm 2020, trong một hội thảo liên quan đến việc công ty Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do Bộ Công thương tổ chức, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã khẳng định, mạng lưới khách hàng quốc tế đến với các công ty Việt đã mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Đáng chú ý là nếu trước đây các tập đoàn lớn nước ngoài thường đặt hàng với đối tác ở Trung Quốc thì nay họ đã hướng vào Việt Nam để đặt hàng.

Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Hải  tự tin tuyên bố: “Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã làm được rất nhiều. Vấn đề là sản lượng, nhu cầu thị trường có đủ lớn để họ sản xuất hay không”.

Bà Lã Thị Lan, Tổng giám đốc Tập đoàn Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM cũng bác bỏ chuyện doanh nghiệp Việt không thể làm nổi ốc vít.

Bà Lan lý giải, ốc vít chỉ là phần nhỏ trong câu chuyện sản xuất nhưng nó cũng nói lên bức tranh toàn cảnh đầu tư công nghệ cao của các công ty Việt. Đó là bài toán luẩn quẩn “con gà hay quả trứng có trước”.

Cụ thể, nhiều công nghệ đòi hỏi độ chính xác rất cao song các doanh nghiệp Việt chưa dám đầu tư. Bởi nếu bỏ ra số tiền lớn để đầu tư mà không biết sẽ bán cho ai thì không đơn vị nào dám làm. Nói cách khác, họ chờ có khách đặt thì mới dám làm.

“Đây cũng là một trong những lý do một số tập đoàn lớn nước ngoài chưa hợp tác với các nhà cung cấp Việt. Mặt khác, một số tập đoàn nước ngoài khi vào nước ta họ đã có sẵn các nhà cung cấp trước đó, vì vậy không hợp tác với nhà cung cấp nước ta”, bà Lan giải thích.

Những phát biểu trên phù hợp với tình hình thực tế. Bằng chứng là Foxconn, đối tác của gã công nghệ khổng lồ Apple (Mỹ), đã chính thức đầu tư một nhà máy hoành tráng tại tỉnh Bắc Giang. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 270 triệu USD, mỗi năm sản xuất khoảng 8 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay.

Minh Thái

Bài mới
Đọc nhiều