+
Aa
-
like
comment

Doanh nghiệp đăng ký “luồng xanh” 8 lần bị trả lại, nhờ dịch vụ “một phát ăn ngay”?

18/08/2021 10:10

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, quá trình đăng ký phương tiện “luồng xanh” trên hệ thống liên tục bị trả lại trong khi thông qua người làm dịch vụ thì “một phát ăn ngay”.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ ngày 24/7 đến 15 giờ ngày 16/8/2021, đơn vị này đã tiếp nhận đề nghị xác nhận “luồng xanh” đối với 98.828 phương tiện; trong đó, xác nhận đạt 40.347 xe, có 59.095 xe không đạt và 758 xe đang chờ duyệt.

Các loại phương tiện được cấp “luồng xanh” chủ yếu là xe chở hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng có lộ trình đi qua thành phố và xe chở hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc thực hiện cấp giấy phép “luồng xanh” quốc gia trên Cổng dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ Việt Nam không quá 4 phút. Sau khi nhận được đầy đủ thông tin, cán bộ cấp ngay trong thời gian không quá 1 phút. Tất cả quá trình đăng ký và cấp giấy phép đều thực hiện hoàn toàn trực tuyến.

 

Qua công tác hậu kiểm, lực lượng chức năng phát hiện nhiều phương tiện thuộc diện ưu tiên “luồng xanh” vi phạm. Ảnh: Cao Tuân

Không thể phủ nhận, hệ thống “luồng xanh” quốc gia của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tạo thuận lợi hơn cho người dân cũng như doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hoá từ bên ngoài vào vùng có dịch, cũng như từ tỉnh có dịch đi qua các tỉnh khác. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Báo Sức khoẻ & Đời sống (Bộ Y tế) đã nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp vận tải về tình trạng lợi dụng đăng ký “luồng xanh” để trục lợi.

Cụ thể, ngay sau khi thành phố Hà Nội triển khai cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QR để ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải toàn quốc, một doanh nghiệp sở hữu phương tiện 29H-743xx đã đăng ký theo mẫu tại địa chỉ http://luongxanh.drvn.gov.vn để gửi kết quả về Sở Giao thông Vận tải Hà Nội giải quyết.

Tuy nhiên sau cả chục ngày với 8 lần gửi đi, phương tiện này vẫn chưa được cấp phép. Hệ thống lần lượt có thông báo trả lại với lý do: Chưa được cấp phù hiệu; Sở GTVT không quản lý phương tiện này; Xe chạy hành trình nội thành, liên hệ với Sở Công thương Hà Nội…

Sau đó, qua giới thiệu của các lái xe khác, doanh nghiệp này đã gửi đúng hồ sơ bị trả lại đến một người nhận làm dịch vụ với giá 500.000 đồng.

Đúng như cam kết, chỉ sau vài giờ, xe tải mang BKS 29H-743xx đã được cấp phù hiệu “luồng xanh” để vận tải hàng hoá tuyến Ninh Bình – Nam Định – Hà Nội.

Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó trong quá trình đăng ký phương tiện “luồng xanh”.

Tiếp đến là phương tiện 29H-267xx sau 4 lần đăng ký “luồng xanh” để chở hàng linh kiện điện tử từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc nhưng đều bị hệ thống từ chối, chủ doanh nghiệp đã chuyển bộ hồ sơ này đến người làm dịch vụ với giá 700.000 đồng. Chỉ sau một buổi, phương tiện này đã được gửi lại mã QR “luồng xanh” sau đó in ra và dán lên xe để hoạt động.

Cũng nhờ thông qua những người tự nhận có mối quan hệ thân quen với Sở Giao thông Vận tải các địa phương, xe tải 3,5 tấn mang BKS 29H-384.xx của một doanh nghiệp vận tải đang chạy tuyến Ninh Bình – Hà Nội đã được cấp “luồng xanh” chạy thêm tuyến Nam Định và các tỉnh phía Bắc mà trước đó đã bị hệ thống từ chối.

 

Tuy nhiên cũng bộ hồ sơ này, khi thông qua dịch vụ với số tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng thì phương tiện dễ dàng được cấp thẻ nhận diện “luồng xanh”.

Để chứng minh cho sự “chuyên nghiệp”, sau khi nhận toàn bộ hồ sơ đăng ký luồng xanh qua zalo (bao gồm giấy xét nghiệm âm tính của lái xe; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; hàng hoá lưu thông; điểm xuất và điểm kết thúc), sau vài giờ (tuỳ theo nhu cầu của doanh nghiệp có thể làm nhanh hơn và giá tiền cao hơn), người làm dịch vụ sẽ gửi thông tin xác nhận đăng ký “luồng xanh” thành công sau đó mới nhắn số tài khoản để nhận tiền.

Những doanh nghiệp vận tải nói trên đã cung cấp toàn bộ chứng cứ đến Báo Sức khoẻ & Đời sống bao gồm quá trình đăng ký thẻ nhận diện phương tiện có mã QR để ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” bị hệ thống trả lại; việc liên lạc với người làm dịch vụ để cấp “luồng xanh” cho chính bộ hồ sơ này; quá trình trao đổi qua zalo; giao dịch chuyển khoản…

 

Hai trong số rất nhiều giao dịch chuyển khoản cho người làm dịch vụ để được cấp thẻ nhận diện “luồng xanh” với phương tiện đang bị hệ thống báo lỗi.

Những “khổ chủ” mong muốn sau khi sự việc được phản ánh trên báo chí, Chính phủ và các Bộ ngành sớm vào cuộc kiểm tra hoạt động cấp “luồng xanh” để ngăn chặn dấu hiệu tiêu cực, đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp vận tải hoạt động trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Lật tẩy chiêu trò xe khách dán mác chở hàng cứu trợ “thông chốt” vào Hà NộiĐỘC QUYỀN: Dùng xe cứu hộ “thông chốt” kiểm soát y tế, đưa người vào Hà Nội

Để củng cố thêm thông tin, phóng viên đã liên hệ đến một số người làm dịch vụ cấp luồng xanh với lý do “đã đăng ký luồng xanh nhiều lần nhưng hệ thống trả lại”. Qua điện thoại, một “cò” cho biết: “Thời gian gần đây qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát đã phát hiện nhiều luồng xanh bị làm giả. Khi Nhà nước thắt chặt kiểm tra thì các xe buộc phải có luồng xanh thật. Điều này khiến lượng hồ sơ tăng và phí dịch vụ cũng tăng. Nói thật nếu doanh nghiệp tự đăng ký hồ sơ rất khó và chậm, kiểu gì cũng bị trả lại. Cuối cùng phải mất tiền qua dịch vụ hết”.

Người này khẳng định có thể làm dịch vụ đăng ký “luồng xanh” cho tất cả những bộ hồ sơ đã bị các Sở GTVT các tỉnh thành trả lại hoặc phương tiện muốn chạy thêm tuyến mà chưa được chấp thuận…

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tổ chức vận tải gắn với phòng chống dịch bệnh COVID-19 giữa Bộ GTVT với Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương sử dụng phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, cấp giấy thông hành luồng xanh phải thực hiện liên tục, nhanh chóng và thuận tiện.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng lưu ý tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm.

Cao Tuân

Bài mới
Đọc nhiều