Đô đốc Mỹ: lực lượng Thủy quân lục chiến cần được triển khai phía trước để răn đe Trung Quốc
Đô đốc David Berger, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ ngày 18/5 tuyên bố: việc triển khai lực lượng này ở phía trước có thể làm chậm ý tưởng mở rộng biên giới và bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc.
Vào ngày 18/5, Brookings Institution (Viện Brookings) đã tổ chức một diễn đàn trực tuyến về chủ đề “Hiện đại hóa quân đội – môi trường ngân sách thách thức đối với sự cạnh tranh giữa các nước lớn”. Đô đốc David H.Berger, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến (TQLC) Mỹ đã phát biểu trên diễn đàn: “Tôi không đồng ý với những người nghĩ rằng chiến tranh với Trung Quốc là một điều đương nhiên. Tôi không thuộc về phe đó. Tôi nghĩ cả hai bên có thể thực hiện một số biện pháp để không làm cho nó không thể tránh khỏi. Tôi không cho rằng điều đó là không thể tránh khỏi”. Berger cho biết, ông đã nghiên cứu về Trung Quốc trong mười năm qua.
Ông Berger nói, “Tuy nhiên, họ (Trung Quốc) rõ ràng là có một chiến lược. Họ có một kế hoạch. Họ đang cung cấp nguồn lực cho kế hoạch này. Họ có một chính phủ nhất trí, mang lại lợi thế cho họ. Điều này cũng có nhược điểm. Tôi tin họ đang tiến về phía trước để đạt được mục tiêu của mình. Đây là điều hiển nhiên, và họ cũng đã công khai những mục tiêu này là gì”.
Ông nói, mặc dù chiến tranh không phải là không thể tránh khỏi, nhưng sự cạnh tranh giữa hai nước sẽ tiếp tục. “Tôi cho rằng trong tương lai gần, đây sẽ là một cuộc cạnh tranh tích cực hàng ngày. Họ vẫn đang tiếp tục mở rộng”. “Chúng ta đang nỗ lực giải quyết vấn đề này, chúng ta làm thế nào để có thể thích ứng nhưng không cho phép bất kỳ quốc gia nào viết lại một bộ quy tắc đã có hiệu quả với tất cả mọi người trong 70 năm … Tất nhiên, đây là một tình huống khó khăn”.
Khi đưa tin về vụ việc, trang web của United States Naval Institute (Viện nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ), một hiệp hội chuyên nghiệp quân sự phi lợi nhuận tư nhân cũng cho biết, trong bài phát biểu của ông Berger nói Lực lượng Thủy quân Lục chiến (TQLC) Mỹ hiện đang trải qua giai đoạn thử nghiệm và tái tổ chức quy mô lớn, với trọng tâm là theo kịp “mối đe dọa nhịp độ” (pacing threat) từ phía Trung Quốc và cuối cùng giành chiến thắng trong cuộc chiến khi nó đến.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và các quan chức quân sự Mỹ đã nhiều lần gọi Trung Quốc là “pacing threat” (mối đe dọa nhịp độ) đối với Lầu Năm Góc, có nghĩa là tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc ảnh hưởng đến tốc độ phát triển quân sự mà Mỹ phải thực hiện để duy trì lợi thế của mình.
Ông Berger trong bài phát biểu tại cuộc hội thảo nhan đề “The Marine Corps and the future of warfare” (Thủy quân lục chiến và tương lai chiến tranh), đã nói: “Chúng ta cần duy trì tự do trên biển, trên không và tất cả các lĩnh vực”. Ông cho rằng việc sử dụng TQLC gần các lợi ích địa lý của Trung Quốc như một lực lượng răn đe, có thể làm chậm sự mở rộng biên giới và ý định bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc.
Ông Berger nói: “Nếu bạn là Hoa Kỳ, bạn cần có một đội quân viễn chinh, rất nhẹ và rất cơ động để sẵn sàng xuất hiện bất cứ lúc nào ở những khu vực cần xuất hiện”. Ông cho rằng sự cảnh giác của lực lượng TQLC Mỹ có thể kiềm chế sự hung hăng có thể có của Trung Quốc trong khu vực.
“Ngoài ra, nếu việc ngăn chặn thất bại và cuộc chiến tranh với Trung Quốc bắt đầu quá nhanh, các quân binh chủng khác không kịp huy động, Thủy quân lục chiến – lực lượng ngăn chặn, đã sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức”.
Berger gọi vấn đề Đài Loan, nơi xung đột có thể nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, là một “vấn đề bất đối xứng” và nó không chỉ là một vấn đề khu vực. Ông nói rằng nếu Trung Quốc chọn tấn công Đài Loan thì Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng cuộc xung đột này sẽ mở rộng ra tất cả các khu vực và xa hơn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
David Berger cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ răn đe Trung Quốc hoặc cuối cùng là đánh bại Trung Quốc khi chiến tranh nổ ra, Mỹ phải đặt cơ sở là mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực, đây là vai trò rất phù hợp với Thủy quân lục chiến. Ông nói: “Chúng ta không thể thành công nếu chỉ bằng sức mình. Chúng ta cần phải thừa nhận giá trị của các đồng minh và đối tác”.
Tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và đối tác để cùng đối phó với những thách thức do Trung Quốc đặt ra được coi là một trục chính trong chính sách của chính quyền Joe Biden. Trong bài phát biểu đầu tiên trước cuộc họp chung của Thượng viện và Hạ viện ngày 28/4, Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ hoan nghênh sự cạnh tranh với Trung Quốc và không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc. Joe Biden nói, ông đã nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, giống như Mỹ đã làm ở châu Âu thông qua NATO; Mỹ làm như thế “không phải để gây ra xung đột, mà là để ngăn chặn xung đột”.
Vào cuối tháng 4 năm nay, Mỹ cũng đã tổ chức các cuộc đối thoại song phương và ba bên với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc.
Thanh Thảo