+
Aa
-
like
comment

Do đâu GDP 2022 tăng cao nhất trong 12 năm qua?

Huy Hoàng - 04/01/2023 21:53

Tăng trưởng GDP của cả nước trong năm 2022 đạt trên 8%, tăng cao so với kế hoạch đề ra từ 6-6,5%. Và cũng là mức tăng cao nhất trong 12 năm trở lại đây. Vậy câu hỏi lúc này là do đâu mà kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh đến như vậy, bất chấp những năm gần đây, dịch bệnh và biến động toàn cầu liên tục ập tới. Đâu sẽ tiếp tục là động lực cho năm 2023?

Tăng trưởng GDP của cả nước trong năm 2022 đạt trên 8%

Thực tế từ năm 2019, kinh tế Việt Nam đã được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và khu vực đã đến cuối giai đoạn đàm phán. Thế nên việc GDP tăng cao 8% sau năm 2019 đã được dự báo trước, song, chính sự kiện “thiên nga đen” là Covid-19 đã khiến cho mức tăng này trở nên đặc biệt.

Dịch bệnh đã làm cho nguy cơ xuất khẩu của Việt Nam giảm tốc thấy rõ từ giữa năm 2021 trở đi. Trong đó, các chính sách hạn chế đi lại, đóng cửa là căn nguyên lớn nhất, vì nó khiến cho dòng vốn đầu tư mới bị chặn đứng, sản xuất hàng hóa bị đình trệ. Tuy nhiên, cũng trong giữa tâm dịch, Chính phủ đã không ngừng đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao vaccine. Nỗ lực đó đã giúp cho cánh cửa kinh tế Việt Nam rộng mở trở lại vào đầu năm 2022. Việc nền kinh tế mở cửa sớm đã giúp các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài giải ngân được dòng vốn đầu tư và đưa hoạt động sản xuất trở lại. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh.

Theo thống kê, năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5% so với năm 2021, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân đạt 22 tỷ USD, tăng 16%. Chính sự đầu tư trở lại kịp thời mà theo đó đã tạo ra hệ quả là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng đạt mức kỷ lục 740 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành nước trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại.

Tuy nhiên có ý kiến lại cho rằng, năm 2022 là một năm kinh tế vô cùng khó khăn chứ không phải tín hiệu lạc quan. Lý do là thị trường chứng khoán lao dốc, còn thị trường bất động sản đóng băng. Tín dụng bị siết chặt khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Liệu ý kiến nêu trên có phủ nhận số liệu vĩ mô lạc quan vừa qua?

Thực tế, không phải lúc nào thị trường chứng khoán và bất động sản cũng đồng pha với nền kinh tế, đặc biệt là khi nhìn trong ngắn hạn. Năm 2021, cả hai thị trường nói trên đều đã phát triển quá nóng, xuất hiện nhiều tệ nạn làm lũng đoạn thị trường. Do đó sự điều chỉnh là cần thiết, vì chỉ như vậy thì dòng tiền mới có thể chuyển hướng sang ưu tiên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp thêm sự tăng trưởng thực cho nền kinh tế.

Thực tế, việc trụ vững trên mức 6,5% không phải mục tiêu duy nhất của Việt Nam, với những lợi thế có sẵn chúng ta còn làm được nhiều hơn thế. Lạm phát của Việt Nam là đến từ các tác nhân bên ngoài, như giá nhập khẩu tăng, tỷ giá tăng, chứ không phải tổng cung tiền tăng. Và trong năm 2023, áp lực lên tỷ giá sẽ giảm do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Do đó, Việt Nam còn có thể tăng cung tiền để kích kích cầu sức mua trong nước, qua đó kích thích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Nhìn chung có thể thấy, Việt Nam vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những bất ổn toàn cầu, nhưng tiêu dùng trong nước, lợi thế thu hút FDI và giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn sẽ giúp GDP Việt Nam đạt được tăng trưởng trên mức 6,5% trong nhiều năm. Và nếu cố gắng, tận dụng được những thế mạnh, mức tăng 7,5-8% là điều không quá xa tầm với.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều