Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau quyết định kỷ luật lãnh đạo NXB Giáo dục?
Hôm qua (ngày 5/7), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà Xuất bản Giáo Dục Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thái được xác định có những vi phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới. Về mặt Đảng, ông Thái cũng mắc nhiều khuyết điểm, mà đáng nói nhất là do thiếu sót trong công tác kiểm tra, giám sát, dẫn đến việc để lọt nghị quyết được ban hành trái pháp luật của Nhà nước.
Như đã biết, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo Dục) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, chịu trách nhiệm biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa cho toàn bộ hệ thống giáo dục công. Tuy vậy, dù ở thế độc quyền, nhà xuất bản này vẫn có lợi nhuận vô cùng khiêm tốn trong nhiều năm. Thậm chí, có năm NXB còn báo cáo, việc bán sách giáo khoa gây lỗ 40 tỷ đồng. Ấy vậy mà, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của NXB Giáo Dục tăng vọt, đạt 287,4 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho.
Hiện nay, giá sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới so với sách giáo khoa cũ, vốn đã tăng gấp 3-4 lần ở khối lớp 1, gấp 2-3 lần ở các khối lớp 3, 7, 10. Phải chăng việc tăng giá sách khoa chính là một trong những nguyên nhân chính giúp lợi nhuận của NXB Giáo Dục tăng cao trong năm 2021?
Hai năm qua, kinh tế nhiều gia đình vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do chưa kiếm được việc làm ổn định. Việc NXB Giáo dục tăng giá sách giáo khoa, đạt lợi nhuận khủng, thêm vấn đề lương thưởng của ông Nguyễn Đức Thái lên tới hơn 660 triệu đồng/năm càng khiến người dân bức xúc.
Sách giáo khoa có nhiều nguyên nhân để tăng giá, nhưng nếu việc tăng giá hợp lý, có cân nhắc đến túi tiền của bề mặt chung người dân. Hoặc khi có lợi nhuận, NXB Giáo dục biết san sẻ, thành lập một tủ sách chung miễn phí ở các trường, giúp học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận sách mới dễ dàng thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của rất nhiều phụ huynh. Đáng tiếc, họ đã không nhìn thấy được điều đó.
Điều đáng nói, có không ít thắc mắc và nghi ngờ đối với sự thiếu minh bạch trong công tác điều hành và quản lý của những người đứng đầu NXB Giáo Dục. Đơn cử, việc không chủ động công bố các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, của doanh nghiệp. Thậm chí, báo cáo tài chính năm 2021 và các năm trước cho đến lúc này vẫn chưa được NXB Giáo Dục công khai đầy đủ trên website của mình.
Liệu quyết định kỷ luật của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên của NXB Giáo Dục có phải chỉ là bước đầu cho một loạt các động thái làm trong sạch bộ máy quản lý, ở một nơi tưởng như ít vụ việc liên quan đến tiền nong?
Phạm Khoa