+
Aa
-
like
comment

Điều đang biến mất ở Hong Kong

Bảo Trâm - 29/03/2023 11:13

Cả Hong Kong hiện chỉ còn khoảng 300 xe đẩy hàng rong lưu động, giữa lúc chính quyền thành phố ngừng cấp phép mới cho hoạt động kinh doanh này

 

Mỗi ngày, vào giữa trưa, bà Au Yuk-hoo (81 tuổi) đều dành thời gian mở xe hàng, từ từ sắp xếp những chiếc tất mà bà sẽ bán dọc theo con đường Lee Garden nhộn nhịp ở Vịnh Causeway của Hong Kong.

Vào tuần trước, trong lúc bà đang dọn hàng, một người khách quen đã tới và mua 3 đôi tất cao đến mắt cá chân. Mỗi đôi có giá khoảng 2,55 USD. “Tôi đã bán được 60 năm rồi”, bà chia sẻ.

Theo South China Morning Post, bà Au có thể là một trong những người bán hàng rong lưu động cuối cùng ở Hong Kong. Hiện chỉ có khoảng 300 người bán hàng rong có xe đẩy lưu động được cấp phép, và hầu hết họ đang già đi.

Xe hàng giúp nuôi 5 người con

Hồi đầu tháng 3, giới chức đã tịch thu một xe đẩy hạt dẻ của cụ bà Chan Tak-ching, 90 tuổi, sau khi bà rời quầy đi vệ sinh và nhờ một người họ hàng không có giấy phép bán hàng trông hộ.

Cuộc tranh cãi giữa cụ bà bán hàng rong Chan Tak-ching và hàng chục cảnh sát bên ngoài ga tàu điện ngầm Cheung Sha Wan đã thu hút hơn 100 người xem. Bà Chan ngã quỵ sau khi được thông báo chiếc xe bán hạt dẻ rang – nguồn thu nhập của bà suốt nhiều thập kỷ – bị tịch thu, South China Morning Post đưa tin ngày 7/3.

Một người đàn ông khoảng 30 tuổi, tự nhận là họ hàng của bà Chan khi tạm trông hộ chiếc xe đẩy, đã bị cảnh sát bắt đi.

Bà Au nhớ lại những ngày trước đây, bà cũng bị những nhân viên thực thi pháp luật đuổi đi, khi họ “ra quân” dẹp những hàng rong trên các con phố đông đúc.

Bà từng mở một cửa hàng. Tuy nhiên, khi chủ nhà tăng gấp đôi tiền thuê nhà, bà không còn lựa chọn nào khác ngoài quay lại bán hàng rong trên phố. Bà nhớ lại những ngày bán ở khu vực Vịnh Causeway nổi tiếng với người nước ngoài và khách du lịch Trung Quốc đại lục.

Chồng bà Au – một thợ sửa chữa – hiện 83 tuổi và đã nghỉ hưu. Bà cho biết xe hàng rong này đã giúp bà nuôi 2 con trai và 3 con gái. Công việc kinh doanh của bà chững lại trong những năm qua. Hầu hết người mua hàng đều là những người đã biết bà từ lâu.

Bà hiện kiếm được 1.270 USD/tháng, nhưng không có kế hoạch nghỉ hưu, dù đã hứa với các con sẽ làm việc ít hơn.

“Tôi không thể ở nhà và không làm gì cả”, bà của bốn đứa trẻ nói.

Không thể để xe hàng rong “chết”

Nhà lập pháp Doreen Kong Yuk-foon lo ngại các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của chính quyền có thể khiến những xe hàng rong đường phố biến mất. Bà nói đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người phải ngừng kinh doanh.

Trong số 5.504 người bán hàng rong được thành phố cấp phép vào năm ngoái, 5.200 người từ các quầy hàng cố định, trong khi chỉ có 304 người là dùng xe đẩy di động.

Hầu hết người bán hàng rong tập trung ở các quận Yau Tsim Mong và Sham Shui Po, nơi có Ladies’ Market và Temple Street Night Market nổi tiếng với những dãy quầy hàng bán đủ loại quà lưu niệm, quần áo và đồ điện tử.

Bà Kong cho biết nhiều người bán hàng rong của thành phố hiện trên 60 tuổi, vì chính quyền đã ngừng cấp giấy phép mới từ những năm 1970, trừ những trường hợp đặc biệt.

Bà nói người bán hàng rong lưu động phải tự quản lý quầy hàng và không được phép thuê nhân viên. Nhà lập pháp dự đoán hoạt động này sẽ “chết” trong vòng 10 năm tới, nếu không có các chính sách để duy trì.

Bà kêu gọi bảo tồn hoạt động bán hàng rong, bởi đây không chỉ là “cần câu cơm” của một số người, mà còn là một phần di sản văn hóa và ký ức tập thể của người Hong Kong.

Nhà lập pháp cũng kêu gọi chính quyền thay đổi các quy tắc nhằm đạt được cả quy định vệ sinh môi trường lẫn giúp những người bán hàng rong tồn tại. Bà Kong đề nghị cho phép họ thuê nhân viên và nới lỏng hạn chế tại những khu vực hiện cấm bán hàng rong.

“Hàng rong không chỉ là ngành kinh doanh, mà còn có thể là biểu tượng của thành phố”, bà nói, kêu gọi chính quyền nghiên cứu và đối thoại với người bán hàng rong để hỗ trợ họ tốt hơn.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều