Những điểm sáng bắt đầu từ kinh tế số
Trong Nghị quyết xây dựng Chính phủ số, Bộ Chính trị đã đưa ra nhiều mục tiêu phải thực hiện, nhằm tạo dựng nền tảng cho công cuộc này. Đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm là một trong những nội dung quan trọng đó.
Có thể nói, Việt Nam đã và đang đi đúng lộ trình trong cuộc xây dựng Chính phủ số, thông qua các sự kiện liên quan về thế giới số tổ chức tại Việt Nam và kết quả từ việc kiến tạo, áp dụng công nghệ vào quản lý, tiết kiệm rất nhiều gian cho doanh nghiệp, tiết kiệm ngân sách của nhà nước, nhiều lợi ích cho thương nhân.
Chỉ riêng với ngành Hải quan Việt Nam, kết quả nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới đưa ra đã cho thấy: Việc thực hiện đến 99% thủ tục thông quan bằng điện tửộng đã tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp, cắt giảm 200 triệu USD/năm. Tính công khai, minh bạch của bộ máy điều hành cũng theo đó mà hình thành ngày càng sâu rộng, tạo ra môi trường kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh đa lĩnh vực.
Hậu Covid-19 chưa đến và khi cả thế giới chấp nhận sống chung với dịch, các quốc gia vẫn đang loay hoay để tìm cách vực dậy nền kinh tế. Như một quy luật tự nhiên, muốn thu hút sự chú ý với các nhà đầu tư, làm chủ sân chơi, điều khó nhất là tìm ra giải pháp kết nối toàn cầu, giảm thiểu những rủi ro và tăng được lợi ích cho các nhà đầu tư. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn là điểm nóng toàn cầu, phần nào cho thấy được sức hút về kinh tế số của Việt Nam: gần 5.000 đại biểu đăng ký tham gia trực tuyến, đến từ khoảng 158 quốc gia trên thế giới để hợp tác, tìm ra giải pháp số cho doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.
“Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp sự phát triển, sự tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực ICT. Việt Nam là một mô hình, một hình mẫu tốt để chúng ta học hỏi” – nhận định, lời kêu gọi của Tổng thư ký ITU – ông Houlin Zhao càng cho thấy sức hút đó.
Đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP trong cuộc “mở cửa” kinh tế mang tính chiến lược toàn cầu này, lẽ dĩ nhiên Chính Phủ Việt Nam đã có một sự chuẩn bị chu đáo. Nền tảng để thu hút và đón “đại bàng” hợp tác phát triển kinh tế trên nền tảng không gian mạng, điều kiện cần không chỉ là “chiếc tổ” – chính sách, mà còn là băng truyền kỹ thuật, hạ tầng, hệ thống mạng ổn định và an ninh đảm bảo chính là điều kiện đủ để mời gọi sự tham gia của các quốc gia.
Sự phát triển về thế giới số, sự hợp tác kinh tế qua internet sẽ đặt ra nhiều thách thức về tội phạm, an ninh. Trong đó, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin xuyên suốt từ Bộ Công an kết nối, chia sẻ, liên thông với các bộ, ban, ngành trong nước và các cơ quan, tổ chức phòng, chống tội phạm quốc tế là những điểm cộng mà không phải quốc gia nào cũng thực hiện được như Việt Nam.
Trong diễn biến Chính phủ số đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm họp, chỉ đạo nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội trên nền tảng số, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp và đấu tranh phòng, chống tội phạm… Càng cho thấy sự chủ động, hành động trách nhiệm của Việt Nam, xứng đáng là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Thông điệp phát đi từ Bộ Công an cũng thể hiện rõ nét về chủ trương của Chính phủ: “Sự phát triển của Việt Nam luôn gắn liền với môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới”.
Một tín hiệu đáng mừng khác, vừa mới đây, cuộc họp trực tuyến giữa Đoàn doanh nghiệp cấp cao, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) và Bộ Công an Việt Nam đã có nhiều kết quả ngoài mong đợi. Quan hệ hợp tác song phương của hai quốc gia càng thêm tăng cường trên tinh thần “cùng có lợi” và thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Việt Nam, trong đó có chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực USABC thông qua Đại tướng Tô Lâm có lời đề nghị: “Chính phủ Việt Nam nói chung, Bộ Công an Việt Nam nói riêng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam…”.
Cánh cửa phát triển kinh tế số của Việt Nam thêm rộng – đó là điều ai cũng thấy rõ. Với nền tảng, mối quan hệ ngoại giao được xác tín thông qua những điểm cộng đến từ chính sách, môi trường, an ninh như hiện nay của Việt Nam, đủ cơ sở để tin rằng: thời gian tới, cánh cửa phát triển kinh tế của đất nước sẽ càng thêm rộng mở.
Thái Thanh