+
Aa
-
like
comment

‘Dịch Covid-19 là cuộc chiến chưa tiền lệ, áp dụng luật thời bình thật không công bằng’

Hạ Băng - 29/05/2023 16:26

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước cho rằng khi dịch Covid-19 bùng phát, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tất cả đều vừa làm vừa mò mẫm, tự đúc kết kinh nghiệm nên sai sót khó tránh khỏi.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam)

Sáng 29/5, nêu ý kiến thảo luận về sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đánh giá, việc thống kê nguồn lực cho chống dịch Covid-19 vừa qua mới chủ yếu từ ngân sách nhà nước, còn nguồn huy động từ nhân dân, xã hội chưa được thống kê đầy đủ.

Theo ông Phước, đóng góp của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là vô cùng to lớn, không thể cân đong, đo đếm được, từ cụ già đến em bé, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều chia sẻ những khó khăn cho những người ở vùng bị phong tỏa.

“Nhiều người nhận được những mớ rau, vài cân gạo, một chai mắm trong lúc khó khăn, thiếu đói cảm động đến rơi nước mắt, họ không biết tên những người đã cưu mang mình trong hoạn nạn. Những chiến sĩ áo trắng, áo xanh không sợ hiểm nguy, lao vào những nơi nguy hiểm nhất, nơi nhân dân đang oằn mình chống chọi với dịch bệnh, nơi nhiều bệnh nhân thoi thóp mong chờ được cứu sống”, ông Phước nói, và cho rằng, điều này thể hiện tinh thần đoàn kết cao đẹp vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

“Chính nhờ những nội lực tiềm ẩn đó đã giúp chúng ta vượt qua đại dịch”, ông Phước nói.

Tuy nhiên, ông Phước dẫn báo cáo đoàn giám sát cho rằng, chế độ, chính sách cho đối tượng tham gia phòng, chống dịch chưa tương xứng, chưa bao quát. Tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xảy ra phổ biến ở các bệnh viện và hầu hết ở các địa phương đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…

“Tất cả đều vừa làm vừa mò mẫm”

Đại biểu Phước đề nghị, Quốc hội cần sớm ban hành luật Tình trạng khẩn cấp để quy định thẩm quyền của Chính phủ, các cơ quan địa phương trong xử lý các tình huống khi xảy ra đại dịch, nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước tình huống khẩn cấp.

Đại biểu đoàn Quảng Nam phân tích, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tinh thần chung của Đảng, Chính phủ chỉ đạo là “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị đã lao vào cuộc chiến chưa có tiền lệ với một tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của nhân dân.

Ông Phước cho rằng, khi đó “tất cả đều vừa làm vừa mò mẫm, đúc kết kinh nghiệm với một mong muốn duy nhất là kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi phát triển. Do vậy, không tránh khỏi những thiếu sót”.

“Nếu chúng ta áp dụng chính sách pháp luật trong thời bình để giải quyết, để đánh giá những quyết định trong thời chiến thì thật không công bằng”, ông Phước nói, và đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan phải tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

Cùng đó, theo ông Phước, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hướng dẫn giải quyết những tồn tại; giao quyền cho HĐND các tỉnh căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để quyết định giải quyết những vấn đề như thanh toán, quyết toán những vấn đề chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; thanh toán tiền ăn, nghỉ cho nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tự nguyện; giải quyết dứt điểm những chế độ, chính sách liên quan đến lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở…

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều