“Đi đi vì đường này rất an toàn, có Việt Nam ở bên đó”
“Không có một người Mỹ, một người Trung Quốc, một người Singapore… hay quân đội Liên Hợp Quốc đến giúp đỡ chúng tôi. Chỉ có người Việt đến cứu người Campuchia. Chúng ta mãi là anh em”
“Đó là lý do mà chủ nghĩa cộng sản cần phải được bài trừ vĩnh viễn. Họ đã gây ra tội ác chống lại loài người. – Nhưng bạn ơi, những người cầm AK, đội mũ cối, ra hiệu cho những đứa trẻ Campuchia núp sau lưng họ. Đó là những người lính Việt Nam, cũng là những người cộng sản. Họ đã chiến đấu vì những người khác, trong khi chúng ta lại chỉ nhìn, chẳng làm gì cả. Và thậm chí chính phủ chúng ta từng chỉ trích họ đấy”
“Tôi là một bác sĩ quân y trong quân đội Mỹ và chỉ nghe nói về những điều khủng khiếp đã xảy ra tại Campuchia. Đây là một trong những bộ phim ưa thích của tôi. Những người lính Việt Nam đã giải cứu những đứa nhỏ Campuchia khỏi sự diệt chủng. Tôi rất muốn thấy cảnh những người lính Việt Nam trừng trị những tên ác nhân. Thật may vì những người Campuchia đã được cứu vớt. Chúa phù hộ cho Việt Nam“.
“Ở chỗ tôi, họ nói rằng quân đội Liên Hợp Quốc đã giúp người dân Campuchia tránh khỏi thảm họa. Giờ xem trên Netflix, tôi mới nhận ra là họ làm sai lịch sử quá, làm gì có người lính Liên Hợp Quốc nào mang AK47, đội mũ giống nón sơn, mặc áo xanh lá cây?“.
“Thật may vì có một người Campuchia đã ghi lại câu chuyện này. Một người Campuchia khác đã làm phim về câu chuyện này. Nhưng cũng có rất nhiều người khác, đã lãng quên câu chuyện này và xuyên tạc lịch sử, nói rằng Khmer Đỏ không tồn tại và người Việt xâm lược đất nước chúng tôi“.
Đó là những bình luận về bộ phim First They Killed My Father được trình chiếu trên Netflix. Bộ phim nói về cuộc diệt chủng Khmer Đỏ dưới góc nhìn của một cô bé người Campuchia. Trong đoạn cuối phim, những người Campuchia đang bị Khmer Đỏ truy quét, tưởng như tất cả sẽ chết, nhưng đúng lúc ấy, có sự xuất hiện của những người lính “lạ”, cầm AK47, mang mũ cối, mặc áo màu xanh lá cây đến giải cứu. Những người lính ấy che chở cho những đứa nhỏ, ra hiệu cho tụi nhỏ núp sau lưng, đưa những đứa nhỏ về khu tập kết hòa bình.
Và bộ phim ấy, không xuất hiện bất cứ lá cờ nào của lực lượng “lạ” kia, nhưng “không cần phải nói thì cũng phải biết”, rằng họ từ đâu đến và họ là ai.
Từ 1975 đến 1978, quân đội Khmer Đỏ đã liên tục tấn công, gây ra xung đột tại các khu vực biên giới Campuchia và Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, hàng ngàn người Việt Nam đã bị thiệt mạng, trong đó có thảm sát Ba Chúc khiến hơn 3000 dân thường Việt Nam thiệt mạng. Đã rất nhiều lần, Việt Nam đề nghị một giải pháp hòa bình và bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột, Việt Nam không muốn một cuộc chiến nữa diễn ra trong bối cảnh vừa mới thống nhất chưa lâu. Tháng 2/1978, Việt Nam đưa ra quan điểm thương lượng hòa bình với phía Khmer Đỏ, cùng lúc đó, nhiều bằng chứng về các vụ thảm sát, xung đột được đưa ra trước Liên Hợp Quốc.
Nửa cuối 1978, dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc và thái độ phớt lờ của một số quốc gia trong khu vực, Khmer Đỏ huy động khoảng 100 ngàn quân tiến đánh toàn tuyến biên giới với Việt Nam. Trong cùng thời gian vừa đẩy lùi quân đội Khmer Đỏ, Việt Nam có gửi những bằng chứng về tội ác của quân đội Khmer Đỏ đến Liên Hợp Quốc. Mục đích của Việt Nam là muốn Liên Hợp Quốc đưa ra tiếng nói về vấn đề Campuchia, muốn cộng đồng quốc tế quan tâm đến vấn đề diệt chủng mà người Campuchia cũng như người Việt Nam phải chịu đựng, mặt khác, muốn các cường quốc thực hiện nghĩa vụ quốc tế, chấm dứt can thiệp và ủng hộ tội ác của Khmer Đỏ.
Nhưng, Liên Hợp Quốc thì đưa ra những tiếng yếu ớt, nói đúng hơn là mặc kệ. Họ nói rằng những bằng chứng mà phía Việt Nam đưa ra là “đơn phương” và “có thể ngụy tạo”. Trong khi đó, nhiều quốc gia “có mắt như mù”, Trung Quốc từ chối làm trung gian hòa giải, Hoa Kỳ thì bâng quơ mặc kệ, các nước phương Tây thì yêu cầu Việt Nam không làm phức tạp hóa tình hình.
Đại diện Hoa Kỳ nói rằng: “Không cho phép một quốc gia khác có quyền áp đặt một chính phủ hoặc thay chính phủ khác bằng vũ lực”. Điều này như là một sự tự vả vậy, chính quyền VNCH đã được Mỹ tạo dựng và chính Mỹ đã dùng lực lượng quân sự trực tiếp tham chiến tại Việt Nam.
Trong những năm tiếp theo, chính quyền Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan vẫn tiếp tục hỗ trợ cho tàn quân Khmer Đỏ, bất chấp những tội ác mà Khmer Đỏ đã gây ra. Dưới sức ép của Mỹ, Chương trình lương thực Liên Hợp Quốc đã cung cấp lương thực cho gần 40 ngàn quân Khmer Đỏ dưới danh nghĩa “cứu trợ nhân đạo”. Phía Trung Quốc vận động hành lang, yêu cầu Liên Hợp Quốc giữ ghế cho đại diện Khmer Đỏ là đại diện cho nhân dân Campuchia. Trong khi đó, Thái Lan chấp nhận trở thành “vùng đệm quân sự” chứa tàn quân Khmer Đỏ, Singapore trở thành điểm chuyển dịch hàng hóa viện trợ cho Khmer Đỏ.
Singapore – là một trong những quốc gia ủng hộ Khmer Đỏ một cách mạnh mẽ nhất. Trong hội nghị Paris về vấn đề Campuchia, chính chính quyền Singapore và Trung Quốc luôn phủ nhận tội ác của phía Khmer Đỏ. Theo tờ Todayonline, cựu Ngoại trưởng Singapore Bilahari Kausikan thừa nhận rằng bị Hoa Kỳ đe dọa nếu không ủng hộ Khmer Đỏ.
Tháng 5/2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trên trang cá nhân nhằm tưởng nhớ Thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda qua đời, dòng trạng thái nói rằng Việt Nam xâm lược và chiếm đóng Campuchia. Những dòng viết khiến ASEAN rúng động, vì nó sai sự thực lịch sử, xuyên tạc mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, đánh tráo việc Việt Nam đưa quân đội đến trợ giúp nước bạn thành việc “xâm lược”. Dòng trạng thái này khiến Việt Nam bất bình, giới chức Campuchia phẫn nộ còn Thái Lan thì “tiến thoái lưỡng nan” do bị đưa vào thế khó.
Tờ Phnom Penh Post lên tiếng “Chúng tôi không biết người Singapore đã ở đâu lúc chúng tôi bị diệt chủng. Thế giới nhắm mắt làm ngơ với chúng tôi nên gần 3 triệu người Campuchia vô tội đã chết dưới tay Khmer Đỏ. Và rồi cuối cùng chỉ có nước láng giềng Việt Nam chìa tay ra giúp đỡ”
Những kẻ gây ra tội ác Khmer Đỏ đã bị trừng trị, thế giới đã từng thừa nhận tội ác diệt chủng tại Campuchia. Nhưng nhiều kẻ, vẫn cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia, vậy lúc người Campuchia cần? Họ ở đâu? Nếu không có những người lính Việt Nam, thì ai phanh phui ra những tội ác của Khmer Đỏ? Ai đã “ra hiệu cho những đứa trẻ núp ở phía sau lưng”? Những ai đã cứu vớt hàng triệu người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng? Càng không phải Hoa Kỳ, càng không phải Trung Quốc, càng không phải Singapore và càng không phải là Liên Hợp Quốc.
Trong No Escape, những người lính Việt Nam đã bảo vệ một gia đình người ngoại quốc trốn thoát khỏi tàn quân Khmer Đỏ. Trong First They Killed My Father, họ che chở những người dân Campuchia, cứu vớt những đứa trẻ và người già. Trong hai bộ phim ấy, có những hình ảnh tương đối thống nhất, những người lính cầm AK47, đầu đội mũ cối, mặc đồ màu xanh lá cây, không giết thường dân vô tội, che chở cho người nước ngoài, không bỏ chạy trước quân địch, luôn ở phía trước và giương cao vũ khí.
Dù biết là chỉ ở trong phim, nhưng chúng ta cũng cảm thấy ấm lòng. Có người nói, thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi. Phật nói: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”. Và chúng ta giúp người, cũng là tự giúp mình, giúp người để lòng thanh thản, để tâm an nhiên, để chúng ta dạy con cháu rằng chúng ta đã không bỏ mặc bạn bè trong lúc nguy nan.
Tosifi