+
Aa
-
like
comment

Đề xuất tăng lương hưu vào đầu năm 2026

Bích Ngân - 26/11/2024 09:36

Tăng lương hưu cho người về hưu, đảm bảo lương hưu không bị trượt giá so với giá cả tiêu dùng, hấp dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Người cao tuổi nhận lương hưu trực tiếp tại một điểm chi trả thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội trước khi chuyển sang nhận qua thẻ ATM

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 được Quốc hội thông qua nêu rõ chủ trương chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp năm 2025.

Đặc biệt nghị quyết nêu rõ chưa tăng lương hưu trong năm 2025 được nhiều bạn đọc quan tâm.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, giới thiệu ý kiến của bạn đọc và chuyên gia.

Hiện nay theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước có hơn 3,3 triệu người đang hưởng chế độ chính sách lương hưu hằng tháng từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

Chính sách lương hưu hằng tháng của nước ta trong nhiều năm qua được nhà nước, Chính phủ xem xét, điều chỉnh qua từng năm nhằm bù trượt giá, đảm bảo lương hưu không bị trượt giá so với giá cả tiêu dùng.

Có thể thấy qua 23 lần điều chỉnh, hiện nay mức lương hưu đã tăng khá cao, từ 21 – 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Đặc biệt nghị định 75/2024 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng vào ngày 1-7 vừa qua đã điều chỉnh, tăng thêm 15% lương hưu.

Có thể nói đây là mức tăng cao nhất nếu so với nhiều năm trước và qua các lần điều chỉnh lương hưu.

Theo đó đối với những người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Việc quan tâm xem xét điều chỉnh chính sách lương hưu hằng tháng qua mỗi năm nhằm đảm bảo lương hưu không bị trượt giá so với giá cả tiêu dùng, góp phần cải thiện chất lượng sống, đảm bảo an sinh xã hội, an dưỡng tuổi già một cách đúng nghĩa nhất.

Thế nhưng thực tế lương hưu, chính sách từ lương hưu vẫn chưa thực sự thu hút, hấp dẫn người tham gia. Khi nhiều người vẫn có mức lương hưu quá thấp, đặc biệt là những người về hưu trước tuổi, những người về hưu vì bị suy giảm khả năng lao động…

Thiết nghĩ, dù tăng ít hay nhiều cũng nên xem xét, tiếp tục duy trì chính sách tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trong những năm tiếp theo đối với những người đang có lương hưu còn thấp như hiện nay.

Duy trì điều chỉnh tăng lương hưu qua mỗi năm còn là cách thiết thực để tăng niềm tin của người lao động về chính sách hưu trí, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một cục, đảm bảo mục tiêu an sinh, tiến tới giảm gánh nặng trợ cấp xã hội.

Theo ông Phạm Minh Huân – nguyên thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – bày tỏ ủng hộ điều chỉnh tăng lương hưu cho người về hưu, đảm bảo lương hưu không bị trượt giá so với giá cả tiêu dùng, hấp dẫn người lao động tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội.

Song ông cho biết việc chi trả lương hưu vẫn cần một phần từ ngân sách cho nhóm người nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995. Sau thời điểm này, lương hưu mới được lấy từ quỹ hưu trí và tử tuất.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã tính toán kỹ các yếu tố liên quan để báo cáo Quốc hội ra nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và chủ trương chưa tăng lương hưu, trợ cấp năm 2025.

Tuy vậy theo ông Huân, Chính phủ vẫn có thể cân đối nguồn lực, khả năng của quỹ hưu trí và tử tuất cũng như xem xét tình hình kinh tế – xã hội thuận lợi hay không để báo cáo Quốc hội điều chỉnh tăng lương hưu.

Thời điểm tăng lương hưu có thể vào quý 4-2025 hoặc đầu năm 2026.

“Những năm qua, chúng ta điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp, qua đó mặt bằng lương đã cao hơn. Nhưng rõ ràng là nhu cầu đời sống nhiều người vẫn gặp khó khăn.

Do vậy nhiều người mong điều chỉnh tăng lên. Đây là mong muốn rất chính đáng”, ông Huân cho hay.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều